TPP sẽ không tạo ra sự “sốt nóng” cho BĐS Việt Nam
Theo bà Đỗ Thu Hằng, Trưởng Bộ phận Nghiên cứu và tư vấn Savills Việt Nam, việc hoàn tất đàm phán Hiệp định đối tác thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ tác động tích cực tới thị trường BĐS Việt Nam. Tuy nhiên, tương tự như quy định về sở hữu BĐS của người nước ngoài thì các chính sách liên quan tới TPP vẫn phải chờ. Vì vậy, tác động từ nguồn cầu khách nước ngoài vào thị trường trong thời gian tới chưa nhiều.
Một khi người nước ngoài giao thương nhiều hơn thì hiển nhiên nhu cầu thuê nhà ở của họ sẽ tăng theo.
Tuy nhiên, bà Hằng nhận định, xét về dài hạn, khi TPP được thực thi sẽ tác động tích cực lên rất nhiều phân khúc của thị trường BĐS. Chẳng hạn như phân khúc BĐS khu công nghiệp sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ việc các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào thị trường Việt Nam, hay phân khúc văn phòng chắc chắn cũng chịu tác động bởi sự gia tăng của các doanh nghiệp nước ngoài khi gia nhập trực tiếp thị trường Việt Nam.
Ngoài ra, bà Hằng cũng cho rằng, phân khúc nhà ở sẽ có tác động tích cực, đồng thời cả mảng BĐS cho thuê và để bán. Vì khi người nước ngoài giao thương nhiều hơn thì hiển nhiên nhu cầu thuê nhà ở của họ sẽ tăng.
Bên cạnh đó, bà Hằng cho hay, TPP sẽ góp phần làm kinh tế Việt Nam tăng trưởng tốt hơn, ổn định hơn và chính điều này sẽ tạo ra nguồn tiền trên thị trường. Vì vậy, khi BĐS đang ở đà phục hồi và vẫn hấp dẫn thì đương nhiên nó sẽ hút được dòng tiền đầu tư. Do đó, khi thị trường được thúc đẩy phát triển thì không chỉ chủ đầu tư được hưởng lợi mà còn tạo ra sự hài hòa lợi ích cho cả người mua nhà. Song, các chủ đầu tư và nhà đầu tư trong nước cũng sẽ chịu áp lực cạnh tranh từ ngoài vào.
Bà Đỗ Thu Hằng,Trưởng Bộ phận Nghiên cứu và tư vấn Savills Việt Nam khẳng định, TPP sẽ không tạo ra sự “sốt nóng” cho thị trường BĐS |
Về vấn đề liệu thị trường có xảy ra tình trạng “sốt nóng” như khi Việt Nam gia nhập WTO? Bà Hằng khẳng định, Hiệp định TPP sẽ không tạo ra sự “sốt nóng” cho thị trường BĐS, bởi khi gia nhập WTO thì thị trường BĐS mới trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển, cho đến nay thị trường đã đi được một quãng thời gian khá dài và không còn thiếu hàng nữa mà phong phú trên mọi phân khúc, đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng.
Đồng tình với quan điểm đó, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM Nguyễn Văn Đực cho rằng, không đáng lo thị trường BĐS sẽ phát triển nóng sốt bởi vì trong các lĩnh vực thì thị trường BĐS sẽ ảnh hưởng ít hơn, song TPP sẽ mở cơ hội tốt cho BĐS, đặc biệt là đối với BĐS công nghiệp, BĐS nghỉ dưỡng, BĐS nhà ở cho chuyên viên,…
Đồng thời, phân khúc nhà cao cấp cho người nước ngoài cũng sẽ phát triển hơn khi TPP sẽ giúp thị trường tăng lượng khách nước ngoài, do đó, có thể tiêu thụ lượng hàng này nhiều hơn.
Nhưng ông Đực cũng lưu ý, khi chúng ta đang chờ người nước ngoài mua nhà và TPP, mà lại đầu tư quá nhiều vào phân khúc chung cư cao cấp thì dễ bị bội thực nhà cao cấp bởi hiện nay đã và đang dôi dư nhiều nguồn cung này. Trên thực tế, TPP không phải là phép màu mà trong vòng 1 – 2 năm thị trường đã biến động, thậm chí có khi phải mất 3 – 4 năm nữa. Chính vì thế, nếu đầu tư quá sớm và quá nhiều phân khúc cao cấp để đón đầu TPP thì coi chừng dư thừa.
Minh chứng rõ hơn, vị này cho biết, chỉ tính riêng trên thị trường BĐS Tp.HCM thì có tới vài chục ngàn căn hộ cao cấp được bung ra thị trường, trong khi đó, sức mua không nhiều, còn nhà cho nhu cầu ở thực cho người thu nhập trung bình, người nghèo chỉ có khoảng 6 nghìn căn hộ.
Thực tế cho thấy, phân khúc cho đại đa số người dân đang bị các doanh nghiệp BĐS bỏ qua để tập trung vào phân khúc cao cấp nhằm “đón gió” khách nước ngoài. Ông Đực nhấn mạnh, “gió” này không đủ mạnh để chúng ta phải đầu tư khối lượng căn hộ cao cấp quá lớn, hãy coi chừng dư thừa.
- 0
- By Admin
- 12/10/2015
- 17