• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

TT-Huế: UBND tỉnh buông lỏng quản lý đất đai

Trong đó trách nhiệm thuộc thường trực UBND tỉnh, trước hết là chủ tịch UBND tỉnh qua các thời kỳ. TTCP đã kiến nghị xử lý kinh tế 47 tỉ đồng và 357.000 USD.

Vi phạm trong giao đất, cho thuê đất

Kết luận của TTCP chỉ rõ việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn chậm, đến nay thành phố Huế và 68 xã, phường chưa có quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Việc giao đất, cho thuê đất của nhiều dự án có dấu hiệu vi phạm Luật đất đai, Luật khoáng sản, Luật bảo vệ và phát triển rừng.

Cụ thể là các sai phạm trong việc giao đất cho Công ty cổ phần Dịch vụ và du lịch Huế đầu tư xây dựng công viên Ngự Bình; thanh lý 21ha rừng phòng hộ vùng cát ven biển tại xã Vĩnh Thanh, huyện Phú Vang để giao Công ty Khoáng sản Thừa Thiên - Huế thăm dò, khai thác khoáng sản; giao đất thuộc khu vực bảo tồn thiên nhiên nghiêm ngặt để khai thác khoáng sản; cấp giấy chứng nhận đầu tư không đúng quy hoạch hai sân golf tại Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô; cho Công ty TNHH Laguna VN sử dụng 315ha đất để xây dựng khu du lịch nhưng chỉ ký hợp đồng cho thuê và trả tiền thuê đất 209ha (thiếu 106ha); 12 nhà đầu tư được giao 300ha đất nhưng quá thời hạn không triển khai thực hiện, gây lãng phí đất đai.

TTCP khẳng định trong quá trình quản lý đất đai, tỉnh Thừa Thiên - Huế xác định giá thuê đất, miễn giảm tiền thuê đất không đúng quy định của Nhà nước. Nếu không phát hiện, xử lý kịp thời sẽ gây thất thu cho ngân sách với tổng số tiền trên 17,6 triệu USD (hơn 335 tỉ đồng); vi phạm quy định về quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước trên 11 tỉ đồng...

Việc ký kết hợp đồng và thu tiền thuê đất cũng có nhiều sai phạm, trong đó có 127/269 doanh nghiệp đang sử dụng đất nhưng chưa ký hợp đồng thuê đất; 133 doanh nghiệp nợ tiền thuê đất với tổng số tiền hơn 13 tỉ đồng. Điển hình là Vinashin được UBND tỉnh ban hành bốn quyết định cho thuê trên 1 triệu m2 đất với thời hạn 50 năm để làm cảng và bến bãi từ năm 2007, nhưng đến nay dự án không làm thủ tục thuê đất.

Chuyển rừng phòng hộ thành rừng sản xuất

Theo TTCP, các dự án đầu tư theo cơ chế đổi đất lấy hạ tầng ở Thừa Thiên - Huế được triển khai chưa đúng quy định. Đối với các dự án đưa tài sản của Nhà nước để liên doanh tại Công ty du lịch Hương Giang và Công ty du lịch Cố Đô có hành vi lòng vòng, thiếu minh bạch từ khâu cho phép liên doanh, tăng vốn điều lệ, chuyển nhượng vốn điều lệ đến việc bán tài sản, đất đai, gây thất thoát lớn về vốn và tài sản nhà nước.

Dự án trồng rừng phòng hộ đầu nguồn sử dụng vốn vay của Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) vi phạm quy định về quản lý đầu tư xây dựng cơ bản. Việc chuyển 3.204,8ha rừng phòng hộ thành rừng sản xuất là sai phạm nghiêm trọng quy định về quản lý rừng phòng hộ, nếu không phát hiện kịp thời sẽ gây thất thoát tiền của Nhà nước vay nước ngoài, làm ảnh hưởng môi trường và không đúng với hiệp định ký kết giữa Chính phủ VN và Nhật Bản.

Từ các sai phạm này, TTCP kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế chỉ đạo kiểm điểm làm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý kỷ luật phù hợp đối với tập thể, cá nhân có liên quan.

TTCP cũng kiến nghị Thủ tướng giao TTCP phối hợp với Bộ Tài chính tiến hành thanh tra làm rõ sai phạm việc chấp hành các quy định trong việc đưa tài sản của Nhà nước để liên doanh, liên kết tại các dự án: khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Tân Mỹ - Thuận An, khách sạn Đông Dương, khách sạn Thuận Hóa, đồng thời chỉ đạo bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn rà soát việc quy hoạch ba loại rừng, việc triển khai trồng rừng của các dự án JBIC, WB3; kiểm điểm xử lý trách nhiệm cá nhân có liên quan đối với công tác quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế.

(Theo Tuổi trẻ)

  • 132
  • By Admin
  • 20/12/2010
  • 17