Thái Bình: Khó quản lý đất đai chỉ vì "tư duy nhiệm kỳ"
Vì ở đó, cán bộ “vẽ” quy hoạch không sát thực tế để vụ lợi.
Những phong trào “duy ý chí”
- Thưa ông, nguyên là người đứng đầu một tỉnh, địa phương đã từng có nhiều “phốt” trong việc quản lý đất đai dẫn tới khiếu kiện đông người và kéo dài, ông thấy những bất cập trong quản lý đất đai trước và nay là gì?Nói thật, tôi nghỉ cũng đã vài năm rồi, nhưng mối quan tâm lớn nhất của tôi vẫn là chuyện quản lý đất đai thế nào cho hiệu quả. Với Thái Bình quê tôi, đất chật người đông, lại là vùng được coi là “vựa lúa” của đồng bằng sông Hồng, thì chuyện quản lý đất đai sao cho phát huy hiệu quả kinh tế lớn nhất cho nông dân không phải chuyện dễ. Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, công tác này vẫn chưa thực sự được làm triệt để.
Tôi cho rằng, việc chúng ta cấp đất tràn lan, sử dụng đất thiếu quy hoạch cụ thể, hợp lý… là những biểu hiện của công tác quản lý đất đai kém hiệu quả. Phải dừng, và dừng ngay tình trạng này, thì mới có thể cải thiện được tình hình.
-Thưa ông, nhưng sao cách đây khoảng trên chục năm, Thái Bình vẫn là địa phương có tình trạng khiếu kiện đông người bức xúc liên quan đến đất đai vào loại lớn nhất trong cả nước. Lúc đó hình như ông vẫn làm Bí thư Tỉnh ủy?
Chính xác là như thế. Lúc đó tôi đương nhiệm Chủ tịch UBND tỉnh, rồi Bí thư Tỉnh ủy. Tôi còn nhớ rõ là tháng 5/1997, vụ khiếu kiện đông người đầu tiên xuất phát từ huyện Quỳnh Phụ. Một thời gian sau đó, nó nhanh chóng lan ra hầu hết hơn 200 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Phải nói thật là dân thực sự bức xúc, vì không dưng tự nhiên họ lại kéo nhau đến cơ quan công quyền để kiện làm gì? Nguyên nhân về sau được xác định là do những vi phạm nghiêm trọng trong quản lý đất đai ở các địa phương, mà nó xuất phát từ những phong trào mang tính “duy ý chí”.
Tôi nói ví dụ như phong trào làm đường giao thông nông thôn lúc đó lan rộng. Thôn nào cũng làm được, xã nào cũng làm được. Mà tính ra, mỗi km đường bê tông lúc đó tốn cả trăm triệu. Mà mỗi thôn thì tối thiểu cũng phải vài km, như vậy là mất vài trăm triệu. Tiền ở đâu ra trong khi dân thì nghèo, lấy gì mà đóng góp? Bán đất là giải pháp cuối cùng của chính quyền địa phương để thỏa mãn nhu cầu “bằng anh bằng em” trong phong trào này. Như vậy, rõ ràng là vi phạm Luật đất đai, vì cấp xã, thôn làm gì có quyền bán đất.
Tại sao đất đai cứ phải là “sở hữu toàn dân”?
- Rõ ràng việc quản lý đất đai hiện nay còn quá nhiều bất cập cần sửa đổi. Theo ông thì cần sửa thế nào?Không riêng ở Thái Bình, trên phạm vi cả nước, đất đai vẫn luôn là tư liệu sản xuất quý của người dân, đặc biệt là nông dân. Vì vậy, nên đặt nông dân vào vị trí trung tâm của toàn bộ các chính sách về quản lý đất đai. Hãy quan sát từ những hiện tượng: bên cạnh ầm ầm thuỷ điện chỉ là những nông dân đứng nhìn; rồi chính những người dân đã hiến đất để làm nhà máy điện lại là những người cuối cùng sống trong những vùng không có điện.
Tương tự, khi lấy đất làm khu công nghiệp, nông dân cũng bị đặt ra bên lề. Nông dân chưa được coi là trung tâm, là chủ thể của quá trình quy hoạch, thu hồi đất và xây dựng các công trình ấy. Họ chưa được hỏi đầy đủ và chưa được tham gia các quá trình đàm phán như là một chủ thể của quá trình này.
-Ông nói nông dân chưa được coi là chủ thể tham gia các quá trình đàm phán phải chăng là bởi các bên vẫn quan niệm đất đai thuộc sở hữu toàn dân chứ không phải là của nông dân?
Vâng, đó là mấu chốt. Từ bao đời nay, đất đai vừa là nhu cầu căn bản, vừa là khát vọng lớn nhất của người nông dân. Đất đai là cuộc sống và cũng là văn hoá. Thái độ của chúng ta đối với đất đai đã biến nông dân, từ vị trí lẽ ra là người làm chủ lại trở thành những người đóng vai trò mờ nhạt trong những tiến trình thay đổi đó.
- Vậy tại sao đất đai cứ nhất định phải là “sở hữu toàn dân”?
Khi tôi còn làm, trong lãnh đạo có những người sợ rằng, mai đây, nhu cầu công nghiệp hoá đất nước sẽ cần đất đai nhiều, giao sở hữu cho dân rồi làm sao thu hồi. Cái gốc của vấn đề là, chúng ta vẫn coi tập thể, kinh tế nhà nước đóng vai trò “định hướng”. Khi nhà nước đã là định hướng thì làm sao đất đai có thể được giao sở hữu cho người dân.
Giờ đây thì chúng ta đã có những bài học để thấy, “vô chủ” như tình trạng quản lý đất đai hiện nay làm sao trở thành “nền tảng”; hiệu quả kinh tế thấp như khối kinh tế quốc doanh thì sẽ “định hướng” đất nước tới nơi nào.
Cần xóa “tư duy nhiệm kỳ”!
-Thưa ông, đất đai nói là thuộc sở hữu toàn dân nhưng thực ra lại đang nằm trong tay của chính quyền. Sự lạm quyền trong việc thu hồi đất của nông dân để giao cho các nhà kinh doanh đang khiến cho 90% khiếu kiện của nhân dân hiện có liên quan đến vấn đề ruộng đất, vì sao Nhà nước không nhận thấy để tháo sớm “ngòi nổ” này?Có lẽ phải bắt đầu từ các hiện tượng xảy ra trong nông dân. Có thời kỳ ở nông thôn, nông dân nhận khoán chui; giờ đây, nông dân đang phải bán ruộng chui với bao nhiêu tiêu cực.
Các DN đang mua đất của nông dân để làm sân golf, khu công nghiệp bằng cách ép giá. Bởi vì đất của nông dân mà họ đâu có được thảo luận giá với người mua. Các DN chủ yếu làm ăn với chính quyền địa phương, chính quyền bằng nhiều cách khác nhau đã gây áp lực để người dân nhận một khoản “đền bù” không hợp lý.
Nếu người nông dân bán ruộng dựa trên quyền sở hữu của họ, tôi tin là họ sẽ cân nhắc hơn, không chỉ về giá.
-Theo ông, nên giải quyết vấn đề này thế nào?
Cho dù đất đai, về danh nghĩa, thuộc sở hữu của ai thì quyền sử dụng đất của nông dân vẫn là tài sản, việc định giá tài sản đó vẫn phải áp dụng cơ chế thị trường để giải quyết. Tuy nhiên, “sở hữu toàn dân” trên thực tế đã bộc lộ rằng, không những những “ưu việt” mà ta mong không đạt được, quyền lực thực tế về đất đai đã rơi vào tay của một số cá nhân nắm quyền ở các địa phương.
Những tiêu cực trong vấn đề quản lý thu hồi và giao đất không những đã tác động tới tiến trình sử dụng hiệu quả đất đai mà còn khiến cho mâu thuẫn giữa Nhà nước và nông dân trở thành một vấn đề chính trị. Chính vì thế, theo tôi chúng ta cũng không nên ngần ngại sửa một vài điều trong Hiến pháp.
Cái gì cũng vậy, có danh chính ngôn thuận thì mới có minh bạch vừa tránh được tiêu cực vừa tạo ra nền tảng ổn định cho cả chính trị và xã hội.
-Một nguyên nhân nữa, như ông nói ở trên, là do “tư duy nhiệm kỳ”. Một đội ngũ cán bộ lãnh đạo mới lên nhậm chức thường vạch ra những quy hoạch mới về khu đô thị, khu công nghiệp, cũng không loại trừ nguyên nhân trục lợi cá nhân của họ. Vậy theo ông, cần làm gì để hạn chế việc này?
Nhiệm kỳ lãnh đạo thì đương nhiên tồn tại, còn tư duy nhiệm kỳ thì cần bỏ. Theo tôi, Nhà nước cần xem xét lại việc sửa đổi chính sách quản lý đất đai theo hướng siết chặt quyền cấp đất của từng cấp chính quyền, cũng như diện tích đất được cấp. Tôi nói ví dụ, hiện cấp huyện được quyền cấp 5ha, cấp tỉnh 50ha, thì có thể sửa đổi thành cấp huyện 0,5ha, tỉnh 5ha… Như vậy mới có thể quản lý tốt đất đai. Ngoài ra, Nhà nước cũng không nên tạo áp lực tăng thu ngân sách cho các địa phương bằng hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, bởi lẽ, thực chất của việc này là biến đất nông nghiệp thành đất ở.
-Xin cảm ơn ông!
(Theo Báo Nông nghiệp)
- 119
- By Admin
- 17/06/2011
- 17