• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Tham nhũng đất đai: "Tảng băng chìm" lớn

Giải tỏa nhà dân để làm dự án giao thông tại quận Bình Thạnh, Tp.HCM. Ảnh: LÊ TOÀN.

Tham nhũng... nhỏ

Bà Nguyễn Thị T. kể câu chuyện về hành trình gian khổ khi làm giấy chủ quyền cho căn nhà mà gia đình bà đã ở từ trước năm 1975. Số là năm 2004, dự án mở đường dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã giải tỏa một phần căn nhà của bà. Vì vậy, bà T. muốn, sẵn đó xây dựng lại căn nhà đã xuống cấp nên đã đi “xin” giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở.

Thế nhưng, “có đi làm giấy tờ nhà đất mới biết”, hết phường yêu cầu bổ sung giấy tờ này đến quận yêu cầu bổ sung giấy tờ kia. Hàng chục lần lên quận, xuống phường và một số cơ quan khác, cuối cùng hồ sơ xin cấp chủ quyền nhà của bà T. đã được chấp nhận. Đến ngày hẹn “có sổ hồng” bà hồi hộp đến phòng tài nguyên môi trường quận thì lại nhận được yêu cầu “phải có xác nhận ranh giải tỏa của Ban bồi thường giải phóng mặt bằng”.Hồ sơ lại bị trả lại cho bà T. để bổ sung giấy tờ. Nhưng, xong xác nhận ranh giải tỏa, bà T. lại nhận được yêu cầu phải có bản vẽ điều chỉnh lại diện tích thửa đất có xác nhận của Sở Tài nguyên Môi trường... Gần sáu năm qua, căn nhà với vách tôn tạm bợ của bà T. vẫn còn đó.

Vị trí đặt quảng cáoCâu chuyện của bà T. (và rất nhiều câu chuyện tương tự) chắc chưa được đưa vào danh sách 633.000 bộ hồ sơ sai phạm về quy trình thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà (cả nước) mà Thanh tra Chính phủ phát hiện và công bố tại diễn đàn “Đối thoại phòng chống tham nhũng lần 8 giữa Việt Nam và các đối tác phát triển” hồi cuối tháng 11-2010. Tuy nhiên, số vụ mà Thanh tra Chính phủ “nắm” được cũng thật đáng buồn. Theo các khảo sát công bố tại diễn đàn đối thoại, thời gian lưu hồ sơ nhà đất ở phường/xã trung bình mất 127 ngày, có trường hợp kéo dài đến 1.290 ngày - hơn ba năm rưỡi. Để được giải quyết hồ sơ nhanh, người dân phải chi từ 4-85 triệu đồng cho việc hoàn tất hồ sơ đất đai ở phường/xã. Và, hơn 30% người dân cho biết phải “bồi dưỡng” khi làm việc với cán bộ một cửa ở cấp quận/huyện.

Kết quả khảo sát còn cho thấy hơn 50% người dân thuê cán bộ làm dịch vụ trung gian xin cấp giấy chứng nhận sử dụng đất với chi phí trung bình gần 9 triệu đồng. Khi chuyển nhượng đất, 44% người dân cũng phải “nhờ” đến cán bộ với chi phí trung bình trên 2 triệu đồng. Ngay cả ở khâu cung cấp thông tin - nghĩa vụ của cơ quan công quyền - người dân cũng phải trả tiền triệu để được tiếp cận.

Ông Đặng Hùng Võ, cựu Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường, cho rằng người dân thường bị làm khó khi làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà là do cán bộ nhũng nhiễu và tham nhũng. Tuy nhiên, theo ông, tham nhũng dạng này nhiều, phổ biến nhưng giá trị tham nhũng không cao.

Tham nhũng... lớn

Tại diễn đàn đối thoại, nghiên cứu chung của Đại sứ quán Thụy Điển, Đan Mạch, Tổ chức Minh bạch thế giới và Ngân hàng thế giới về “Đánh giá các yếu tố rủi ro gây tham nhũng trong quản lý đất đai ở Việt Nam” cho thấy 85% số hộ gia đình được hỏi nhận thấy có vấn đề tham nhũng trong quản lý sử dụng đất đai; 30% doanh nghiệp cho biết phải có quà cáp hoặc chi tiền không chính thức để nhận được chứng nhận quyền sử dụng đất.

Vì thế, rất dễ hiểu khi kết quả kiểm tra theo chỉ đạo của Thủ tướng về tăng cường quản lý trong lĩnh vực đất đai, cơ quan chức năng đã phát hiện hàng trăm ngàn trường hợp vi phạm (bán đất trái luật; cấp đất, giao đất không đúng thẩm quyền...) với tổng diện tích hơn 8.000 héc ta. Một cán bộ địa chính cấp huyện của một tỉnh phía Nam kể rằng, có không ít chủ đầu tư cầm “giấy tay” của lãnh đạo tỉnh xuống yêu cầu huyện thu hồi đất theo dự án đã được duyệt mà huyện không biết, dân không hay. Nếu không có tiêu cực, tham nhũng, sao lại có những chuyện như vậy?

Theo ông Võ, tham nhũng lớn thường là tham nhũng liên quan đến quá trình thu hồi đất, giao đất, thực hiện bồi thường tái định cư cũng như lập và phê duyệt quy hoạch. Vì cách tiếp cận đất đai hiện nay phần lớn dưới hình thức nhà đầu tư trình dự án, thu hồi đất theo dự án, sau đó đất được cấp trực tiếp cho nhà đầu tư. Cấp tỉnh quyết định giá đất từ việc bồi thường cho người có đất bị thu hồi đến thu tiền thuê đất của nhà đầu tư. Ông Võ cho rằng quy trình tiếp cận đất đai như thế là miếng đất màu mỡ cho tham nhũng lớn vì chỉ có một cơ quan là UBND tỉnh mà vừa có quyền thu đất, vừa có quyền cấp đất, vừa có quyền quyết định giá đất.

Không hiếm trường hợp, nhà đầu tư thông đồng với chính quyền “ém” thông tin về quy hoạch. Như trường hợp một công ty xin được phê duyệt quy hoạch một khu đô thị ở Nhơn Trạch, Đồng Nai nhưng không công khai thông tin mà âm thầm đi gom đất... Tại diễn đàn đối thoại, Thanh tra Bộ Tài nguyên Môi trường cho rằng nhiều nơi tổ chức thực hiện quy hoạch sử dụng, giao đất chưa nghiêm, có sự lợi dụng để tham nhũng, trục lợi.

Thanh tra Chính phủ cũng cho biết, qua các cuộc thanh tra, đã phát hiện nhiều dạng sai phạm. Nhưng sai phạm nguy hại nhất là sai phạm trong khâu quy hoạch đất đai. Duyệt quy hoạch các khu đô thị, khu công nghiệp, sân golf, khu sinh thái... không hợp lý rồi bỏ dở gây lãng phí và nhiều khi không thể khắc phục. Tất nhiên, những quy hoạch như thế sẽ có lợi cho một số người nên khả năng tham nhũng rất lớn.

Chống tham nhũng: phải giảm sự độc quyền của hệ thống hành chính

Theo ông Nguyễn Đình Quyền, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, hàng ngàn tỉ đồng, hàng ngàn héc ta đất bị mất, hàng trăm cán bộ bị xử lý. Nhưng trong thực tế, người dân đi giải quyết thủ tục liên quan đến quyền lợi đều mất tiền, cán bộ nhà nước vẫn nhận tiền của dân bình thường. Vì sao?

Tham nhũng trong quản lý và sử dụng đất đai được xếp đứng đầu bảng trong các loại tham nhũng. Nhiều giải pháp chống tham nhũng đã được đưa ra nhưng trên thực tế chưa thấy có hiệu quả nhiều. Việc công khai, minh bạch thông tin về quản lý quy hoạch đất đai, đơn giản hóa thủ tục hành chính... vẫn chưa thực hiện tốt. Nói như ông Đặng Hùng Võ là chống tham nhũng mới chỉ nói chứ chưa thật sự làm.

Tại diễn đàn đối thoại, Thanh tra Chính phủ cho rằng việc chống tham nhũng trong quản lý sử dụng đất đai hiện nay bị vướng bởi thể chế. Muốn chống tham nhũng có hiệu quả phải hoàn thiện thể chế về đất đai - điều chỉnh cơ chế chính sách quản lý đất đai, cải cách thủ tục hành chính. Đặc biệt, các quy trình, thủ tục giải quyết các vấn đề đất đai cần được cải cách mạnh mẽ hơn; thay đổi những người thiếu năng lực...

Nhưng kẽ hở quan trọng trong việc chống tham nhũng trong quản lý sử dụng đất đai đã được đại diện Ngân hàng Thế giới chỉ ra. Đó là sự chồng chéo chức năng quản lý và điều hành khi UBND ra quyết định về sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; đồng thời (chủ tịch UBND) cũng là người đứng đầu Ủy ban Phòng chống tham nhũng, còn thanh tra cũng lại phụ thuộc vào UBND.

Ông Đặng Hùng Võ cho rằng giải pháp chống tham nhũng đất đai không khó, cái khó là chúng ta có quyết tâm hay không mà thôi! Theo ông, muốn chống tham nhũng phải giảm được sự độc quyền của hệ thống hành chính. Vì vậy cần có hệ thống định giá đất, quy hoạch, thẩm định dự án... độc lập với cơ quan hành chính. Cũng có chuyên gia cho rằng cần công bố rõ ràng, minh bạch các quyết định của chính quyền liên quan đến đất đai và tất cả các dự án phải được đấu thầu. Và, tất nhiên, phải xây dựng một hệ thống pháp luật hướng đến chống tham nhũng có hiệu quả như xử phạt nặng hành vi tham nhũng, bảo vệ người tố cáo tham nhũng...

(Theo TBKTSG)

  • 0
  • By Admin
  • 04/12/2010
  • 17