TP Huế: Người dân không chịu nhận tiền đền bù
Trong đơn khiếu nại gửi đến báo Tuổi Trẻ, 11 hộ dân cho rằng giá đền bù 1,3 triệu đồng/m2 đất là quá thấp so với giá thị trường, không đủ để họ ổn định cuộc sống sau giải tỏa. Đến nay các hộ dân vẫn chưa chịu nhận tiền đền bù. Ông Trần Văn Tý ở số 75/107 Phùng Hưng (TP Huế), thuộc nhóm phải di dời hoàn toàn, khiếu nại: “Nhà tôi có diện tích 66m2, thuộc diện phải di dời đến khu tái định cư, tiền bồi thường cả nhà và đất chỉ được 182 triệu đồng. Với số tiền ít ỏi như vậy làm sao chúng tôi có thể trả hết tiền đất tái định cư? Và tiền đâu để chúng tôi xây dựng nhà?”.Các hộ dân còn bất bình với việc nhà của họ vừa được UBND TP Huế cấp phép xây dựng kiên cố và tốn quá nhiều tiền, thì ngay sau đó lại bị chính UBND TP Huế giải tỏa, nhưng việc đền bù cho “tai nạn cấp phép” này lại không thỏa đáng. Ngôi nhà của ông Hà Sâm ở số 37/107 Phùng Hưng được UBND TP Huế cấp phép xây dựng từ tháng 2-2007, có mép tường phía sau nhà cách kè đá sông Ngự Hà đúng 6m.
Thế nhưng đến tháng 10/2009, UBND TP Huế lại có quyết định giải tỏa để mở đường ven sông Ngự Hà rộng 9,5m. Tức là phải mở rộng thêm vào phía nhà dân 3,5m. Vì vậy, phải giải tỏa một phần những ngôi nhà mà trước đó chính UBND TP Huế đã cho phép xây dựng. Ngôi nhà mới xây của ông Hà Sâm đã phải cắt bỏ 1/3 công trình, nhưng chỉ nhận bồi thường theo giá quy định của Nhà nước.
Gia đình ông Sâm và các hộ dân thuộc diện bị cắt bỏ một phần ngôi nhà cho rằng hậu quả này là do việc cấp phép sai của UBND TP Huế. Vì vậy, UBND TP Huế phải bồi thường thêm cho họ những chi phí đã bỏ ra xây dựng và sắp tới là tháo dỡ, sửa chữa lại ngôi nhà theo giá thị trường hiện nay.
Trả lời khiếu nại của người dân, ông Nguyễn Anh Tuấn - phó chủ tịch Hội đồng bồi thường hỗ trợ và tái định cư TP Huế, nói rằng dự án chỉnh trang, tôn tạo sông Ngự Hà nhằm phục vụ phúc lợi công cộng, làm đẹp thành phố, chứ không mang tính thương mại. Do đó, không phải tiến hành theo cách thỏa thuận giữa chủ đầu tư với hộ dân bị giải tỏa. Thực tế giá đất và tài sản trên đất được dự án bồi thường có thấp hơn giá trên thị trường, nhưng đó là khung giá mới nhất do UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế ban hành cho năm 2011.
Trả lời về việc cấp phép xây nhà xong lại giải tỏa, ông Nguyễn Mậu Thương, phó Phòng Quản lý đô thị Huế, cho rằng việc cấp phép xây dựng cho các hộ dân là căn cứ vào điều lệ quản lý xây dựng bốn phường Thành Nội (ban hành năm 1999) và được tiến hành trước thời điểm (31/10/2009) mà UBND TP Huế ban hành quyết định phê duyệt dự án chỉnh trang sông Ngự Hà (quy định mặt cắt con đường ven sông là 9,5m - PV). Điều đó có nghĩa việc cấp phép này là đúng.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, ngày 25/11/2005 UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có quyết định phê duyệt dự án chỉnh trang tôn tạo sông Ngự Hà, quy định rõ: Mặt cắt của con đường chạy dọc bờ sông là 9,5m. Như vậy, việc UBND TP Huế cấp phép xây dựng cho các hộ dân (với mốc lộ giới 6m) là sau thời điểm UBND tỉnh ra quyết định phê duyệt dự án Ngự Hà (với lộ giới 9,5m).
Điều này, hôm 5/8/2011, ông Phan Trọng Vinh - chủ tịch UBND TP Huế, cũng đã xác nhận: Trước đây, chỉ giới xây dựng công trình kiến trúc cách bờ kè sông Ngự Hà là 6m, nhưng đến tháng 11/2005 UBND tỉnh đã phê duyệt dự án tôn tạo sông Ngự Hà, quy định chỉ giới giải tỏa cách bờ kè sông là 9,5m. Tuy nhiên, Phòng Quản lý đô thị đã có sơ suất khi không cập nhật văn bản quyết định mới của UBND tỉnh, từ đó dẫn đến tham mưu cho UBND thành phố cấp phép xây dựng cho một số hộ dân theo mốc lộ giới cũ là 6m.
(Theo TTO)
- 157
- By Admin
- 28/09/2011
- 17