Tạo sự minh bạch cho thị trường bất động sản
Quyết định này sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2010. Trước khi Quyết định này được thực thi, phóng viên Thời báo Tài chính Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tân Thịnh, Phó Cục trường Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính.Trước tiên xin ông cho biết sự cần thiết để ban hành QĐ này và ý nghĩa của QĐ này trong việc quản lý đất đai hiện nay?
- Luật Đất đai năm 2003 đã quy định việc Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất được thực hiện thông qua phương thức đấu giá là chủ yếu, việc giao đất trực tiếp cho nhà đầu tư theo hình thức chỉ định chỉ thực hiện trong một số trường hợp đặc biệt. Tuy nhiên, thực tế triển khai cho thấy, việc giao đất hay cho thuê đất theo hình thức đấu giá gặp nhiều khó khăn. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này nhưng nguyên nhân lớn nhất là Nhà nước thiếu nguồn vốn để thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho những người bị thu hồi đất theo quy hoạch và như thế sẽ không có quỹ đất “sạch” để đấu giá.
Đứng trước tình hình này, tại Điều 34 Nghị định số 69 ngày 13/8/2009 của Chính phủ có đưa ra quy định: hàng năm, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được trích từ 30 - 50% nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền cho thuê đất, tiền thu được từ đấu giá sử dụng đất để thành lập Quỹ Phát triển đất. Đồng thời tại Nghị định này cũng giao cho Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế mẫu về quản lý, sử dụng Quỹ Phát triển đất.
Việc Nhà nước ban hành QĐ này có ý nghĩa trực tiếp trong việc tập trung một nguồn vốn đủ lớn để phục vụ công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất để phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương theo quy hoạch và hỗ trợ thực hiện một số chính sách do Nhà nước quy định đối với người bị thu hồi đất. Về ý nghĩa sâu xa, Quyết định này tạo ra sự công khai, minh bạch trong thị trường b t động sản, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư có năng lực đều được tiếp cận việc sử dụng đất, góp phần đưa công tác quản lý của Nhà nước đối với thị trường bất động sản vào nề nếp; nhà đầu tư phát huy được hiệu quả của nguồn vốn nhanh hơn do không phải chờ đợi mặt bằng.
Vậy Quỹ Phát triển đất ra đời sẽ tác động như thế nào đến đối tượng bị thu hồi đất và các nhà đầu tư, thưa ông?
- Việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho các đối tượng bị thu hồi đất hiện đang được thực hiện theo quy định chung của Chính phủ và văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành, địa phương. Quỹ Phát triển đất của các địa phương sau khi được thành lập và đi vào hoạt động sẽ tạo ra nguồn vốn đáp ứng cho nhu cầu giải phóng mặt bằng; công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư vì thế sẽ được tiến hành một cách kịp thời, giúp cho người dân thuộc diện giải toả sớm được bồi thường, hỗ trợ và bố trí tái định cư, đời sống và sản xuất của họ được ổn định, không phải chờ đợi lâu. Việc ban hành Quỹ Phát triển đất này cũng sẽ nâng cao tính minh bạch. Khi thực hiện các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Nhà nước thực hiện thu hồi đất và Nhà nước thực hiện bồi thường hỗ trợ, tái định cư cho các hộ dân. Việc này sẽ không liên quan trực tiếp đến một nhà đầu tư cụ thể nào cả. Các nhà đầu tư khi muốn sử dụng đất đó thì phải tham gia đấu giá và trả tiền sử dụng đất, thuê đất cho Nhà nước theo giá thị trường; nhà đầu tư không phải trực tiếp thỏa thuận với người dân. Như vậy, Quyết định này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho cả người bị thu hồi đất và nhà đầu tư.
Nguyên tắc hoạt động của Quỹ là bảo toàn vốn, bù đắp chi phí phát sinh trong quá trình hoạt động và không vì mục đích lợi nhuận. Nhưng trong nội dung chi của Quỹ lại có quy định có chi cho các khoản hỗ trợ. Vậy làm cách nào để Quỹ có thể bảo toàn được vốn, thưa ông?
Để Quỹ có thể bảo toàn được nguồn vốn do ngân sách cấp, trong QĐ 40 có quy định việc dù nhiệm vụ chi đó là chi ứng vốn hay chi hỗ trợ thì đều phải hoàn trả. Việc hoàn trả vốn ứng được chia thành từng trường hợp cụ thể.
Đối với vốn ứng để thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng khi Nhà nước thu hồi đ t theo quy hoạch, sau đó Nhà nước giao cho nhà đầu tư theo hình thức giao đất không thu tiền sử dụng đất, giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất nhưng được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất thì được hoàn trả từ vốn đầu tư của dự án; đối với vốn ứng để thực hiện việc bồi thường, giải phóng mặt bằng, sau đó giao chỉ định thì được hoàn trả từ ngân sách địa phương, nếu đấu giá thì hoàn trả từ số tiền thu được qua đấu giá trước khi nộp vào ngân sách; còn đối với những trường hợp ứng vốn để thực hiện dự án đầu tư xây dựng các khu, điểm, nhà tái định cư để tạo lập quỹ nhà đất phục vụ tái định cư sẽ được hoàn trả từ nguồn tiền bán nhà, tiền sử dụng đất của các hộ tái định cư, nếu không đủ thì ngân sách địa phương hoàn trả phần chênh lệch.
Các khoản chi hỗ trợ trong QĐ 40 cũng quy định phải hoàn trả. Nếu chi phí hỗ trợ đó nằm trong phương án bồi thường tái định cư thì thực hiện như những khoản ứng vốn nêu trên. Nếu các khoản chi hỗ trợ không nằm trong phương án bồi thường hỗ trợ, tái định cư sẽ do ngân sách địa phương chi trả; trường hợp ngân sách địa phương chưa bố trí được việc chi trả thì Quỹ chi trả và sẽ được ngân sách địa phương hoàn trả sau này. Như vậy, tất cả các khoản quỹ để chi ứng vốn hoặc chi hỗ trợ đều phải bố trí nguồn để hoàn trả Quỹ, đảm bảo cho Quỹ bảo toàn được nguồn vốn do Nhà nước cấp.
Được biết hiện nay tại nhiều địa phương cũng có nhiều loại quỹ khác nhau như Quỹ Đầu tư phát triển của địa phương hay các quỹ tài chính khác. Vậy khi Quỹ Phát triển đất ra đời có gây nên sự chồng chéo giữa các quỹ?
- Mỗi một quỹ ra đời đều có những mục tiêu, phạm vi, phương thức hoạt động nhất định. Quỹ Phát triển đất cũng vậy. Vì thế, không sợ có sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ giữa Quỹ Phát triển đất với các quỹ tài chính khác. Tuy nhiên, đối với những địa phương đã có các loại quỹ tài chính khác và bây giờ có thêm Quỹ phát triển đất cũng có thể làm tăng thêm biên chế. Để giải quyết vấn đề này, tại QĐ 40 cũng quy định đối với các địa phương đã có Quỹ đầu tư phát triển hoặc các Quỹ tài chính khác thì UBND cấp tỉnh được quyết định ủy quyền cho các quỹ này để quản lý Quỹ phát triển đất. Trong trường hợp này chỉ hình thành Hội đồng quản lý Quỹ, Ban Kiểm soát Quỹ và một số chức danh chủ chốt của bộ máy quản lý điều hành nghiệp vụ Quỹ (với hầu hết các thành viên là cán bộ kiêm nhiệm); không cần thành lập bộ máy các phòng nghiệp vụ về Quỹ phát triển đất. Do đó, về cơ bản sẽ không làm tăng thêm biên chế. Còn địa phương chưa có các quỹ như trên hoặc có khối lượng nhiệm vụ liên quan lớn thì mới thành lập Quỹ phát triển đất độc lập với đầy đủ các cơ cấu tổ chức bộ máy như quy định.
Xin ông cho biết kế hoạch triển khai QĐ này đang được thực hiện như thế nào và tính khả thi của QĐ này khi được áp dụng trong cuộc sống?
- Có thể nói việc ra QĐ lập Quỹ Phát triển đất xuất phát từ yêu cầu thực tiễn trong quá trình triển khai Luật Đất đai năm 2003. Nguồn vốn của Quỹ được trích từ nguồn thu ngân sách từ đất đai và nhiệm vụ chi của Quỹ này cũng đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ. Bộ Tài chính cũng đã có văn bản thông báo mức trích của các địa phương trong năm 2010. Do vậy, theo đánh giá chung, việc triển khai Quyết định này có tính khả thi cao. Hiện nay, nhiều địa phương đã bắt tay vào việc xây dựng Đề án thành lập Quỹ để Quỹ sớm đi vào hoạt động.
Về kế hoạch triển khai QĐ này, trong chức năng, nhiệm vụ của mình, Bộ Tài chính đã có văn bản chỉ đạo các địa phương triển khai thực hiện ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành QĐ, đồng thời Bộ Tài chính cùng với Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn, xử lý các v n đề vướng mắc của các địa phương trong quá trình thực hiện. Định kỳ Bộ Tài chính sẽ cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, tổng hợp tình hình quản lý, sử dụng Quỹ của các địa phương.
Xin cảm ơn ông!
Theo TBTC
- 0
- By Admin
- 01/06/2010
- 17