Sửa đổi một số điều Luật Đất đai: Phải biết nghe dân
* Thưa ông, có ý kiến cho rằng lý do phải hoãn lại việc trình QH sửa đổi Luật Đất đai là vì quan điểm về nhiều lĩnh vực chưa ngã ngũ, đặc biệt là chưa lường hết những tác động sau khi Việt Nam gia nhập WTO. Ông có theo dõi điều này?
Ông Đặng Hùng Võ: Xuất phát từ bối cảnh thực tế, theo tôi việc có ý kiến ngược nhau 50/50 cũng có lý. Chẳng hạn, vừa rồi tại hội thảo đánh giá 2 năm gia nhập WTO do Bộ Công thương tổ chức, nhiều ý kiến cho rằng chúng ta chưa thể hiện hết ý tưởng khi đã là thành viên của WTO thì hoàn cảnh hội nhập khác trước đây; yêu cầu đầu tư phát triển gắn với bền vững cũng chưa bắt kịp sự phát triển.
Hơn nữa, đây cũng là lúc nền kinh tế thế giới đang suy thoái, Việt Nam cũng có những khó khăn… Tức là chúng ta cần xem xét rộng hơn, triệt để hơn, tạo thành môi trường pháp lý về đất đai phù hợp hơn với nhu cầu phát triển.
* Vậy theo ông, nên sửa đổi như thế nào cho phù hợp với xu thế hội nhập cũng như giải quyết những vấn đề an sinh xã hội?
Ông Đặng Hùng Võ.
Nhưng các văn bản này phải chờ đến giai đoạn sau sửa đổi luật mới xử lý. Điều quan trọng hơn, theo tôi có thể xử lý ngay bây giờ là, vấn đề quy hoạch, lĩnh vực đang tồn tại rất nhiều vấn đề “nóng”. Hệ thống pháp luật hiện nay đưa ra quy hoạch chưa phù hợp với nhu cầu phát triển bền vững.
Vấn đề môi trường phát sinh cũng từ quy hoạch. Lúc này, chúng ta cần đặt vấn đề quy hoạch sao cho phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội hiện nay. Đây là quan điểm quy hoạch, phương pháp luận quy hoạch.
Điểm tiếp tục cũng cần phải sửa gấp là, hệ thống tài chính đất đai. Hiện nay vướng mắc nhất là chúng ta xây dựng hệ thống một giá đất, giá đất nhà nước quy định bằng giá thị trường để xử lý hàng loạt vấn đề như giao đất có thu tiền, bồi thường về đất khi nhà nước thu hồi đất, cổ phần hóa doanh nghiệp… không căn cứ vào giá đất do UBND cấp tỉnh quy định.
Nhưng làm thế nào để định giá đất theo thị trường? Đây là bài toán cần giải quyết, chứ nếu giá đất trên thị trường mà cũng do một quyết định hành chính của UBND thì không có ý nghĩa! Xã hội hóa công tác định giá là rất đúng, nhưng quy trình thủ tục để làm ra giá đất theo thị trường thì chúng ta phải làm; phán quyết cuối cùng về giá đất là của ai, của trọng tài hay tòa án cũng cần phân định rõ?
Một điểm bất hợp lý nữa là thuế sử dụng đất, chúng ta thấy rằng nó lơi lỏng, không còn phù hợp thực tế… Làm thế nào để chúng ta ngăn chặn được nạn đầu cơ, điều chỉnh luồng vốn từ các khu vực khác nhau để đổ vào bao nhiêu phần cho phát triển bất động sản, bao nhiêu phần cho sản xuất kinh doanh…
Tất cả điều đó chúng ta đang để trống đối với thuế sử dụng đất phi nông nghiệp. Rồi một thời gian khá dài, từ khi chúng ta tính thuế theo thóc đến nay vẫn chưa có thay đổi nào quan trọng, chưa có gì đổi mới.
Cuối cùng là hệ thống đăng ký. Đó là nền tảng để chúng ta minh bạch hóa, công khai hóa bất động sản, nhưng hiện nay mặc dù Quốc hội đã ra nghị quyết xác lập một hệ thống đăng ký thì vẫn đang tồn tại 2 hệ thống đăng ký, một hệ thống cho đất có nhà ở (sổ hồng) và một hệ thống cho đất không có nhà ở (sổ đỏ). Đó là những điểm mà tôi cho rằng rất nóng, cần phải xử lý ngay.
* Nhưng thưa ông, những điều đó, nếu phải sửa trong một thời gian ngắn, e rằng khó hoàn thiện?
Tôi cho rằng, việc gì nóng, cốt lõi thì chúng ta tập trung giải quyết trước. Ví dụ như giá đất theo thị trường, lúc này mà không có một hệ thống định giá thì làm sao chúng ta tính được giá đất thị trường để điều chỉnh những mối quan hệ? Hoặc chúng ta không cần có nghị định khái quát mà có nghị định về giá đất theo thị trường, hoặc một nghị định riêng về đổi mới việc quy hoạch sử dụng đất…
Về phương pháp triển khai, có thể mời chuyên gia nước ngoài vào làm với chúng ta để thay đổi tư duy về phương pháp luận, học tập kinh nghiệm từ các nước và tập trung những người trong nước có kinh nghiệm thì tôi cho rằng sẽ không tốn quá nhiều thời gian. Làm sao trong thời gian ngắn, chúng ta có thể đồng bộ đưa ra hướng giải quyết căn cơ nhiều vấn đề khác nhau thì sẽ hiệu quả hơn.
* Lâu nay người dân là chủ thể của vấn đề khiếu kiện đất đai. Theo ông, khi sửa đổi luật, việc hết sức cần thiết là phải tham khảo ý kiến họ?
Tôi nhất trí hoàn toàn quan điểm này. Tôi cho rằng chúng ta nghe chính quyền địa phương là một vế, nghe doanh nghiệp là vế thứ hai và phải nghe dân là vế thứ ba. Có người hỏi tôi nghe dân là nghe ai, tôi bảo rằng không thiếu gì cách. Nghe dân qua phương tiện thông tin đại chúng, thông qua Hội đồng nhân dân, qua các hội nghị, hoặc dân gửi thư trực tiếp.
Một điểm quan trọng nhất là nghe dân qua các ý kiến khiếu kiện về đất đai. Đó là điểm nóng, rất sát sườn và họ phát biểu là có quyền lợi của họ và chắc chắn họ nghiên cứu rất kỹ. Tôi cho rằng đó là nguồn rất quan trọng để chúng ta xem lại pháp luật có gì vênh không, quy định của chúng ta có thiếu gì không, bất cập như thế nào!
Theo SGGP
- 0
- By Admin
- 04/02/2009
- 17