TPHCM: Sẽ ban hành quy định về quản lý các công trình xây dựng
Tăng cường kiểm tra công trình có tầng hầmTheo Sở Xây dựng TPHCM, thời gian qua, tình trạng vi phạm xây dựng có giảm so với trước đây nhưng vẫn ở mức độ cao. Cá biệt có trường hợp vi phạm đã phá vỡ quy hoạch chung của toàn TP. Hàng năm, Sở Xây dựng đều có đoàn kiểm tra định kỳ các công trình xây dựng. Tuy nhiên số lượng công trình bị kiểm tra chưa tới 10%.
Để tăng cường, kiểm tra, giám sát các công trình xây dựng, sau khi lấy ý kiến của UBND các quận-huyện và các sở-ngành liên quan, Sở Xây dựng TP vừa trình UBND TPHCM dự thảo quy định về quản lý, kiểm tra, giám sát các công trình xây dựng trên địa bàn TP.
Quy định này nêu rõ, Sở Xây dựng phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra việc tuân thủ trình tự đầu tư xây dựng, quản lý chất lượng công trình đối với tất cả các công trình xây dựng trên địa bàn TP, công trình xây dựng nhà cao tầng, đặc biệt là các công trình có tầng hầm. Kiên quyết xử lý dứt điểm các vi phạm trong thẩm quyền, kịp thời kiến nghị xử lý các vi phạm xây dựng trên địa bàn. Sở phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và UBNDTP nếu để xảy ra sai sót.
Chủ đầu tư phải mua bảo hiểm công trình
Vừa qua, hàng loạt sự cố đều liên quan đến việc xây dựng các tầng hầm. Theo đó, để giảm các sự cố liên quan đến xây dựng tầng hầm, quy định này yêu cầu: đối với các công trình xây dựng có tầng hầm, Sở Xây dựng chủ trì kiểm tra sự tuân thủ về trình tự thủ tục thẩm tra, thẩm định các bước thiết kế; kiểm tra sự phù hợp các hồ sơ thiết kế phần móng và thiết kế biện pháp thi công tầng hầm của nhà thầu với tài liệu khảo sát đã được nghiệm thu. Sở có quyền yêu cầu khảo sát bổ sung khi thấy cần thiết nhằm đảm bảo cho biện pháp thi công được an toàn.Về phía chủ đầu tư, khi xây dựng công trình có tầng hầm phải tiến hành thăm dò, xác định hiện trạng các công trình ngầm hiện có, yêu cầu nhà thầu có biện pháp chi tiết để thi công tầng hầm. Biện pháp này phải đảm bảo an toàn cho công trình, công trình lân cận và cho người lao động. Nhà thầu thi công công trình có tầng hầm phải có kế hoạch khắc phục các sự cố có thể xảy ra trong quá trình thi công như gặp tầng đất yếu, tầng chứa nước, sạt lở, bục đất… nhằm đảm bảo an toàn cho người, phương tiện thi công và các công trình lân cận.
Các sở-ngành và những đơn vị liên quan phải có trách nhiệm quản lý, kiểm tra giám sát những công trình do mình thẩm định thiết kế cơ sở hoặc cấp phép xây dựng. Các Ban quản lý, Tổng Công ty có trách nhiệm chỉ đạo các phòng chuyên môn quản lý về xây dựng tăng cường kiểm tra sau cấp phép, đình chỉ ngay các trường hợp xây dựng trái phép và phối hợp với thanh tra xây dựng xử lý kịp thời các hành vi vi phạm trong xây dựng.
“Khi xảy ra sự cố công trình hay các vi phạm do các đơn vị tham gia xây dựng công trình gây nên thì phải rà soát lại các thủ tục, quy định do mình quản lý và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu để xảy ra sai sót”- quy định nêu rõ.
Dự thảo cũng yêu cầu xử lý cán bộ buông lỏng trách nhiệm quản lý để xảy ra vi phạm xây dựng trên địa bàn mình phụ trách.
Chủ đầu tư phải mua bảo hiểm công trình
Thực tế hiện nay chỉ có các doanh nghiệp (DN) nước ngoài mới mua bảo hiểm, đa số các DN trong nước đều không mua. Ngay cả sự cố tại công trình Pacific, chủ đầu tư và các đơn vị liên quan không mua bất kỳ loại bảo hiểm nào.
Chính vì thế, dự thảo quy định này đã yêu cầu các chủ đầu tư, nhà thầu thiết kế thi công phải mua bảo hiểm công trình xây dựng; nhà thầu tư vấn giám sát thi công phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp; nhà thầu thi công xây dựng công trình phải mua bảo hiểm theo quy định về bảo hiểm…
Để các công trình đảm bảo chất lượng khi thi công, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Nguyễn Văn Hiệp cho rằng, phải buộc nhà thầu xây dựng, chủ đầu tư phải mua bảo hiểm cho công trình và mua bảo hiểm trách nhiệm cho bên thứ ba với những mức phù hợp. Khi mua bảo hiểm, các đơn vị bán bảo hiểm sẽ xuống xem xét mặt bằng, giải pháp thi công, tay nghề để xác định có bán bảo hiểm hay không và bán giá nào. Nếu các DN có năng lực kém, đã có nhiều “tiền án” về sự cố trước đây thì đơn vị bảo hiểm không bán, hoặc bán giá rất cao. “Bảo hiểm là cánh tay nối dài của Nhà nước về quản lý chất lượng. Nhà nước không thể lo hết được.”- ông Nguyễn Văn Hiệp cho biết.
Đặc biệt, quy định nêu rõ: Sở Xây dựng và các sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, UBND các quận-huyện theo dõi, kiểm tra và xác định những tổ chức, cá nhân có nhiều sai phạm trong đầu tư xây dựng công trình để đề nghị cấp có thẩm quyền không cho phép hoạt động xây dựng có thời hạn hoặc vĩnh viễn trên địa bàn TP.
Theo SGGP
- 142
- By Admin
- 21/04/2010
- 17