Thách thức mới với doanh nghiệp bất động sản
Theo ông Lê Chí Hiếu, Chủ tịch HĐQT Công ty Phát triển nhà Thủ Đức (TDH), chủ trương siết tín dụng cùng với tăng lãi suất ngân hàng đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản đòi hỏi phải có nhiều vốn. Bên cạnh đó, tình hình lạm phát và việc tăng giá điện, giá xăng… cũng đẩy chi phí sử dụng vốn lên cao, trong khi giá bán đầu ra khó có thể tăng thêm vì sức mua của người dân chưa đáp ứng nổi.Dù vậy, ông Hiếu cho rằng, khó khăn chỉ mang tính tạm thời. Để vượt qua giai đoạn “thử lửa” này, các doanh nghiệp cần xem xét lại kế hoạch sản xuất - kinh doanh dựa trên cơ sở nguồn vốn có khả năng huy động. “Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, chủ trương của TDH là chỉ tập trung vào các dự án tiềm năng và có khả năng tạo ra dòng tiền, không đầu tư dàn trải để bảo đảm nguồn vốn của Công ty và nguồn vốn vay ngân hàng được sử dụng một cách hiệu quả”, ông Hiếu cho biết.
Theo ông Hiếu, tình hình hiện nay vẫn nằm trong dự liệu của TDH và Công ty luôn có giải pháp dự phòng để vượt qua mọi tình huống khó khăn. Nếu 6 tháng cuối năm, Chính phủ ổn định được kinh tế vĩ mô, thì cả thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán sẽ phục hồi nhanh chóng.
Đối với Công ty cổ phần Vincom, do chủ động với việc lãi suất tăng cao cũng như vấn đề thắt chặt tín dụng, nên các dự án bất động sản của Vincom đã được chuẩn bị rất kỹ về mọi mặt ngay từ đầu, trong đó có vấn đề tài chính. Các dự án của Vincom được đánh giá cao về tính khả thi, nên không gặp khó khăn gì lớn trong việc huy động vốn.
“Vincom có chiến lược triển khai nhanh các dự án để sớm thu hồi vốn. Theo đó, thời gian trung bình thực hiện một dự án chỉ kéo dài từ 1,5 đến 3 năm, nên tác động từ việc lãi suất tăng cao không nhiều”, ông Lê Khắc Hiệp, Chủ tịch HĐQT cho biết và khẳng định, Vincom có nhiều nguồn để huy động vốn như: thị trường chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu quốc tế…
Cũng thừa nhận doanh nghiệp địa ốc gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh chung hiện nay, song ông Đào Đức Nghĩa, Chủ tịch HĐQT Công ty Cotecland tự tin cho biết, Cotecland vẫn giữ vững kế hoạch kinh doanh của mình. Theo đó, trong năm 2011, HĐQT Công ty phê duyệt kế hoạch doanh thu của Cotecland là hơn 300 tỷ đồng và lợi nhuận từ 45 đến 50 tỷ đồng. Để thực hiện được kế hoạch này, chiến lược của Công ty trong năm nay là đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư, giảm giá thành sản phẩm, giảm giá bán, tăng doanh thu, tiết kiệm tối đa chi phí quản trị doanh nghiệp.
Ông Nghĩa cũng chia sẻ, cùng với chiến lược trên, để đảm bảo gia tăng doanh thu và lợi nhuận năm 2011, Cotecland sẽ thực hiện chiến lược “Bắc tiến”, với việc đẩy mạnh hoạt động đầu tư tại Hà Nội do địa bàn này đang có những lợi thế về cung cầu và giá bán. Việc làm này giúp đảm bảo cân bằng lợi nhuận chung cho Công ty mà không ảnh hưởng đến các dự án đang đầu tư hiện nay tại khu vực phía Nam.
(Theo Báo đầu tư)
- 0
- By Admin
- 05/03/2011
- 17