• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Tái định cư và những thiệt hại vô hình

Hầu hết việc hỗ trợ bồi thường của các dự án, chỉ quan tâm đến những thiệt hại về vật chất như đất đai, nhà ở, tài sản, mà chưa quan tâm đến những thiệt hại vô hình như: mất việc làm, đào tạo nghề mới… cho người tái định cư. Gọi là “thiệt hại vô hình” vì thường rất khó lượng hóa, khó định giá để đền bù hỗ trợ thêm. 

Người dân tự bơi

Theo nghiên cứu của Viện Kinh tế Tp.HCM, các hộ tạm cư gặp rất nhiều khó khăn về cả nhà ở và việc tiếp cận các dịch vụ xã hội. Tâm lý “tạm cư” khiến họ không mạnh dạn làm bất cứ việc gì để cải thiện cuộc sống. Vì thế, các hộ thuộc diện tạm cư gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt về tinh thần trong cuộc sống hậu tái định cư (TĐC).

20/70 hộ dân trong nhường đất cho dự án khu thương mại Bình Điền (P.7, Q.8, Tp.HCM) đang sống tạm cư gần đó, khẳng định: Họ phải tự “chạy” trường học cho con. Anh Lê Công Hoàng, cư dân xóm tạm cư này, cho biết: “Trước khi giao nhà và đất, con tôi đang học tiểu học. Gần chục năm nay, tôi chưa lần nào thấy chính quyền phường xuống hỏi việc chuyển trường, chuyển lớp cho tụi nhỏ ra sao. Hồi xưa tụi nó học ở cách nhà 2km, giờ lên cấp 2 phải đi lên xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh, xa hơn rất nhiều”. Hơn 8 năm qua, cả trăm người dân ở đây phải sống chung với cảnh đường sá chưa được tráng nhựa, đầy bụi và lắm ổ gà, ruồi, muỗi. Nhà gần bên anh Hoàng, chị Nguyễn Thị Kim Tuyền, bức xúc: “Chúng tôi chỉ cần nhanh nhận nền TĐC để sớm ổn định, xây nhà cho con có chỗ ở, chỗ học ổn định. Chúng tôi không dám sửa nhà vì chỗ này cũng sắp giải tỏa. Ở đây, mùa mưa thì lội, nắng thì bụi, khổ ơi là khổ!”.

Tái định cư và những thiệt hại vô hình | ảnh 1
Cụ Nguyễn Thị Sáu, 90 tuổi, đã sống hơn 8 năm trong căn hộ tạm cư ọp ẹp của dự án khu thương mại Bình Điền. Ảnh: Thu Thảo.

Khá hơn là đã có nhà nhưng gia đình anh Trần Huy Thanh (chung cư 17,3 ha, P.An Phú, Q.2) lại đối mặt với nỗi lo kinh tế. Trước đây, anh Thanh có nhà mặt tiền đường Lương Định Của (P.An Khánh, Q.2), nên mở tiệm uốn tóc, thu nhập khá. Khi dời về chung cư trên, 6 người nhà anh sống chung trong căn hộ khá chật chội. Không thể tiếp tục nghề cũ vì không có mặt bằng, anh chuyển sang chạy xe ôm, vợ anh mở quầy cơm bán trước nhà, thu nhập bấp bênh. Việc học của các con cũng bị xáo trộn, có nguy cơ bỏ học.

Một số người dân TĐC trên địa bàn Q.12, Q.Bình Tân cho biết họ đã lớn tuổi nên các chương trình dạy nghề của quận không phù hợp. “Từ lúc dọn về đây tôi có thấy chính quyền hỏi han gì đâu? Tôi hỏi vay vốn mà nhiều thủ tục quá nên thôi”, bà An, ngụ P.Thạnh Lộc, Q.12 lắc đầu ngao ngán.

Cần khảo sát toàn diện

Nguyên đại biểu HĐND Tp.HCM Đặng Văn Khoa, người đã thực hiện nhiều chuyến đi thực tế tại các khu tạm cư lâu năm của Tp.HCM, cho rằng: Khi lập kế hoạch dự án, Ban quản lý các dự án cần làm việc và thảo luận trước với chính quyền địa phương các khu vực dự định xây dựng các khu TĐC để họ chuẩn bị kế hoạch tiếp đón và giúp đỡ cộng đồng dân cư mới này. Đồng thời cần hỗ trợ người dân nghèo trong việc tìm kiếm việc làm tại nơi TĐC hay hướng dẫn họ cách làm ăn buôn bán sao cho có hiệu quả ở nơi ở mới. Con em các hộ gia đình nghèo cần được hưởng các chính sách hỗ trợ giáo dục ngay để không vì những khó khăn về kinh tế của gia đình sau TĐC mà các em bị gián đoạn việc học hành.

Theo một chuyên gia xã hội học, trước khi mỗi dự án được đề ra, cần có các cuộc điều tra xã hội học để tìm hiểu đầy đủ thông tin KT-XH và nguyện vọng của các hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi dự án để có thể có những chính sách bồi thường, giải tỏa và TĐC thích hợp. Bên cạnh đó, cũng cần thực hiện các cuộc nghiên cứu, theo dõi, điều tra lặp trong khoảng thời gian 3 - 5 năm để nắm được rõ hơn cuộc sống “hậu TĐC” của người dân, hiểu được nguyên nhân khó khăn họ đang gặp phải trong cuộc sống này để kịp thời giúp đỡ họ, đồng thời để rút kinh nghiệm cho các dự án sau có những chuẩn bị ban đầu tốt hơn, hạn chế đến mức thấp nhất những khó khăn

(Theo Đất Việt)

  • 125
  • By Admin
  • 05/06/2012
  • 17