TP.HCM: giao cho quận xử lý nhà vi phạm
Khu nhà không phép tại ấp 2, xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TP.HCM - Ảnh: N.H |
Luật xây dựng có hiệu lực từ ngày 1-7-2004 quy định công trình xây dựng không có giấy phép hoặc sai phép phải bị phá dỡ toàn bộ hoặc phần vi phạm. Tuy nhiên, từ thời điểm này ở TP.HCM có hàng chục ngàn công trình (chủ yếu là nhà ở) xây dựng không có giấy phép và sai phép mà chưa được xử lý rốt ráo. Trong điều kiện đó, thông tư 24 ra đời với những quy định về việc xử lý công trình vi phạm xây dựng trước khi nghị định 23 có hiệu lực (ngày 1-5-2009) sẽ quyết định số phận của hơn 50.000 công trình xây dựng vi phạm trên địa bàn TP đã bị treo từ năm năm nay.
Phó giám đốc Sở Xây dựng Phan Đức Nhạn lưu ý các quận huyện khi xử lý công trình xây dựng vi phạm phải xét những yếu tố như: phù hợp quy hoạch, không lấn chiếm, không gây tranh chấp, không vi phạm các chỉ giới đường đỏ, chỉ giới xây dựng và lộ giới... thì sẽ được tồn tại.
Xét từng trường hợp
Thắc mắc hàng đầu của các quận huyện là điều 15, thông tư 24 chỉ dùng từ công trình sai giấy phép và công trình vi phạm chứ không nói đến những công trình không có giấy phép. Vậy những công trình không phép có được xử lý theo quy định này không? Bà Hồ Thị Kim Loan, chánh thanh tra Sở Xây dựng, cho rằng cụm từ “công trình vi phạm” trong thông tư áp dụng cho cả trường hợp xây dựng không phép và sai phép.
Theo các quận huyện, quy định của thông tư chưa đủ để xử những tình huống vi phạm xây dựng trên địa bàn TP.HCM. Ông Huỳnh Văn Hải, chánh thanh tra xây dựng huyện Bình Chánh, hỏi ở huyện này có nhiều trường hợp xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, như vậy có buộc người dân tháo dỡ nhà, trả lại đất để sản xuất nông nghiệp hay không?
Bà Loan phân tích đáng ra những công trình vi phạm xây dựng sau ngày 1-7-2004 phải bị tháo dỡ, nhưng do lỗi của các cơ quan nhà nước đã buông lỏng công tác quản lý nên những công trình vi phạm trên mới tồn tại đến bây giờ. Vì vậy, các quận huyện phải linh động, xét từng trường hợp cụ thể trong mặt bằng chung của địa phương để xử lý. Bà Loan nêu cụ thể nhà xây trên đất nông nghiệp thì có thể cho tồn tại nhưng cam kết tháo dỡ và không được bồi thường.
Nhiều nhà vi phạm sẽ tồn tại Thông tư 24 đã hướng dẫn việc xử lý các trường hợp nhà xây trái phép từ ngày 1-7-2004 đến trước ngày 1-5-2009. Theo thông tư, nếu công trình xây sai phép về số tầng, về diện tích xây dựng thuộc quy hoạch khu dân cư ổn định và không ảnh hưởng đến công trình lân cận thì cho phép chủ đầu tư được giữ nguyên công trình với điều kiện: khi thực hiện quy hoạch phải tự tháo dỡ phần sai phép mà không bồi thường. Trường hợp công trình vi phạm không nằm trong quy hoạch khu dân cư nhưng quy hoạch này cũng chưa thực hiện ngay thì yêu cầu chủ đầu tư phải cam kết tự tháo dỡ và không được bồi thường khi thực hiện quy hoạch. Nếu công trình vi phạm nằm trong quy hoạch khu dân cư ổn định nhưng lấn chiếm không gian, lấn chiếm đất đai, lấn chiếm chỉ giới xây dựng, lấn chiếm chỉ giới đường đỏ thì phải kiên quyết tháo dỡ. |
- 159
- By Admin
- 17/09/2009
- 17