Tác động tồi tệ từ khủng hoảng trên thị trường BĐS Trung Quốc
Theo một tài liệu mới đây của Financial Times, số lượng các giao dịch bất động sản tại Trung Quốc đã rơi xuống mức thấp cực kỳ nguy hiểm.Cụ thể, vào đầu năm 2011, Ủy ban điều tiết ngành ngân hàng Trung Quốc (CBRC) đã yêu cầu các ngân hàng nội địa tính đến tác động có thể xảy ra nếu giao dịch nhà đất giảm tới 30% để đánh giá “sức khỏe” của hệ thống tài chính Trung Quốc.
Trong khi chính phủ Trung Quốc đang cố gắng hạn chế giá bất động sản cao chót vót, việc thị trường nhà đất Trung Quốc suy giảm sẽ gây ra hiệu ứng dây chuyền lên kinh tế toàn cầu. Hoạt động xây dựng trên thị trường bất động sản đóng góp 13% vào kinh tế Trung Quốc năm 2010.
Tháng 4/2011, CBRC yêu cầu các ngân hàng tính đến khả năng giá bất động sản giảm 50% và giao dịch giảm 30%.
Đến tháng 10/2011, giao dịch bất động sản tại 15 thành phố lớn nhất của Trung Quốc giảm tới 39% so với cùng kỳ. Tính trên toàn Trung Quốc, giao dịch giảm 11,6%, cao hơn nhiều so với con số 7% vào tháng 9/2011.
Việc giao dịch sụt giảm mạnh tác động đến dòng tiền của các công ty bất động sản và trong một số trường hợp, các công ty còn khó trả được nợ ngân hàng.
Trong tháng 11/2011, IMF đưa ra nhận xét cho thấy sau thời kỳ tín dụng tăng trưởng nóng năm 2009 và 2010, chủ yếu trong lĩnh vực bất động sản, tỷ lệ vỡ nợ tăng cao. IMF cho rằng đây là một trong những rủi ro lớn nhất đối với lĩnh vực tài chính của Trung Quốc.
CBRC cho đến nay chưa công bố kết quả kiểm tra của họ và từ chối đưa ra bình luận. Tuy nhiên một chuyên gia phân tích chỉ ra rằng các điều tra viên thực ra chưa tính đến tác động của việc giao dịch sụt giảm và giá bất động sản giảm lên tài sản thế chấp của ngân hàng.
Ảnh minh họa |
Các chuyên gia phân tích nhận xét: “Nếu các công ty bất động sản không thể bán bất động sản và chính quyền các địa phương không bán được đất, thật khó để cho rằng tình hình tại ngân hàng có thể khá hơn trong bối cảnh như vậy.”
Thị trường lo sợ về khả năng khi bong bóng trên thị trường bất động sản Trung Quốc xì hơi, có thể sẽ lại xảy ra một cuộc khủng hoảng có quy mô và tác hại tồi tệ như cuộc khủng hoảng hiện nay tại châu Âu.
Dù các biện pháp làm nguội đà tăng trưởng nóng trên thị trường bất động sản đã tạo ra tác động cần có, một số chuyên gia phân tích lo ngại rằng chính phủ Trung Quốc đã đánh giá chưa đủ tác động của các biện pháp. Các biện pháp như yêu cầu tỷ lệ chi trả cao hơn và hạn chế mua nhà đã mất gần 2 năm mới phát huy được tác dụng.
Tuy nhiên thị trường sợ hãi về khả năng chính phủ sẽ gặp khó trong chuyển hướng chính sách đủ nhanh để ứng phó nếu cần thiết. Việc số lượng người mua nhà sụt giảm đang gây áp lực lên thị trường bất động sản, nền kinh tế thực sẽ chịu một cú sốc.
Khi phân tích về tác động, các hậu qua trên chưa được tính đến. Các ngân hàng được yêu cầu xem xét lại danh mục cho vay trong lĩnh vực bất động sản. Thế nhưng các phương pháp tính toán lại mặc định rằng tăng trưởng kinh tế nhìn chung sẽ không bị ảnh hưởng quá lớn.
Một chuyên gia phân tích nói với FT: “Trước khi giá bất động sản giảm 30%, người ta cần phải nghĩ doanh số giảm đến đâu và hoạt động xây dựng đi xuống đến mức nào. Tác động sẽ không chỉ đến đối với ngành thép hay xi măng, mà còn phải kể đến sản xuất công nghiệp, đầu tư và việc làm.”
(Theo TTVN/CafeF)
- 135
- By Admin
- 22/11/2011
- 17