TP Hồ Chí Minh: Để người dân giám sát “lô cốt”
Toàn TP.HCM hiện có hơn 230 “lô cốt” chiếm dụng trên 80 tuyến đường nhằm phục vụ thi công 12 công trình, dự án. Trong khi đó, việc giám sát “lô cốt” hiện nay gần như khoán trắng cho các đơn vị tư vấn giám sát, còn việc xử phạt “lô cốt” cũng do một mình Thanh tra Sở GTVT “chủ xị”.Với lực lượng kiểm tra, giám sát mỏng thế này thì tình trạng “lô cốt” thi công bê bối, nhếch nhác, ì ạch như thời gian qua cũng là điều dễ hiểu.
Để chấn chỉnh thực trạng trên, dự thảo kế hoạch triển khai Nghị quyết 16 năm 2008 của Chính phủ về khắc phục ùn tắc giao thông mà UBND TP.HCM vừa trình HĐND TP đã nhấn mạnh việc kiểm soát và đẩy nhanh tiến độ thi công “lô cốt”.
Lập tổ giám sát cộng đồng
Trong dự thảo trên, UBND TP yêu cầu sau một tuần kể từ ngày được bàn giao mặt bằng, chủ đầu tư và đơn vị thi công phải liên hệ với chính quyền địa phương để thành lập tổ giám sát cộng đồng. Trong suốt quá trình thi công “lô cốt”, chủ đầu tư và nhà thầu phải họp định kỳ hàng tuần với tổ giám sát cộng đồng và sau đó báo cáo cho Sở GTVT.
UBND TP cũng yêu cầu Sở GTVT phải chủ động cung cấp thông tin cho báo chí để tuyên truyền, công khai các dự án và phương án tổ chức phân luồng đến người dân. Song song đó, Sở phải tăng cường theo dõi, tổng hợp các phản ánh của báo chí và người dân để sớm xử lý các bất cập.
Đại biểu HĐND TP Võ Văn Sen tỏ ra rất đồng tình với việc để người dân cùng chính quyền địa phương tham gia giám sát “lô cốt”. “Đây là lực lượng theo dõi sát sao nhất tình hình thi công tại các “lô cốt”. Hơn nữa, người dân là những người chịu ảnh hưởng trực tiếp từ việc rào chắn “lô cốt” thì phải được quyền biết các “lô cốt” dựng lên trong bao lâu, để làm gì và được quyền phản ánh các sai phạm làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của họ” - ông Sen nói.
Phó Chủ tịch UB MTTQ Việt Nam TP.HCM Lê Hiếu Đằng cũng tán thành chủ trương này. Tuy nhiên, ông Đằng lưu ý phải quyết tâm làm đến nơi đến chốn, đảm bảo sau khi người dân phát hiện và phản ánh.
“Tôi cũng có lần phản ánh với giám đốc Sở GTVT tình trạng thi công bê bối, tái lập nham nhở trên đường Nguyễn Trọng Tuyển nhưng không thấy có biến chuyển. Hay các “lô cốt” trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh thi công ì ạch mà chẳng thấy cải tiến. Nếu việc phản ánh của người dân cứ rơi vào thinh không như vậy thì họ sẽ nản lòng” - ông Đằng góp ý. Theo ông Đằng, nên giao việc tổ chức giám sát “lô cốt” cho UB MTTQ Việt Nam các quận, huyện và các đoàn thể.
Ông Trần Hồng Nam - Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT cho biết hiện nay lực lượng thanh tra mỏng nên kiểm soát không xuể các “lô cốt” vi phạm.
“Thời gian qua, đường dây nóng của thanh tra giao thông cũng như điện thoại cầm tay của tôi luôn “cháy máy” vì các cuộc điện thoại phản ánh vi phạm tại “lô cốt” của người dân. Do đó, nếu thành lập tổ giám sát cộng đồng để tập hợp các phản ánh của người dân một cách hệ thống thì sẽ rất hiệu quả” - ông Nam nhận xét.
Siết việc tổ chức giao thông tại “lô cốt”
Cũng theo dự thảo trên, chủ đầu tư và nhà thầu phải tập trung thi công ba ca/ngày để đẩy nhanh tiến độ, rút ngắn thời gian chiếm dụng mặt đường. Đồng thời, chủ đầu tư không được khoán trắng công việc tại công trường cho tư vấn giám sát mà phải tăng cường phối hợp với ban quản lý dự án, các cơ quan quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị (đường, điện, bưu điện, cấp thoát nước).
Dự thảo cũng yêu cầu nhà thầu phải xây dựng phương án phân luồng giao thông trước khi dựng “lô cốt”, chủ động thông báo phương án phân luồng cho chính quyền địa phương để thông tin rộng rãi đến người dân.
Theo Phòng Quản lý giao thông Sở GTVT, UBND TP từng có Quyết định 47 năm 2005 quy định nhà thầu phải bố trí người thường xuyên điều tiết giao thông tại các “lô cốt” và trong mọi trường hợp không được để xảy ra tai nạn và ùn tắc giao thông.
Tuy nhiên, nhiều nhà thầu vẫn phớt lờ quy định này. Do đó, dự thảo của UBND TP một lần nữa nhắc lại và siết chặt việc tổ chức giao thông tại khu vực có “lô cốt”.
Đối với tình trạng rào chắn bê bối và tái lập sơ sài cản trở lưu thông, dự thảo yêu cầu Thanh tra Sở GTVT phân công từng thanh tra viên phụ trách theo địa bàn để quy trách nhiệm cụ thể nếu không phát hiện, xử lý kịp thời các sai phạm tại “lô cốt”.
Đặc biệt, UBND TP cho phép Sở GTVT thực hiện cơ chế: Nếu sau 24 giờ, nhà thầu không tái lập mặt đường thì các khu quản lý giao thông đô thị phải “làm giùm”, sau đó chủ đầu tư sẽ hoàn trả kinh phí.
Theo Pháp Luật TP
- 217
- By Admin
- 23/10/2008
- 17