• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Thăm nhà họa sĩ, nhà thiết kế Hoài Hương

Làm thế nào để tìm thấy sự tĩnh tại ấy, những loài hoa vừa thực, vừa mơ ấy? Đến ART Garden Club của anh, là đến với một ngôi nhà, một con người. Ở đó, từng chiếc bàn, từng bức tranh, từng chiếc lá sẽ kể cho ta nghe về những huyên náo và tĩnh lặng, những ấm áp và ân cần, cùng với thời gian đã tạo nên phần hồn của ngôi nhà…

Thăm nhà họa sĩ, nhà thiết kế Hoài Hương | ảnh 1

- Dường như đến tuổi này, trải qua bao được mất ở đời, anh mới đủ sự thấu hiểu, để có thể mở lòng mình, mở cánh cửa ngôi nhà mà anh từng sống suốt mười năm qua, để bạn hữu và du khách có thể sống và vẽ cùng anh?

Đúng là phải sống đến một cái ngưỡng nào đấy, mới có thể biết san sẻ tình yêu của mình đến với người xung quanh. Nếu người khác có trái tim giống mình, sẽ cảm được tất cả những gì mà mình muốn dâng tặng. Cuộc sống là một sự cho đi. Điều tôi muốn dâng tặng lớn nhất chính là sự bình yên, một cõi riêng vô cùng giản dị. Kẻ sĩ là người không đau đáu vun vén cho mình mà vun vén tạo dựng cái trí để cho mọi người. Slogan của Art Garden Club là: “Một cõi riêng cho bạn”. Cõi riêng này không phải chỉ là một không gian đẹp đơn thuần, một nghệ thuật sắp đặt hay một bộ sưu tập tranh quý của bè bạn… Nó là cuộc đời tôi, là ngôi nhà tôi từng ở, là hơi thở của tôi quyện vào từng nhành lá mới, từng trái xoài chín thơm tho… Tôi yêu ngôi nhà của mình, và đến lúc này, tôi muốn nó được mở cửa, để đón bạn bè cùng tôi chia sẻ không gian sáng tạo, cùng khám phá hội hoạ, âm nhạc, và thưởng lãm nghệ thuật ẩm thực của những miền quê Việt, một đam mê mà tôi cũng rất hào hứng.

Thăm nhà họa sĩ, nhà thiết kế Hoài Hương | ảnh 2

- … Nghĩa là có thể cùng anh đặt chân vào bếp, nơi ấm nhất của ngôi nhà? Cùng anh bước lên căn gác nhỏ áp mái, để cầm cọ phết lên trên bức tranh một cánh đồng hoa vàng rực mà anh đang vẽ dang dở kia?

Tôi muốn đưa nghệ thuật hội hoạ phổ cập hơn đến cuộc sống, để bất cứ người bình thường nào cũng có thể được ngắm tranh, được vẽ, được trò chuyện, trao đổi nghệ thuật trong không gian yên tĩnh, riêng tư. Nhu cầu ấy là có thực, và đang rất thịnh hành trong giới trí thức, những người hoạt động nghệ thuật. Ở đây, bạn có thể học hỏi và tự tham gia vào các hoạt động mỹ thuật, tìm hiểu về đồ cổ, tiếp cận dài hơn với kiến trúc… Trong một ngày, bạn có thể ở lại vẽ tranh và tham gia cùng với đầu bếp thực hiện những món ăn nhà quê đã gắn với ký ức, với hoài niệm của mỗi người. Không gian này sẽ mở rộng sang làng nghệ thuật Hàm Long ở quận 2, rộng hơn 5.000m2, đủ điều kiện cho khách lưu trú lại, tiếp xúc sâu hơn với nghệ thuật, học cách vẽ tranh lụa, làm sơn mài… Đây cũng là nơi bè bạn hoạ sĩ, nhà sưu tập có thể triển lãm tranh, giới thiệu những bộ sưu tập của mình. Cuối tháng sáu này sẽ là cuộc triển lãm tranh đầu tiên, giới thiệu bộ sưu tập tranh về Myanmar của nhà sưu tập Thái Quang Trung. Tôi nghĩ không gian nghệ thuật không chỉ mang tính trưng bày, mà phải để cho người ta được trực tiếp sống với nó, tìm cảm giác bình yên trong nó. Phải tìm tòi và tận hưởng sự tĩnh lặng khi đi sâu vào đời sống nghệ thuật, mới có thể yêu thích nó thật sự, đó cũng chính là văn hoá. Khi sống với nghệ thuật, con người nhân bản hơn nhiều.

Thăm nhà họa sĩ, nhà thiết kế Hoài Hương | ảnh 3

- Biến một ngôi nhà đang ở thành không gian công cộng, thách thức lớn nhất với anh là gì trong xử lý không gian? Một người quá yêu gỗ như anh làm thế nào để biết dừng đúng “ngưỡng” khi đưa gỗ vào nhà?

Tôi giữ nguyên kết cấu cột kèo, chỉ biến không gian đóng thành không gian mở, để tầm nhìn rộng hơn, và sắp xếp lại một chút, để tạo thành những không gian riêng tư. Căn áp mái nơi tôi thường vẽ cũng được nâng lên, nhưng vẫn giữ nguyên không khí của một ngôi nhà, từng góc sống và phong cách kiến trúc hài hoà giữa phương Đông và phương Tây, giữa kiến trúc thuộc địa và kiến trúc Huế. Đây là nơi mà mình thực sự được xây theo ý mình…

Gỗ mang lại cảm giác chở che, ấm áp, gần gũi, mềm mại. Việc “mix” giữa gỗ và bêtông nếu nhiều quá thành nặng nề, vì gỗ màu tối. Nếu ít quá ngôi nhà không đủ ấm. Tỷ lệ là cực kỳ quan trọng, sáng và tối phải hài hoà. Tôi đặc biệt nhạy cảm về vật liệu.

Thăm nhà họa sĩ, nhà thiết kế Hoài Hương | ảnh 4
Nơi uống trà và thưởng thức tranh. Góc vẽ của chủ nhân và bạn bè.

- Không gian nào trong ngôi nhà mà anh thích nhất?

Thực ra người ta có thể thưởng thức cuộc sống bất cứ lúc nào, đâu cần phải lầu son gác tía. Tôi thích một góc có cây xanh, những loài cây lá to, tán rộng như cây chuối hình rẻ quạt, sen, súng… và những ô cửa mở ra khu vườn nho nhỏ, để màu xanh và ánh sáng có thể tràn vào bất cứ nơi nào của ngôi nhà. Tôi cũng rất thích cánh cổng, nơi đón mình trở về nhà. Mỗi khi đi xa, cánh cổng là nơi mình đau đáu nhớ về. Cổng nhà tôi hơi thụt vào một chút, và có mái nho nhỏ để khách qua đường có thể dừng chân trú mưa, trú nắng. Bên cổng nhà có bóng xoài to rợp mát, như một không gian chia sẻ với cộng đồng. Những buổi chiều mưa, ngồi trên căn gác nhỏ ngắm mưa, thưởng thức hương vị trà Ôlong trong hương trầm dìu dịu, nỗi nhớ ở đâu cứ ùa về…

Thăm nhà họa sĩ, nhà thiết kế Hoài Hương | ảnh 5

Thăm nhà họa sĩ, nhà thiết kế Hoài Hương | ảnh 6

Thăm nhà họa sĩ, nhà thiết kế Hoài Hương | ảnh 7
Góc tranh của chủ nhân. Tranh và đồ trang trí hài hoà.

- Ăn trong nhà hàng của anh cũng là “ăn để nhớ, ăn để về nhà”?

Cũng có người hỏi tôi không gian đẹp thế này sao không mở quán kinh doanh? Tôi nghĩ cũng đúng, nhưng vấn đề cái gì đi trước, cái gì đến sau. Tôi muốn tạo ra sự tĩnh lặng, để người ta tìm tới một cách tự nhiên. Khi mình thích, nhiều người thích, cộng đồng thích, kinh doanh ắt đến. Bạn bè đến đây là để gặp mình, biết không gian sống của mình, điều đó mới là vô giá. Mười năm rồi, cây cối đã ăn vào với đất, những lớp ngói đã rêu phong, thời gian đã phủ lên ngôi nhà, sự sống đang thành hình. Vừa rồi có mười người Pháp muốn gặp gỡ tôi, xem tranh, gặp các nhà sưu tập, và cần một chút món ăn tinh tế sau buổi chiều. Tôi nhận ra đó chính là công việc của mình. Có một nhu cầu thưởng thức nghệ thuật với tất cả vẻ đẹp thật và mộc của nó. Chính cuộc sống quá nồng nàn, đa chiều đã giúp tôi hình thành ý tưởng kinh doanh.

Tôi sinh ra ở Hải Phòng, những ngày sơ tán ở Kiến Thuỵ, Đá Bạc, món ăn mà tôi nhớ đời là món cá bung với lá trà xanh. Mỗi lần đi bắt cá về ăn không hết, tôi thường được mấy bác nông dân chỉ cho cách kho. Cứ xếp một lớp mía, một lớp lá trà xanh, một chút sả, gia vị, rồi một lớp cá, nấu lửa liu riu, vùi trong tro bếp đến lúc cá ngấu, ăn cơm thì hao phải biết! Món lươn nấu nghệ tôi cũng học được từ ngày sơ tán. Còn vợ tôi lại rất giỏi các món Huế, thế là thành nhà hàng thôi. Tính tôi tò mò, lại rất thích ăn quà vặt. Những món ăn quê chân chất như cơm âm phủ, lẩu cá rô đồng, rau dền luộc chấm tôm kho đánh… là ăn để sống lại quá khứ, đánh thức một quãng đời đẹp đẽ nào đó mà mình đã trải qua… Khi tôi vẽ bức tranh cổng làng, nhà văn Đoàn Thạch Biền đã thốt lên: “Có phải cậu vẽ cái cổng làng mình? Tự nhiên thấy nhớ quê quá…” Hội hoạ cũng là để đánh thức quá khứ, đánh thức kỷ niệm.

Thăm nhà họa sĩ, nhà thiết kế Hoài Hương | ảnh 8

- Gắn bó với ngôi nhà như là máu thịt, câu chuyện nào mà anh nhớ nhất?

Khi ngôi nhà đã thành không gian quen thuộc, chẳng có ai muốn rời xa. Lúc trào lưu nhà Phú Mỹ Hưng đang thịnh, tôi đang thiết kế cho Khaisilk. Tôi nảy ra ý định bán nhà, về Phú Mỹ Hưng ở. Khi thổ lộ ý định của mình với vợ, cô ấy giận, lặng im không nói với tôi suốt một tuần. Từ đó, tôi không bao giờ dám bàn đến chuyện dời nhà nữa, dù nơi ở mới có rộng gấp nhiều lần. Ngôi nhà này đem lại nhiều phúc lộc cho tôi, cũng chính nơi đây hai con tôi thực hiện giấc mơ của mình với kinh doanh. Con đã nói một câu khiến tôi phải giật mình: “Nghề của ba phải ở trên cùng đỉnh tháp mới mong thành công, nếu làng nhàng sống không được. Con không thể, leo lên đỉnh tháp với con rất khó khăn. Ba cho con làm ngành khác, kiếm tiền cũng gần bằng cái art của ba…”

Thăm nhà họa sĩ, nhà thiết kế Hoài Hương | ảnh 9

Thăm nhà họa sĩ, nhà thiết kế Hoài Hương | ảnh 10
Nhìn vào ngôi nhà không quá lớn vừa đủ để đón khách. Góc vườn với cây, nước và đá.

- Vợ anh là một cô gái Huế xuất thân từ hoàng tộc, nhưng lại rất kín đáo, lặng lẽ, không bao giờ xuất hiện trước đám đông, đó có phải là bí quyết để giữ được chân anh?

Nhà tôi thờ chữ “đức”, chữ “hoà”. Khi mình cảm thấy cuộc sống lửa nhiều quá, thì cần một thảm cỏ xanh, nhưng khi cô ấy là… lửa, thì mình lại là thảm cỏ Huế.

Bà xã tôi có một đời sống rất khép kín, trừ tiệc đãi bạn thân và lần triển lãm tranh đầu tiên của tôi, cô ây không bao giờ xuất hiện trước đám đông. Chính cô ấy mới là người xây tổ ấm, biến ngôi nhà thành chốn nghỉ ngơi thanh thản, để khi quay về luôn cảm thấy rất ấm cúng. Dù cuộc sống không phải cái gì cũng thuận hoà, nhưng cô ấy luôn là chỗ mình gửi gắm, chia sẻ, là gạch nối cho tất cả mọi thứ mà tôi có được. Đặc biệt, cô ấy là người ảnh hưởng nhiều nhất đến các con. Người đàn ông như tôi giao du nhiều, lại có máu “nghệ” rất mạnh, đi đây đi đó liên miên, không phải không có người ưa, nhưng cái cuối cùng giữ chân mình chính là gia đình. Tình yêu là cái ban đầu, còn gia đình là mãi mãi.

(Theo SGTT)

  • 497
  • By Admin
  • 27/06/2012
  • 17