Sụt lún ở Tp.HCM: Lỗi do quy hoạch?
Sụt lún: Lỗi của bài toán quy hoạch?Theo Trung tâm Địa tin học thuộc Khu công nghệ phần mềm ĐH Quốc gia Tp.HCM, hiện nhiều khu vực tại Tp.HCM đã bị lún trung bình 20-30 cm, có nơi bị lún đến 50 cm.
Nhiều xã, phường trên địa bàn 14 quận, huyện (các quận 6, 7, 8, 9, 11, 12, Tân Phú, Bình Tân, Gò Vấp, Bình Thạnh, Thủ Đức và các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè) có tốc độ lún nhanh (7-10 mm/năm); 67 phường, xã thuộc 17 quận, huyện có tốc độ lún khá nhanh (trên 10 mm/năm).
Nhiều con đường ở Tp.HCM đang dần bị lún. Ảnh: H. T |
Một số khu vực có tốc độ lún đáng báo động: trên 15 mm/năm như các quận 6, 8; các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè và vùng có tốc độ đô thị hóa nhanh (các quận 2, 7, 9, 12, Tân Phú, Bình Thạnh và Thủ Đức).
GS Lê Huy Bá, Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ & Quản lý môi trường, ĐH Công nghiệp Tp.HCM cho rằng, nguyên nhân chính của tình trạng trên là việc khai thác nước ngầm quá mức khiến mực nước ngầm ngày càng thấp, trong khi áp lực từ các công trình xây dựng bên trên ngày càng lớn khiến mặt đất bị ép gây lún. Mặt khác, do kết cấu nền đất của Tp.HCM là lớp phù sa mới nằm trên phù sa cổ nên nền đất rất yếu.
Khó chống sụt lún
GS Lê Huy Bá cho hay, sụt lún có thể gây ra những hậu quả nặng nề như làm hư hại hoặc rút ngắn tuổi thọ nhiều công trình giao thông, xây dựng, kiến trúc; tình trạng ngập, lụt ngày càng gia tăng. Lún còn có thể gây hư hỏng các công trình ngầm như tuyến đường tàu điện ngầm hình thành trong tương lai.
Đặc biệt, lún sẽ khiến các công trình cao tầng nghiêng, rung, lắc khi xảy ra động đất.
Sụt lún khiến tình trạng ngập, lụt ngày càng gia tăng. Ảnh: H. T |
Theo GS Bá, muốn triển khai các dự án chống sụt lún, trước hết, cần lập lại bản đồ địa mạo thổ nhưỡng ở tầng sâu và bản đồ địa chất nền. Nghĩa là cần xác định được những địa điểm nào vốn là nền sông, vũng, vịnh…Mặt khác, cần định vị lại những mảng đất sẽ được xây dựng.
Với những vùng đã bị sụt lún nghiêm trọng, có thể triển khai phương pháp chống lún bằng các phương pháp như đóng cọc bê tông, phun bê tông xuống lòng đất…Tuy nhiên, đây là những phương pháp thủ công cổ điển rất tốn kém.
“Với những nơi có nền đất yếu như Tp.HCM, việc chống sụt, lún trên phạm vi rộng là rất khó”, GS Bá khẳng định.
Trước nguy cơ sụt lún đang diễn ra ở nhiều nơi trên địa bàn Tp.HCM, năm 2007, Sở TNMT tham mưu cho UBND Tp.HCM ban hành Quyết định số 69 hạn chế và cấm khai thác nước dưới đất tại một số khu vực trên địa bàn.
Tuy nhiên, đối với những khu dân cư mới đang trong quá trình đô thị hóa chưa có hệ thống cung cấp nước sạch, cơ quan chức năng rất khó xử lý bởi khai thác nước ngầm là nhu cầu chính đáng của người dân.
(Theo KH&ĐS)
- 0
- By Admin
- 11/10/2010
- 17