• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

TP Hồ Chí Minh: 25-9 cấp phép lại toàn bộ “lô cốt”

TP Hồ Chí Minh: 25-9 cấp phép lại toàn bộ “lô cốt” Cấp phép lại “lô cốt” là biện pháp nhằm siết chặt quản lý tiến độ thi công và chấn chỉnh tình trạng “lô cốt” ì ạch, bê bối” - Phó phòng Quản lý giao thông Sở GTVT TP.HCM Đậu An Phúc cho biết.

Mỗi “lô cốt” một giấy phép

Theo ông Phúc, quy trình triển khai cấp phép mới sẽ chặt chẽ hơn vì Sở GTVT yêu cầu chủ đầu tư và nhà thầu xin cấp phép thi công cho từng “lô cốt”.

“Mỗi “lô cốt” phải xin một giấy phép, một tuyến đường rào bao nhiêu “lô cốt” thì xin bấy nhiêu giấy phép” - ông Phúc nhấn mạnh. Trước đây, hầu hết các dự án rào đường như vệ sinh môi trường TP, cải thiện môi trường nước TP... đều chỉ xin cấp phép một lần cho cho cả tuyến đường gồm nhiều “lô cốt” với thời hạn có khi kéo dài cả năm.

Đây chính là kẽ hở khiến nhiều “lô cốt” thi công ì ạch, chậm tiến độ vẫn không bị xử phạt. Bởi thực tế tuy nhiều “lô cốt” đã quá hạn từ lâu nhưng xét trên cả tuyến đường thì vẫn còn trong thời hạn phân luồng nên thanh tra giao thông phải bó tay.

“Thời gian rào chắn cũng bị khống chế chứ không thể thoải mái như trước. Mỗi “lô cốt” chỉ được rào chắn không quá 60 ngày, kể cả thời gian nhà thầu làm những việc lặt vặt như tập kết vật tư, dựng rào chắn” - ông Phúc nói.

Theo ông Phúc, thời gian qua xảy ra một số trường hợp “lô cốt” rào chắn sơ sài, khi mưa gió đã bị ngã đổ gây tai nạn cho người đi đường. Vì vậy, trong đợt cấp phép mới này, Sở GTVT yêu cầu nhà thầu thay toàn bộ rào chắn theo mẫu mới do Sở quy định nhằm đảm bảo an toàn.

“Mỗi “lô cốt” còn phải có bảng thông tin về dự án và niêm yết giấy phép rào đường để người dân giám sát” - ông Phúc nhấn mạnh.

Quy trình cấp phép mới cũng rất nghiêm ngặt. Chủ đầu tư và nhà thầu gửi hồ sơ xin cấp phép thi công cho các khu quản lý giao thông đô thị.

Nếu đủ tiêu chuẩn, khu báo cáo đề xuất cấp phép lên Phòng Quản lý giao thông. Trong hồ sơ xin cấp phép phải nêu rõ phương án thi công, biện pháp và tiến độ thi công.

Chủ đầu tư phải trình cả phương án phân luồng giao thông nhằm hạn chế kẹt xe. Dù hồ sơ cấp phép phải qua nhiều cấp nhưng thời gian cấp phép sẽ không quá mười ngày kể từ khi nhận được hồ sơ hợp lệ - ông Phúc khẳng định.

Ba lần vi phạm: Miễn cấp phép!


Biện pháp chế tài đối với nhà thầu vi phạm sẽ mạnh tay hơn trước: Những nhà thầu vi phạm ba lần trở lên ở “lô cốt” trước, dù với lỗi gì cũng sẽ không được cấp phép thi công “lô cốt” tiếp theo.

Ở những “lô cốt” vi phạm nhiều lần vì lý do nhà thầu không đủ năng lực, Sở GTVT sẽ xem xét đình chỉ thi công hoặc thay thế nhà thầu. Những “lô cốt” chậm trễ vì lý do khách quan (vướng công trình tiện ích ngầm...) được gia hạn nhưng không quá 15 ngày và do chính giám đốc Sở GTVT xem xét, giải quyết.

Để tránh tình trạng nhà thầu lợi dụng đợt cấp phép mới để “trốn” những biên bản phạt trước đó, Sở GTVT yêu cầu nhà thầu phải thi hành xong tất cả các quyết định xử phạt của Thanh tra Sở GTVT thì mới được cấp phép thi công tiếp.

Với những “lô cốt” đã thi công xong nhưng tái lập bê bối, Sở GTVT không cấp phép thi công “lô cốt” sau nếu chưa hoàn tất công tác tái lập mặt đường tốt.

Để ràng buộc trách nhiệm nhà thầu trong việc đảm bảo an toàn, giấy cấp phép ghi rõ: Sau khi nhận mặt bằng hiện trường, nhà thầu phải chịu trách nhiệm về an toàn giao thông, chịu sự kiểm tra, kiểm soát của đơn vị quản lý đường bộ, thanh tra giao thông và cơ quan bảo vệ pháp luật.

Khi thi công, nếu nhà thầu không thực hiện công tác tổ chức giao thông gây mất an toàn giao thông sẽ bị đình chỉ thi công; chịu mọi kinh phí thiệt hại...

Theo Pháp Luật TP

  • 195
  • By Admin
  • 20/09/2008
  • 17