• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Thái Nguyên: Bờ xôi, ruộng mật... để hoang

Nhiều mảnh ruộng bờ xôi, ruộng mật thuộc diện  thu hồi để phơi mưa, phơi nắng trong khi người dân càng ngày càng ít ruộng. Mới đây,  tỉnh đang tiến hành xem xét, thu hồi 22 dự án chậm triển khai hoặc thực hiện không đúng cam kết...

Từ những dự án "treo"...

Trong số các dự án xem xét để ra quyết định thu hồi, dự án có số vốn đầu tư lớn nhất là khu du lịch sinh thái sân golf Long Sơn tại xã Lương Sơn (TP Thái Nguyên) do Công ty CP golf Long Sơn (Ðà Nẵng) làm chủ đầu tư. Dự án được chấp thuận từ năm 2008 với số vốn đầu tư  gần 9.000 tỷ đồng nhưng đến nay vẫn "án binh bất động", khiến 560 ha đất  để hoang phí. Một dự án khác có giá trị lớn bị "treo" là công trình xây dựng  tỉnh lộ 261 của Công ty CP Long Việt.

Dự án này  được cấp phép tháng 2/2009, vốn  đầu  tư 2.000 tỷ đồng và tiến độ đăng ký hoàn thành vào năm 2011, nhưng đến nay, chủ dự án vẫn đang trong giai đoạn lập dự án và đang chờ... vốn để thực hiện các công việc tiếp theo.

Hai dự án nữa bị đưa vào diện xem xét là Khu đô thị mới Thịnh Quang và dự án đường Việt Bắc. Ðược chấp thuận đầu tư từ năm 2008, đăng ký hoàn thành vào năm 2011,  tuy nhiên hiện nay vẫn chưa triển khai thực hiện. Tháng 4/2009, Công ty CP Long Việt (Thái Nguyên) được cấp giấy chứng nhận đầu tư xây dựng Bến xe khách Long Việt, với cam kết "sẽ đưa bến xe vào hoạt động giữa năm 2011". Tuy nhiên, những ngày giữa tháng 7, chúng tôi đến TP Thái Nguyên, dự án vẫn là tấm biển vẽ quy hoạch bến xe cắm đẹp đẽ ngay bên  đường.

Trong số hàng chục dự án bị đề nghị thu hồi nói trên, Công ty CP tập đoàn Tân Cương Hoàng Bình (TP Thái Nguyên) là chủ đầu tư của ba dự án, với tổng vốn đầu tư hơn 550 tỷ đồng. Sau khi được chấp thuận đầu tư, doanh nghiệp này đã cam kết hoàn thành tiến độ vào năm 2010, thế nhưng nhà đầu tư mới chỉ thực hiện được một dự án rồi gác lại ba dự án cho đến tận bây giờ.

Theo ông Dương Ðức Thắng, người dân phường Thịnh Ðán, TP Thái Nguyên, dự án Bến xe khách Long Việt với diện tích 6,3 ha chậm tiến độ đã gây nhiều khó khăn cho người dân sống tại khu phố này. Bà Nguyễn Thị Soi, ở tổ 1, phường Thịnh Ðán, hiện sống trên mảnh đất 2.000 m2 cho biết, gia đình bà sống ở khu vực này đã mấy đời nay, song bây giờ do có kế hoạch thu hồi đất để xây dựng bến xe, như vậy khu đất nhà bà được coi là bị giải tỏa mặt bằng để tiến hành dự án nhưng vẫn chưa được đền bù, đất đai không được chuyển nhượng, muốn xây hay cải tạo nhà cũng không được phép, chỉ được trồng cấy cây ngắn ngày. Giá đất giao dịch hiện tại trong khu vực là năm triệu đồng/m2, nhưng không bán được, đã gây thiệt hại rất lớn cho gia đình bà nói riêng và những người dân đang sống tại nơi có dự án "treo" này nói chung.

Ông Nguyễn Văn Thơi, quê tỉnh Hà Nam lên Thái Nguyên kinh doanh vật liệu xây dựng, thuê mặt bằng tại khu vực tổ dân phố 19 hơn hai năm nay, bức xúc, ngoài tấm bảng công khai về quy hoạch bên đường, chủ dự án cũng như các cơ quan chức năng có trách nhiệm chưa hề tiến hành công việc gì liên quan đến việc thúc đẩy dự án suốt hai năm qua. Ðiều này chứng tỏ dự án đang có dấu hiệu "treo" dài dài. 

Tại khu đất dành cho dự án đầu tư hạ tầng KCN Trung Thành (huyện Phổ Yên)  chủ đầu tư là Công ty TNHH Lệ Trạch (Ðài Loan), chúng tôi gặp một số nông dân sinh sống tại đây. Họ cho biết, để thực hiện dự án này, chính quyền địa phương đã thu hồi 45 ha đất nông nghiệp của 415 hộ dân. Tỉnh đã ứng ngân sách để giải phóng mặt bằng, chủ đầu tư đã ứng tiền động thổ, khởi công thực hiện dự án. Nhưng sau lễ khởi công, phía nhà đầu tư nước ngoài mới  xây dựng được một bờ tường và san lấp một phần diện tích đất. Mất đất sản xuất, kỳ vọng có khu công nghiệp, con em người dân nơi đây trở thành công nhân tại các công ty ngày càng xa vời.

Trước những bức xúc của nông dân, chúng tôi tìm đến Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên. Thật tiếc là câu trả lời của Giám đốc Sở Nguyễn Quốc Minh lại rất ngắn gọn: Sở không biết gì về vấn đề đất đai nên không chia sẻ được. Ðây là việc thuộc thẩm quyền của các cơ quan chức năng khác???

 ...Ðến bất cập trong quy hoạch, giao đất

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên, đến năm 2010, diện tích đất tự nhiên của tỉnh là 353.101,67 ha. Cơ cấu sử dụng đất theo quy hoạch là đất nông nghiệp 286.065,75 ha (chiếm 81,02% tổng diện tích tự nhiên), đất trồng lúa 42.141,18 ha (11,93%). Ðến nay,  tỉnh đã quy hoạch sáu khu công nghiệp, với tổng diện tích 1.420 ha (gồm các khu công nghiệp Sông Công I, Sông Công II, Quyết Thắng, Nam Phổ Yên, Tây Phổ Yên và Ðiềm Thụy) đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đưa vào danh mục các khu công nghiệp Việt Nam, trong đó hai khu đã đi vào hoạt động.

UBND tỉnh quyết định cho 456 doanh nghiệp được thuê đất, giao đất thực hiện các dự án sản xuất, kinh doanh, với 1.028 khu đất được thuê. Diện tích đất hiện nay do các đơn vị đang quản lý, sử dụng khoảng 2.410 ha. Các doanh nghiệp đã nộp tiền vào ngân sách Nhà nước 63 tỷ 348 triệu đồng.

Tuy nhiên, tiến độ hoàn thành của các dự án vẫn chậm so tiến độ ghi trong dự án, chủ yếu do vướng mắc trong bồi thường giải phóng mặt bằng... Theo kết quả kiểm tra sử dụng đất của 20 doanh nghiệp tại thời điểm tháng 6-2010, chỉ có một doanh nghiệp sử dụng đất phù hợp tiến độ ghi trong dự án, 13 dự án có sử dụng đất nhưng chậm tiến độ, bốn dự án được giao đất nhưng không sử dụng phải thu hồi, hai dự án sử dụng đất sai mục đích.

Ðánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên cho thấy, công tác quy hoạch xây dựng chưa phù hợp quy hoạch sử dụng đã gây khó khăn trong việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Chưa có quy định về suất đầu tư để làm cơ sở xem xét nhu cầu sử dụng đất của các dự án. Các cơ quan nhà nước và các địa phương còn gặp nhiều khó khăn trong việc đánh giá năng lực của nhà đầu tư nên một số nhà đầu tư được lựa chọn kém năng lực về tài chính, dẫn đến một số dự án sau khi được chấp thuận đầu tư không triển khai thực hiện, triển khai chậm hoặc một số nhà đầu tư chỉ thuê đất để giữ chỗ, chuyển nhượng dự án nhằm thu lợi.

Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng một số dự án còn kéo dài, do chính sách về bồi thường, giải phóng mặt bằng liên tục có những sự thay đổi khác biệt lớn, việc đầu tư xây dựng không đồng bộ, dẫn đến khó khăn trong giải phóng mặt bằng. Ðất giao cho nông, lâm trường quốc doanh trước đây không được cắm mốc ranh giới, chính sách giao khoán đất lâm nghiệp cho các hộ công nhân không được quản lý chặt chẽ để xảy ra hiện tượng mua đi, bán lại.

Các nông, lâm trường chưa quản lý chặt chẽ diện tích đất được giao, chưa thực hiện đầy đủ, đúng tiến độ theo các nghị định của Chính phủ, thông tư của các bộ, ngành và hướng dẫn của tỉnh về tổ chức sắp xếp lại các nông, lâm trường.

Tại kỳ họp thứ 2 HÐND tỉnh Thái Nguyên (khóa 12) diễn ra vào trung tuần tháng 7 vừa qua, các cơ quan có trách nhiệm của tỉnh đã khẳng định, cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm, có giải pháp quyết liệt, kiên quyết hơn trong công tác bồi thường hỗ trợ tái định cư,  giải phóng mặt bằng khi Nhà nước thu hồi đất, ưu tiên tái định cư, quan tâm đến đời sống và giải quyết việc làm cho người bị thu hồi đất, giúp các doanh nghiệp yên tâm khi đầu tư vào tỉnh; khẩn trương hoàn thành quy hoạch.

UBND tỉnh  đề nghị rà soát lại các dự án đầu tư, kiểm tra tiến độ và tính tuân thủ thiết kế, quy hoạch được duyệt; kiểm tra chất lượng công trình, phương án tài chính; có kế hoạch kiểm tra các dự án đầu tư tháo gỡ khó khăn cho các chủ đầu tư, thúc đẩy dự án triển khai thực hiện sát tiến độ. Ðồng thời, kiểm tra đề xuất các dự án không thực hiện, không có khả năng thực hiện, sử dụng sai mục đích để kiến nghị thu hồi giao cho các chủ đầu tư có năng lực thực hiện. Khi lựa chọn nhà đầu tư phải minh bạch về tài chính, có năng lực chuyên môn, có phương án tài chính, có cam kết thực hiện công tác bảo vệ môi trường; cam kết tiến độ đầu tư...

Theo tìm hiểu riêng của phóng viên, ngoài 22 dự án được Sở Kế hoạch và Ðầu tư tỉnh kiến nghị thu hồi, hiện nay trong tỉnh còn có hàng chục dự án khác đang được cân nhắc cũng vì chậm triển khai hoặc thiếu vốn... Hy vọng rằng, tỉnh Thái Nguyên sẽ sớm đưa ra các biện pháp giải quyết nhằm hạn chế những bất cập trong việc quy hoạch, giao đất đang gây lãng phí tài nguyên đất như hiện nay.

(Theo Nhandan)

  • 134
  • By Admin
  • 27/07/2011
  • 17