TP Hồ Chí Minh: Đô thị mới vướng đền bù hơn 10 năm
> Khu đô thị mới thành 'đô thị lồi lõm' / Nở rộ bán nhà trên giấy ở TP HCMPhát biểu trong hội thảo "Mô hình phát triển khu đô thị mới" do Bộ Xây dựng chủ trì tại khu đô thị Phú Mỹ Hưng ngày 26/6, Ban quản lý khu Nam TP HCM cho hay, trở ngại lớn nhất tại vùng đất mới này chính là khung giá đền bù bị đẩy lên quá cao, việc thương lượng giữa người dân và chủ đầu tư bất thành, dẫn đến nhiều dự án bị kéo dài và lãng phí.
Theo Ban quản lý khu Nam TP HCM, chương trình 11.000 căn hộ tái định cư tại đây đang bị ngưng trệ vì người dân không đồng thuận với khung giá được duyệt. Chính vì vậy, lãnh đạo khu Nam đề xuất nên thay đổi phương pháp đền bù bằng nhiều cách, trong đó có cả biện pháp hoán đổi đất bằng căn hộ chung cư thay vì bằng nền tái định cư như trước đây để đẩy nhanh tiến độ.
Một bức xúc khác cũng được Ban quản lý khu Nam TP HCM phản ảnh là thiếu tính thống nhất trong các đồ án quy hoạch. Theo đó, quy hoạch sau thường xuyên không phù hợp với trước, dẫn đến quy hoạch chi tiết từng dự án bị rối tung lên. Đặc biệt đối với các hộ tái định cư tại chỗ càng dễ xảy ra xung đột và căng thẳng trong việc quản lý xây dựng đúng quy hoạch.
Lãnh đạo khu Nam kiến nghị nên bổ sung thêm nhân sự cho lực lượng thanh tra xây dựng quận, huyện, phường, xã có địa bàn thuộc khu đô thị mới. Từ đó, các nơi này sẽ thành lập đội thanh tra xây dựng để tăng cường hiệu quả quản lý đối với các dự án đầu tư trong khu đô thị non trẻ này.
Dãy nhà chung cư Phú Mỹ Hưng, đô thị duy nhất đang hoàn thiện tại phía Nam Sài Gòn, dự án vừa được công nhận là khu đô thị mới kiểu mẫu của cả nước. Ảnh: Hồng Phúc. |
Cục trưởng Phát triển đô thị Lưu Đức Hải không giấu băn khoăn về thực trạng của các khu đô thị "lồi lõm". Ông nhận định, cho đến nay số lượng các khu đô thị mới hình thành trên cả nước đã lên đến hàng trăm, tuy nhiên đô thị kiểu mẫu, chuẩn mực cho các nơi khác noi theo lại quá hiếm hoi.
Theo ông Hải, ngay cả các khu đô thị cao cấp nhất Việt Nam đạt được một số thành công bước đầu về thay đổi môi trường, không gian sống như The Manor (TP HCM) hay Ciputra (Hà Nội) có phải là hình mẫu lý tưởng hay không, vẫn còn là điều đang bàn luận và gây nhiều tranh cãi.
Chuyên gia này cho rằng, đa số khu đô thị mới tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM vẫn chỉ dừng lại ở mức đối phó, đáp án tức thời cho bài toán tăng quỹ đất nhà ở. Trong khi đó, việc tạo một môi trường sống thực sự hầu như hiếm có chủ đầu tư nào đáp ứng nổi, thậm chí có nhiều nơi đã thụt lùi chất lượng hạ tầng và dịch vụ trong đô thị.
Văn bản pháp quy, các tiêu chí về quy chuẩn, tiêu chuẩn cho quy hoạch đô thị đã trở nên lạc hậu, khó có thể áp dụng cũng là đề tài được những nhà quy hoạch đô thị đem ra mổ xẻ.
Quy trình lập, phê duyệt các khu đô thị mới diễn ra quá chậm khiến nhiều dự án không bắt kịp nhịp độ phát triển của thời cuộc. Nhà nước quản lý bộ khung đô thị thông qua quy hoạch vùng, quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết 1/2000 sau đó mới đến quy hoạch 1/500 của từng đô thị cụ thể.
Tuy nhiên, nhu cầu thực tế luôn đầy biến động, chủ đầu tư không thể chờ đợi tất cả các quy hoạch rồi mới phát triển kế hoạch phát triển khu đô thị của riêng mình. Vì vậy, nhiều đô thị không nằm trong kế hoạch phát triển của toàn khu vực mà lại quy hoạch tự phát, gây sức ép cho bản thân nội đô và những vùng kế cận.
Phó cục trưởng Hạ tầng kỹ thuật Bộ Xây dựng, ông Nguyễn Hồng Tiến khuyến cáo đến những nhà phát triển dự án rằng, quy hoạch chi tiết toàn đô thị phải được xem xét trên nền quy hoạch chung của cả vùng rộng lớn mới đảm bảo cho sự phát triển bền vững.
Bất kể dự án nào, theo ông Tiến, cũng đòi hỏi độ chính xác so với bản vẽ, tức là tuân thủ đúng quy hoạch đã được phê duyệt. Các công trình hạ tầng xã hội cơ bản phải tiến hành song song với việc xây dựng các khu nhà ở, các công trình hạ tầng kỹ thuật, không có chuyện cái trước cái sau.
Ông Tiến còn mạnh dạn đề xuất kiểm tra lại các tiêu chí: cao độ nền, kết nối giao thông, các đường dây cấp nước, thoát nước, cấp điện, trạm xử lý nước thải, bãi đỗ xe... trong khu đô thị để hoàn thiện dần những khu đô thị còn lại.
Theo cách đánh giá này, các nhà phát triển khu đô thị phải chịu trách nhiệm thực hiện đầy đủ các nội dung đã cam kết trong các đồ án quy hoạch chi tiết và tiến hành xây dựng theo một lộ trình bắt buộc.
"Cần tổng kết quá trình xây dựng các khu đô thị mới một cách nghiêm túc. Qua đó đề xuất sửa đổi những cơ chế, chính sách, các quy định không phù hợp, tiếp tục hỗ trợ nhà đầu tư trong xây dựng và phát triển dự án khu dân cư", ông Tiến nói.
6 tiêu chí đánh giá chất lượng khu đô thị: 1. Cơ sở pháp lý, quy hoạch được các cấp chính quyền phê duyệt. (Nguồn: Bộ Xây dựng) |
Theo VnEpxress
- 303
- By Admin
- 27/06/2008
- 17