Sức ép lớn về vốn cho các dự án BĐS 2010
Sức ép vốn từ ngân hàngKhởi đầu năm 2010, thị trường BĐS đón nhận một tin không mấy lạc quan đó là các ngân hàng phải cắt giảm tỷ lệ huy động vốn ngắn hạn dành cho vay dài hạn từ 40% xuống 30%.
Chính sách này được dự báo sẽ có tác động lâu dài lên thị trường BĐS vì tín dụng dành cho BĐS chủ yếu trung và dài hạn, hệ thống ngân hàng khó có thể thực hiện vai trò hỗ trợ thị trường BĐS. Do vậy, thị trường BĐS trong năm 2010 khó có thể biến động lớn.
Sức ép lớn về vốn cho các dự án trong năm 2010.
Ông Nguyễn Trần Nam - Thứ trưởng Bộ Xây dựng cũng chia sẻ với các nhà đầu tư về những khó khăn trong lĩnh vực tài chính mà quan trọng nhất là sức ép về vốn trong năm nay lên các dự án rất lớn.
Theo ông Nam, rất nhiều doanh nghiệp BĐS lâu nay thường trông chờ nguồn vốn vào ngân hàng. Tuy nhiên, nguồn vốn cho BĐS đòi hỏi lượng tiền khổng lồ và dài hạn.
Trong khi đó, các ngân hàng thương mại hiện chỉ cho vay tối đa là 10 năm. Mức dư nợ trong tổng dư nợ của ngân hàng dành cho BĐS thường khống chế tối đa khoảng 10%.
“Mặt khác, kinh tế toàn cầu năm 2010 chưa hồi phục hoàn toàn khiến nhiều nhà đầu tư còn e dè khi đổ vốn vào BĐS” - đây là nhận định của GS. TSKH Đặng Hùng Võ. Theo ông Võ, qua những biến động trong năm 2009, nguồn tiền nhàn rỗi của dân không thể phát huy tác dụng bởi họ còn đang nghe ngóng thị trường…
Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Huynh cho rằng, việc định hướng và vận dụng chứng khoán hóa BĐS là cực kỳ cần thiết để khơi thông nguồn vốn. Nhưng ông Hiển cũng nhận định, sẽ khó thực hiện chứng khoán hóa BĐS trong năm 2010 vì hành lang pháp lý còn hạn chế.
Do vậy, nguồn vốn dành cho BĐS vẫn còn khan hiếm, nhà đầu tư sẽ còn vất vả trong việc tìm kiếm nguồn tài chính khi tín dụng cho vay BĐS vẫn bị thắt chặt.
Mỗi khi có xảy ra vấn đề khủng hoảng hay khó khăn, nhạy cảm tài chính thì lĩnh vực đầu tiên bị siết lại tín dụng đó là BĐS. Nếu chỉ trông vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng thì khó phát triển nhanh được.
Cần huy động nhiều nguồn vốn khác
Trước tình hình đó, theo Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam, cần phải mở ra nhiều nguồn vốn khác như các quỹ đầu tư, quỹ tín thác, quỹ tiết kiệm và nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài. Đặc biệt, cần có cơ chế tạo điều kiện cho các doanh nghiệp huy động nguồn vốn một cách hợp lý từ nhân dân.
Không cần phải tranh cãi về việc muốn phát triển thị trường BĐS thì cần có nguồn tài chính ổn định. Nhưng nhìn nhận về thị trường BĐS, TS Vũ Đình Ánh - Phó viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học thị trường và giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, vẫn còn nhiều nguồn vốn nóng đổ vào thị trường BĐS.
Sự tham gia của nguồn vốn nóng gây nguy cơ bất ổn cho thị trường. Khi có một phân khúc hay địa bàn nào đó được nhà đầu tư đổ dồn vào thì giá BĐS tăng quá mức, thậm chí lên mức giá ảo. Ngược lại, khi nguồn vốn nóng rút ra, thị trường lập tức rơi vào tình trạng đóng băng.
“Bởi vậy, cần kết hợp chặt chẽ giữa thị trường BĐS và thị trường tài chính. Có được sự kết hợp này sẽ tránh được những cú sốc cho thị trường” - ông Ánh nói.
Nếu như năm 2009 được giới chuyên môn đánh giá là có nhiều bất ổn thì năm 2010, nhiều ý kiến cho rằng thị trường sẽ bật dậy nhưng theo chiều hướng chậm, chắc và theo từng giai đoạn bởi nguồn cung sẽ phong phú và dồi dào.
Trong đó, riêng tại TPHCM dự kiến sẽ có trên 12.000 căn hộ ra đời, Hà Nội cũng sẽ xảy ra tình trạng tương tự. Việc thu hẹp khoảng cách giữa cung và cầu cũng sẽ tạo ra điều kiện cho người dân có cơ hội tiếp cận với nhà ở.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, nếu tạo cơ chế huy động vốn linh hoạt cho doanh nghiệp cũng chính là tạo cơ hội cho người dân được mua nhà ở với giá hợp lý hơn.
Nhiều ý kiến cho rằng, chúng ta không nên quá nghi ngờ về hiệu quả gián tiếp tới người dân khi các doanh nghiệp được tạo điều kiện huy động vốn. Vấn đề ở đây là cách quản lý như thế nào. Xem ra, sức ép về vốn đối với các dự án có thể coi là trở ngại lớn nhất đối với các doanh nghiệp BĐS hiện nay.
Theo Dân Trí
- 251
- By Admin
- 06/02/2010
- 17