Tách thửa đất: Nhiều lấn cấn vẫn tiếp tục bàn
Những trường hợp đặc biệt khó khăn được tách thửa dưới chuẩn vẫn còn chưa ngã ngũ. Ảnh minh họa: HTD.
Không được ách hồ sơ nộp trước 9-3
Huyện Bình Chánh phản ánh có một số nơi không giải quyết cấp giấy chứng nhận hay tách thửa cho người dân dù người dân đã mua đất (bằng giấy tay hoặc có xã chứng thực) từ trước khi Quyết định 19 có hiệu lực với lý do đất dưới chuẩn. Ông Đào Anh Kiệt, Giám đốc Sở TNMT, lặp lại nhiều lần để lưu ý các địa phương phải tách bạch giữa tách thửa và cấp giấy chứng nhận. Theo đó, giấy chứng nhận giải quyết theo điều kiện của giấy chứng nhận, còn tách thửa thì căn cứ theo quy định của tách thửa. “Các trường hợp đã nộp hồ sơ tách thửa đầy đủ, đúng theo quy định và nộp trước ngày Quyết định 19 có hiệu lực (9-3-2009) thì UBND cấp quận tiếp tục xem xét giải quyết. Những trường hợp đã tách thửa và đang sử dụng trước ngày 9-3-2009 nhưng chưa có giấy tờ hợp pháp thì cũng không bị điều chỉnh” - ông Kiệt hướng dẫn.
Các quận, huyện cũng đề nghị làm rõ quy định thế nào là “đất có nhà hiện hữu” do đất chưa có nhà và đất có nhà hiện hữu thì hạn mức tách thửa khác nhau. Sở TNMT gút lại: Đất có nhà hiện hữu được hiểu là thửa có nhà đã có giấy tờ hợp pháp về nhà đất hoặc được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở gắn liền với tài sản; đủ điều kiện để công nhận nhà ở thì được áp dụng hạn mức tách thửa theo tiêu chuẩn của đất có nhà mà không phân biệt thửa đất tách ra có nhà hay không.
Lúng túng “hoàn cảnh đặc biệt khó khăn”
Quy định hộ gia đình, cá nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được tách thửa dưới chuẩn được bàn rất nhiều do bị xem là “bí” nhất. Trong dự thảo hướng dẫn, Sở TNMT thử đưa một số trường hợp như “người mắc bệnh hiểm nghèo; đối tượng cần tiền nuôi con ăn học; tranh chấp, thừa kế...” để các quận, huyện có ý kiến. Tuy nhiên, tại buổi họp, Giám đốc Sở TNMT Đào Anh Kiệt cho rằng không nên liệt kê các hoàn cảnh “đặc biệt khó khăn” vì sẽ không tiên liệu hết.
Đại diện quận 6 băn khoăn: “Thế nào là hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, ai được quyền xác nhận? Nếu giao thẩm quyền cho quận thì dễ dẫn đến cách làm không thống nhất: cùng một hoàn cảnh nhưng quận này cho tách thửa dưới chuẩn, quận khác lại không”. Đại diện quận 12 cho biết trước nay quận vẫn linh động giải quyết tách thửa dưới chuẩn cho đối tượng mắc bệnh hiểm nghèo, nan y. Tuy nhiên, trường hợp “nuôi con ăn học” thì hầu như ai cũng có và rất khó xác định, nếu giải quyết thì không khéo dẫn đến tình trạng loạn tách thửa đất dưới chuẩn.
Gút lại vấn đề này, đại diện Sở TNMT cho biết việc giải quyết cho tách thửa dưới chuẩn sẽ do chủ tịch quận, huyện quyết định từng trường hợp cụ thể. Tuy nhiên, sở này cũng nhắc lại tách thửa dưới chuẩn theo Quyết định 19 chỉ áp dụng cho đất ở và không dưới 25 m2. Đất nông nghiệp không được xem xét, giải quyết tách thửa nhỏ hơn chuẩn.
Chưa ra vấn đề hạ tầng
Thực tế, khi tách thửa đất còn phát sinh vấn đề hạ tầng. Trong dự thảo hướng dẫn, Sở TNMT đề xuất: “Trường hợp tách thửa đất ở mà có hình thành đường giao thông thì trong thành phần hồ sơ phải có bản vẽ tổng mặt bằng đã được quận, huyện phê duyệt. Chỉ giải quyết chuyển nhượng sau khi đã nghiệm thu đầu tư hạ tầng theo quy định”.
“Quy định này có quá khắt khe không? Nếu người dân hỏi như vậy thì phải giải thích như thế nào cho đúng?” - ông Đào Anh Kiệt đặt vấn đề cho các quận, huyện và đưa ra câu trả lời rằng: “Đầu tư hạ tầng là vì quyền lợi của mọi người để đi lại, phòng cháy chữa cháy, để người dân có một hạ tầng tốt...”.
Dự thảo của Sở hướng dẫn thêm: “Trường hợp tách thửa mà hình thành đường giao thông phải kiểm tra nghiệm thu hạ tầng”. Với quy định này, đại diện quận 12 đề nghị chỉ nên kiểm tra và xác nhận mức độ hoàn thiện của hiện trạng hạ tầng, quận, huyện không kiểm tra, nghiệm thu hạ tầng mà vấn đề này thuộc trách nhiệm chủ đầu tư và các bên tư vấn, thi công.
Tuy nhiên, đường giao thông này do ai quản lý, thủ tục thu hồi như thế nào.... thì vẫn chưa bàn ra. Sở TNMT cho biết trong tuần sau sẽ tiếp tục họp với các sở Giao thông Vận tải, Quy hoạch Kiến trúc, Xây dựng... để bàn tiếp về vấn đề hạ tầng này.
Theo Pháp luật TP
- 0
- By Admin
- 20/03/2009
- 17