Tài sản thừa kế chia cho con riêng hay vợ kế?
Cha mất do tai nạn, không để lại di chúc. Vợ kế của cha nói rằng bà có quyền hưởng nửa căn nhà; nửa còn lại chia 3 (2 phần cho chị em tôi, 1 phần cho con riêng của bà).
Điều đó có đúng không? Nhà và tiền trong tài khoản của cha có được xem là tài sản riêng trước hôn nhân với vợ kế không?
Ông không để lại chúc thì số tiền góp vốn làm ăn sẽ giải quyết ra sao? Nếu tiếp tục về hợp đồng thì ai sẽ đứng ra chịu trách nhiệm hợp đồng đó, chị em tôi hay mẹ kế?
- Trả lời:
Theo quy định tại điều 32 Luật Hôn nhân và gia đình: “Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại khoản 1 Điều 29 và Điều 30 của Luật này; đồ dùng, tư trang cá nhân”.
Có 2 trường hợp sau:
- Thứ nhất: Nếu căn hộ chung cư và số tiền góp vốn làm ăn là của cha bạn có trước khi kết hôn với vợ kế của cha bạn thì đây được coi là tài sản riêng của cha bạn (trừ trường hợp cha bạn có văn bản thỏa thuận nhập khối tài sản đó vào khối tài sản chung với mẹ kế của bạn). Người vợ kế của cha bạn không có quyền được hưởng nửa căn hộ chung cư trên.
- Thứ hai: Nếu căn hộ chung cư đó mua sau khi cha bạn và vợ kế của cha bạn kết hôn với nhau thì đây là tài sản chung của cha bạn và vợ kế của cha bạn. Thì người vợ kế của cha bạn được quyền sở hữu nửa căn hộ chung cư đó. Nửa căn hộ chung cư còn lại và những tài sản riêng của cha bạn sẽ được chia đều cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất.
Vì cha bạn ra đi đột ngột không để lại di chúc, do đó tài sản chia theo thừa kế theo pháp luật ( điều 675 Bộ luật Dân sự). Theo khoản 1điều 676 Bộ luật dân sự thì hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết. Vậy trong trường hợp của bạn thì những người được thừa kế tài sản của cha bạn gồm: vợ kế của cha bạn, anh chị em ruột hoặc anh chị em cùng cha khác mẹ với bạn, anh chị em mà cha bạn nhận nuôi, ông bà nội (nếu còn sống).
Theo khoản 2 Điều 676 Bộ luật dân sự quy định: Những người thừa kế cùng hàng thì được hưởng phần di sản bằng nhau. Do đó căn hộ chung cư và tài sản riêng khác của cha bạn sẽ được chia đều cho bạn, vợ kế của cha bạn và những người cùng hàng thừa kế với bạn.
Trong trường hợp này người con riêng 21 tuổi của vợ kế của cha bạn đương nhiên ko được hưởng di sản của cha bạn vì không thuộc hàng thừa kế theo quy định của pháp luật.
Theo Điều 636 Bộ luật dân sự quy đinh: kể từ thời điểm mở thừa kế, người được hưởng thừa kế có quyền, nghĩa vụ tài sản do người chết để lại.
Theo khoản 1, 2, 3 Điều 637 Bộ luật dân sự quy định như sau:
1. Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
2. Trong trường hợp di sản chưa được chia thì nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được người quản lý di sản thực hiện theo thoả thuận của những người thừa kế.
3. Trong trường hợp di sản đã được chia thì mỗi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
Do đó tiền cha bạn góp vốn làm ăn và những hợp đồng làm ăn của cha bạn thì những ai có quyền hưởng thừa kế đều phải có nghĩa vụ tương ứng với phần quyền thừa kế đó. Việc quản lý khối tài sản đó do chị em bạn hay vợ kế của cha bạn thì do chị em bạn, vợ kế của cha bạn và tất cả những người được hưởng phần thừa kế cùng thỏa thuận.
Căn nhà chung cư và số tiền trong tài khoản ngân hàng của cha bạn có được xem là tài sản trước hôn nhân hay không phụ thuộc vào việc bạn phải đưa ra căn cứ chứng minh căn nhà và số tiền đó của cha bạn có trước khi kết hôn với vợ kế của cha bạn.
Trân trọng!
Theo Vietnamnet
- 247
- By Admin
- 15/07/2010
- 17