• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Thái Nguyên xem xét thu hồi 22 dự án: Vẫn còn ít?

Tỉnh coi đây là bước đi nhằm tạo môi trường đầu tư lành mạnh, minh bạch, tránh lãng phí tài nguyên đất.

Hàng triệu mét vuông đất bị bỏ hoang

Theo ước tính, chỉ riêng với những dự án bị xem xét thu hồi, 2 - 3 năm qua, hàng triệu mét vuông đất tại Thái Nguyên đã bị tê liệt, hoang phí. Trong số 22 dự án bị xem xét, thu hồi, khu du lịch sinh thái sân golf Long Sơn tại xã Lương Sơn, TP Thái Nguyên (do Cty CP golf Long Sơn (Đà Nẵng) làm chủ đầu tư) là dự án có diện tích lớn nhất. Dự án được chấp thuận từ năm 2008 với số vốn đầu tư lên đến gần 9 nghìn tỷ đồng nhưng đến nay cả vùng đất rộng 560ha vẫn bị bỏ hoang, khu du lịch sinh thái sân golf Long Sơn vẫn chỉ nằm trên giấy!

Ở trường hợp khác, để thu hút và tạo điều kiện cho nhà đầu tư, tỉnh Thái Nguyên đã ứng vốn GPMB nên chỉ sau 40 ngày kể từ khi được chấp thuận đầu tư (tháng 11/2007), Cty TNHH Lệ Trạch (Đài Loan) đã có quỹ đất sạch trên 40ha (chủ yếu là đất nông nghiệp) để động thổ, khởi công thực hiện dự án đầu tư hạ tầng KCN Trung Thành (H.Phổ Yên). Thế nhưng, sau khi xây dựng được một bờ tường và san lấp được một phần rất nhỏ diện tích, KCN cũng nằm im, còn người dân xã Trung Thành khốn khổ vì không còn đất sản xuất.

Cũng được chấp thuận đầu tư từ năm 2008, tiến độ đăng ký hoàn thành vào 2011 nhưng 2 dự án của liên doanh Cty CP Long Việt và Cty CP Long Minh là KĐTM Thịnh Quang và dự án đường Việt Bắc đến giờ phút này đều chưa thấy triển khai thực hiện khiến đất đai trong vùng dự án bị hoang hóa bởi dự án treo.

Tương tự, Cty CP tập đoàn Tân Cương Hoàng Bình (TP Thái Nguyên) là chủ đầu tư của 3 dự án (TT dịch vụ tổng hợp Sông Cầu, khu du lịch sinh thái chè đặc sản Tân Cương, công viên du lịch thể thao Sông Cầu) với tổng vốn đầu tư trên 550 tỷ đồng. Sau khi được chấp thuận đầu tư (2 dự án năm 2007, 1 dự án năm 2008) với cam kết sẽ hoàn thành tiến độ vào 2010. Tuy nhiên, đến nay Cty này mới khởi công được 1 dự án nằm trên vị trí khá đắc địa bên cạnh công viên Sông Cầu rồi bỏ đó, chưa biết đến khi nào hoàn thành.

Để dự án hiệu quả hơn

Theo Sở KH&ĐT Thái Nguyên, từ 2007 đến nay tỉnh này đã có 460 dự án đăng ký với tổng quy mô vốn gần 150 nghìn tỷ đồng. Hiện đã có 100 dự án đã triển khai xong, 300 dự án đã và đang triển khai.

Ông Nguyễn Đức Minh - Giám đốc Sở KH&ĐT Thái Nguyên cho biết, trong danh sách đề nghị thu hồi giấy phép đầu tư, thậm chí đã có dự án được khởi công hoặc phê duyệt quy hoạch, điều này khiến đất đai bị lãng phí. Vì vậy cần thiết phải tiến hành loại bỏ những chủ dự án thiếu năng lực, nhất là các dự án đầu tư theo kiểu phong trào để các dự án được thực hiện có hiệu quả. “Đây cũng là động thái khiến các chủ đầu tư có trách nhiệm hơn với dự án đã đăng ký” - ông Minh nói.

Cũng theo Sở KH&ĐT Thái Nguyên, trong số 460 dự án đăng ký có 60 dự án thuộc diện chậm tiến độ. “22 dự án đề nghị thu hồi lần này chậm từ 24 - 36 tháng. Các dự án còn lại có thời gian chậm triển khai ít hơn”- một cán bộ Sở KH&ĐT Thái Nguyên chỉ rõ.

Có lẽ bởi lý do “thời gian chậm triển khai ít hơn” nên Cty CP Long Việt nằm trong liên doanh với Cty CP Long Minh có 3 dự án trong tay nhưng mới chỉ có 2 dự án bị “xem xét”, còn Dự án bến xe khách Long Việt do Cty CP Long Việt trực tiếp làm chủ đầu tư (chứng nhận đầu tư tháng 4/2009), có diện tích 6,3ha tại khu vực P.Thịnh Đán, TP Thái Nguyên được cam kết là “đưa vào hoạt động giữa năm 2011” vẫn chưa “được” đưa vào danh sách thu hồi dù đã khiến người dân nơi đây bị “treo” gần 2 năm qua.

Tuy vậy, dư luận Thái Nguyên cho rằng, trên thực tế vẫn còn nhiều dự án “chậm tiến độ” khiến người dân lao đao. Chẳng hạn như Dự án xây dựng khu dân cư nam Đại học Kỹ thuật công nghiệp Thái Nguyên thuộc xã Tích Lương, TP Thái Nguyên khởi động từ tháng 12/2004, chính thức thi công từ cuối năm 2007 nhưng đến nay vẫn chưa thể hoàn thành.

Có rất nhiều lý do khiến dự án chậm triển khai, và chậm tiến độ nhưng chủ yếu nguyên nhân bởi nhà đầu tư thiếu năng lực, đầu tư dự án theo phong trào và đặc biệt là xin thực hiện dự án nhằm chiếm giữ, đầu cơ tài nguyên đất đai. Vì thế, theo các nhà chuyên môn, bên cạnh việc tiếp tục rà soát, thanh kiểm tra các dự án đã được chấp nhận đầu tư nhưng thực hiện chậm tiến độ, các cơ quan chức năng của tỉnh Thái Nguyên cần hạn chế các chủ đầu tư thiếu năng lực khi giao thực hiện dự án.

“Nói chung việc thu hồi đất, thu hồi dự án, thái độ của tỉnh Thái Nguyên là tập trung chỉ đạo quyết liệt, nhưng đảm bảo các yếu tố theo quy định của luật, đảm bảo khách quan, đảm bảo cho các DNnhận thấy sai sót của mình để rút kinh nghiệm, đồng thời giúp các DN khác coi đó là một bài học để thực hiện có hiệu quả hơn” - ông Phạm Xuân Đương - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên khẳng định!
Cách đây ít năm, Dự án hồ điều hòa Xương Rồng và KĐTM trị giá 100 triệu USD đã được tỉnh Thái Nguyên chuyển giao từ nhà đầu tư là Cty TNHH Intra Việt Nam, thuộc tập đoàn INTRA (Nhật Bản) cho nhà đầu tư Cty Sông Đà 2 và nhà đầu tư mới này đang thực hiện khá hiệu quả

(Theo Xây dựng)

  • 118
  • By Admin
  • 28/06/2011
  • 17