Tăng quyền cho nhà quản lý
Đây là văn bản rất quan trọng, có tác động lớn đến quá trình phát triển của các đô thị và cũng được kỳ vọng sẽ giúp chính quyền địa phương quản lý đô thị có hiệu quả hơn.Phạm vi điều chỉnh rộng hơn
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, sự phát triển mạnh mẽ của các đô thị trong thời gian qua cũng đồng thời tạo ra nhiều thách thức. Quy hoạch chậm so với tốc độ phát triển của đô thị. Nhiều đô thị thiếu quy hoạch chung, đặc biệt là quy hoạch chi tiết, dẫn đến sự phát triển một cách lộn xộn.Khâu triển khai quy hoạch cũng chưa tốt, thiết kế đô thị còn lúng túng nên việc xây dựng dự án tùy tiện, phụ thuộc quá nhiều vào chủ đầu tư mà không có bức tranh tổng thể hài hòa. Hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tại các khu đô thị mới chưa được quan tâm đúng mức vì nhiều nguyên nhân, trong đó có trách nhiệm của nhà quản lý.
Nghị định này khi được ban hành sẽ điều chỉnh toàn diện các khu vực phát triển đô thị chứ không chỉ với khu đô thị mới như Nghị định 02/2006/NĐ-CP. Khu vực phát triển đô thị được xác định trên cơ sở quy hoạch chung, quy hoạch phân khu đã được phê duyệt và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Việc xác định các dự án đầu tư có thể theo các dự án hạ tầng chuyên ngành hoặc theo phạm vi quy mô đất đai, nhưng đều phải tuân thủ theo quy hoạch, nhà đầu tư không thể "sáng tạo". Quy hoạch phải đi trước một bước rồi mới lập kế hoạch phát triển, lập dự án.
Trong cuộc họp giữa Bộ Xây dựng và thành phố Hà Nội lấy ý kiến đóng góp về dự thảo nghị định mới, việc thành lập Ban quản lý khu vực phát triển đô thị là một nội dung được đặc biệt quan tâm.
Thứ trưởng Trịnh Đình Dũng khẳng định, Ban quản lý khu vực phát triển đô thị không thể thay thế chức năng của các sở, ngành, nhưng có thể kết nối hạ tầng các dự án. Ban quản lý khu vực phát triển đô thị có vai trò như bàn tay kéo dài của cơ quan quản lý.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Phí Thái Bình cho biết, Hà Nội cũng đã thành lập Ban quản lý các khu đô thị mới nhưng cũng chưa thực sự phát huy hiệu quả vì còn nhiều ý kiến về chức năng, quyền hạn.
Bớt khó khi có điều lệ quản lý
Theo dự thảo, mỗi khu vực phát triển đô thị phải có điều lệ quản lý riêng có nội dung phù hợp với quy mô, tính chất của khu vực đó. Điều lệ quản lý phải phù hợp với quy chế thực hiện đồ án quy hoạch được duyệt và quy chế quản lý kiến trúc của thành phố. Ban quản lý khu vực phát triển đô thị của địa phương có trách nhiệm lập điều lệ quản lý thực hiện khu vực phát triển đô thị do mình quản lý để trình chủ tịch UBND cấp tỉnh phê duyệt.Thực tế cho thấy, sau khi hoàn tất các thủ tục đầu tư thì việc ai quản, chủ đầu tư làm đúng hay sai, nhanh hay chậm… là vấn đề rất khó quản.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Quốc Tuấn cho biết, nhiều vấn đề cơ quan quản lý đang bất lực, vì vậy rất cần có điều lệ quản lý phát triển dự án là cơ sở cho việc giám sát quá trình thực hiện. Điều lệ phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt và cần có chế tài buộc nhà đầu tư phải thực hiện. Thực tế ở Hà Nội khi Sở Xây dựng tiến hành kiểm tra 11 dự án thì có tới 10 dự án làm sai quy hoạch, thực hiện chuyển nhượng, hạ tầng không đầy đủ… Nguyên do cũng vì thiếu điều lệ quản lý.
Liên quan tới các yếu tố đặc thù và thực tế của Hà Nội, xuất hiện câu hỏi: Hiện nay Hà Nội có tới 800 - 900 dự án đang trong quá trình triển khai, vậy xử lý thế nào nếu nghị định mới được ban hành với trình tự phải quy hoạch xong mới lựa chọn chủ đầu tư?
Thứ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết, Nghị định sẽ không hồi tố với các dự án đã triển khai, phê duyệt. Dự thảo đưa ra 5 loại hình dự án, tuy nhiên không có loại hình dự án bảo tồn, chỉnh trang. Viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội Lã Thị Kim Ngân lưu ý, điểm khác biệt của Hà Nội là có tới 921km2 khu vực đô thị cũ cần có sự điều tiết cho phù hợp.
Khi xem xét, phê duyệt dự án đầu tư, các sở, ngành làm rất tốt nhưng kiểm soát quá trình thực hiện lại là khâu phức tạp, địa phương không quản nổi mà các sở, ngành cũng không theo xuể.Ông Phí Thái Bình (Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội) |
(Theo KTĐT)
- 115
- By Admin
- 13/06/2011
- 17