• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Tham nhũng trong đất đai: Dân khổ, doanh nghiệp mệt

Báo Pháp luật Tp.HCM đã có cuộc trao đổi với GS-TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường xung quanh vấn đề này.

Dân chờ dài cổ

- Thực tế cho thấy người dân là nạn nhân đầu tiên của tình trạng tham nhũng đất đai. Điều này xảy ra như thế nào, thưa ông?

+ Rõ nhất là việc người dân bị nhũng nhiễu khi đi làm giấy tờ nhà đất. Mặc dù đã có quy định rất rõ ràng về các trình tự, thủ tục nhưng trên thực tế người dân vẫn phải qua rất nhiều bước, nhiều thủ tục, thời gian bị kéo dài và phải mất tiền cho những khoản chi không chính thức.

Theo quy định, sau khi người dân nộp đủ hồ sơ hợp lệ 65 ngày thì được cấp giấy chứng nhận (GCN) lần đầu. Thế nhưng đa số người dân khi được hỏi đều cho rằng thời hạn cấp GCN thực tế luôn kéo dài hơn thế, thường dài hơn vài tuần, nhiều nơi dài hơn vài tháng, thậm chí tới cả năm. Tuy nhiên, chưa thấy có trường hợp nào cán bộ kéo dài thời gian như vậy bị xử lý. Dù đã có quy định về hình thức kỷ luật cán bộ khi vi phạm ở dạng này.

- Có thực tế là người dân khiếu kiện nhiều nhất về việc bồi thường khi họ bị thu hồi đất. Phải chăng tham nhũng ở đây là nhiều nhất?

+ Việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người dân bị thu hồi đất cũng liên quan nhiều tới tham nhũng. Đa số ý kiến của người dân bị thu hồi đất đều cho rằng họ không chỉ bị thiệt thòi trong việc giá đất tính bồi thường quá thấp, mà còn phát hiện sự bất công bằng trong phương án tính toán bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Chẳng hạn có tình trạng bồi thường khống, nghĩa là tài sản thì ảo nhưng tiền bồi thường thì thật.

Cơ chế nhà nước giao đất trực tiếp cho chủ đầu tư luôn chứa đựng nguy cơ tham nhũng. Trong ảnh: Thi công cơ sở hạ tầng một dự án nhà ở. Ảnh minh họa: HTD

Doanh nghiệp mệt nhoài

- Vậy với doanh nghiệp thì sao, thưa ông?

+ Muốn có được đất, DN phải chạy đôn chạy đáo từ các sở của tỉnh xuống đến phòng của huyện, rồi đến xã, sau đó lại chạy ngược trở lên, ngược xuôi tới vài lần. Quá trình xuôi ngược đó luôn gắn với các chi phí ngoại giao, chi phí bôi trơn để được thuận lợi, vấn đề được giải quyết cho nhanh hơn. Cách thức như vậy ai cũng biết nhưng không tính đếm được là bao nhiêu. Nhiều DN thừa nhận: Giá đất trả cho nhà nước thấp hơn giá đất trên thị trường khá nhiều. Nhưng khoảng chênh lệch đó cũng chỉ đủ bù lại các chi phí không chính thức mà DN phải rải ở nhiều nơi.

Cơ chế nhà nước giao đất trực tiếp cho chủ đầu tư luôn chứa đựng nguy cơ tham nhũng rất cao. Nó gắn với mối quan hệ trực tiếp giữa nhà đầu tư cần đất và người quản lý có thẩm quyền giao đất thông qua việc xác định vị trí đất và giá đất. Nhưng cách này lại được áp dụng rất phổ biến ở hầu hết các địa phương.

Những chi phí gắn với tham nhũng trong giao đất, cho thuê đất luôn làm giá nhà đất tăng cao hơn, giá đầu vào của sản xuất hàng hóa bị đẩy lên, cuối cùng là giá hàng hóa cũng tăng theo, ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Mặt khác, tham nhũng trong giao đất tạo ra môi trường đầu tư không lành mạnh. Không ít trường hợp nhà đầu tư có năng lực yếu nhưng thạo quan hệ luôn có đất ở vị trí đẹp, giá trị.

Cần xử mạnh để răn đe

- Nhiều ý kiến nhận định tham nhũng đất đai ngày càng tinh vi, điều đó thể hiện như thế nào trong thực tế, thưa ông?

+ Trước đây, tham nhũng trong đất đai thường xuất hiện dưới dạng “thô” như chính quyền cấp tỉnh, cấp huyện thu hồi đất rộng hơn so với nhu cầu để chia nhau phần diện tích rộng hơn đó, hay cán bộ nhận nhà đất trực tiếp từ các dự án nhà ở, hoặc cấp xã tổ chức bán đất công. Nhiều vụ việc cũng đã được xử lý công khai như vụ Đồ Sơn, vụ Quán Nam ở Hải Phòng…

Nhưng hiện nay tham nhũng ở dạng “thô” như vậy đã giảm đi rất mạnh mà chuyển sang dạng kín đáo hơn, tinh vi hơn như gây khó khăn trong việc thực hiện các thủ tục về thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất hay liên kết nhiều phía trong tính toán giá đất, thực hiện quy hoạch xây dựng, chỉnh trang mở rộng đường giao thông đô thị…

Khi ở dạng thức tinh vi hơn thì thường khó phát hiện về hối lộ hay chia lợi nhuận giữa các bên tham gia vào tham nhũng. Thực tế, ta chưa bắt được những vụ tham nhũng lớn về đất đai dưới các dạng tinh vi này. Trong khi đó, đất đai vẫn đang được xếp ở đầu bảng về tham nhũng. Nếu tham nhũng trong đất đai được phát hiện kịp thời, được xử lý nghiêm thì chắc chắn chúng ta có thể kiềm chế được tệ nạn này, khó có thể để xảy ra tràn lan như hiện nay.

- Vậy có “thuốc” nào để hạn chế được thực trạng nhức nhối này, thưa ông?

+ Giải pháp quan trọng nhất để hạn chế tham nhũng về đất đai là công khai, minh bạch trong việc cấp GCN nhà đất, đăng ký giao dịch về bất động sản. Đồng thời đẩy mạnh cơ chế thị trường trong việc thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất như nhà đầu tư đứng ra thương thảo trực tiếp với người sử dụng đất hoặc nhà nước thu hồi đất theo quy hoạch để đưa ra đấu giá, đấu thầu.

Giải pháp thứ hai là thực hiện nghiêm việc kiểm tra, thanh tra đối với bộ máy hành chính trong quản lý đất đai. Cùng với đó, tăng cường sự giám sát của các cơ quan dân cử, các tổ chức xã hội và người dân đối với bộ máy này. Đặc biệt, các vi phạm, tham nhũng về đất đai phải bị xử lý nghiêm.

Một giải pháp khác lâu dài là tăng thu nhập cho các cán bộ quản lý đất đai, để họ không vẩn vơ với việc tìm thu nhập thêm từ tham nhũng. Với mức lương như hiện nay, không đủ chi cho các nhu cầu tối thiểu của cuộc sống thì cũng khó để họ từ chối nhận hối lộ.

- Xin cảm ơn ông.

(Theo PLTPHCM)

  • 0
  • By Admin
  • 22/11/2010
  • 17