TP Hà Đông - Hà Tây trước khi sáp nhập Hà Nội
Nhà cấp 4 mọc tràn lan ở các khu đất nông nghiệp tại TP Hà Đông - Hà Tây.
Từ đầu năm 2008, khi nghe phong thanh tin mở rộng Hà Nội, một số xã thuộc TP Hà Đông - Hà Tây bỗng trở thành điểm nóng về tình trạng lấn chiếm đất công, xây dựng nhà trái phép.
“Đáng biểu dương vì đô thị hóa nhanh”!?
Ở Dương Nội, nơi được xem có nạn lấn chiếm đất công, xây dựng nhà trái phép nóng nhất tại TP Hà Đông, hàng vạn mét vuông đất ruộng, vườn thoáng chốc bị những ngôi nhà, xưởng mọc lên cực nhanh phủ kín. Đất hai bên đường trục chính của xã được người dân địa phương tự chia phần với nhau. Thậm chí, một người dân Dương Nội còn vô tư: “Lẽ ra Dương Nội phải được biểu dương vì đã đô thị hóa nhanh!”.
Trên hàng loạt khu đất công ích, đất cho thuê ở Dương Nội, đã xuất hiện nhiều trường hợp tự ý mua bán, chuyển nhượng, xây dựng công trình trái phép. Chỉ tính từ cuối năm 2007 đến tháng 5-2008, đã có trên 200 hộ xây dựng nhà trái phép với nhiều hecta đất nông nghiệp bị lấn chiếm. Trong đó, có nhiều trường hợp tái phạm...
Tương tự, tại xã Phú Lương, TP Hà Đông, chỉ từ đầu tháng 4 đến cuối tháng 5-2008, cơ quan chức năng đã phát hiện 20 trường hợp tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp, xây dựng công trình trái phép...
Buông lỏng quản lý
Trước tình hình này, TP Hà Đông đã thành lập tổ kiểm tra công tác quản lý, sử dụng đất đai tại một số xã do Phó chánh Thanh tra TP Hà Đông, ông Đỗ Đức Phương, làm tổ trưởng. Ông Phương cho biết tổ đã kiểm tra và thống nhất với UBND các xã là cần làm điểm cưỡng chế tháo dỡ một số công trình xây dựng trái phép.
Đồng thời, lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính đối với toàn bộ các trường hợp vi phạm còn lại để cưỡng chế tháo dỡ. Tuy nhiên, cho đến nay, tại nhiều điểm nóng vi phạm vẫn chưa có công trình vi phạm nào bị cưỡng chế.
Trong khi đó, Bí thư Đảng ủy xã Dương Nội, ông Trịnh Bá Nhân, thừa nhận tuy đã tiến hành, song việc quản lý đất đai, xử lý vi phạm vẫn còn yếu kém. UBND xã Dương Nội đã buông lỏng công tác quản lý. Theo ông Nhân, các vi phạm thường chậm được phát hiện, chậm xử lý. “Trong quá trình xử lý vụ việc không kịp thời, nảy sinh hiện tượng tiêu cực như hối lộ”- ông Nhân cho biết.
Theo đại diện chủ đầu tư một dự án đô thị trải dài qua 3-4 xã của TP Hà Đông, tại Dương Nội, chính quyền tỏ ra bất lực để một bộ phận người dân bị cò đất lôi kéo, kích động lấn chiếm đất công, xây dựng công trình trái phép làm chậm tiến độ các dự án. “Hiện người dân ở đây đang có suy nghĩ rằng nếu đồng loạt lấn chiếm thì chính quyền sẽ không đủ năng lực dẹp bỏ. Nếu chính quyền địa phương quyết liệt xử lý ngay từ đầu thì đã không loạn như bây giờ” - ông này nhận xét.
Để giải quyết tình hình, Thường trực Tỉnh ủy Hà Tây cũng đã có văn bản về xử lý vi phạm trong quản lý trật tự xây dựng, đất đai tại TP Hà Đông. Thành ủy, UBND TP Hà Đông; Đảng ủy, UBND các xã Dương Nội, Yên Nghĩa... cũng chỉ đạo các cơ quan chức năng làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho nhân dân; tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm minh các cán bộ, đảng viên vi phạm công tác quản lý, sử dụng đất đai; kiên quyết xử lý các đối tượng có hành vi lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép...
TP Hà Nội lo đối phó
UBND TP Hà Nội cũng đã ban hành quyết định nêu rõ sẽ không công nhận quyền sử dụng đất, không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và thu hồi toàn bộ diện tích đất do lấn chiếm và đất được giao, cho thuê không đúng thẩm quyền kể từ ngày 1-7-2004 trở về sau.
Một lãnh đạo TP Hà Nội cho biết TP đã nhận rõ nguy cơ lộn xộn đất đai ở Hà Tây sẽ xảy ra khi nhập về Hà Nội nên vừa ra thêm quyết định, trong đó quy định trường hợp nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp nhưng không phải là người trực tiếp sản xuất nông nghiệp thì không thuộc diện được bồi thường bằng đất, nhà chung cư hoặc bằng tiền.
Theo Người Lao Động
- 393
- By Admin
- 17/06/2008
- 17