Sửa đổi Luật Nhà ở: Vẫn cân nhắc "mở" cho người nước ngoài
Theo dự thảo trình Quốc hội lần đầu này, có 9 nhóm vấn đề cần được thảo luận, làm rõ thêm như nhà ở cho người nước ngoài, đánh giá tác động của chính sách này, chính sách phát triển nhà ở công vụ, chính sách tài chính cho phát triển nhà ở, quỹ nhà xã hội, thời hạn sử dụng nhà chung cư, thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai...
Một vấn đề mới mà dự luật lần này đưa vào là mở rộng diện sở hữu nhà ở cho các đối tượng nước ngoài. Theo đó, cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài khi được phép về Việt Nam thì được sở hữu nhà ở như công dân Việt Nam ở trong nước, không phân biệt loại nhà và số lượng nhà ở được sở hữu.
Đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài, trừ các tổ chức và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực ngoại giao, tổ chức phi Chính phủ khi được phép vào Việt Nam làm việc thì được mua và sở hữu nhà ở trong các dự án đầu tư xây dựng nhà ở (bao gồm căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ), kể cả nhà ở trong khu du lịch, sinh thái, nghỉ dưỡng.
Tuy nhiên, theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM, chúng ta không nên mở rộng cho người nước ngoài được mua nhà đơn lẻ, biệt thự tại Việt Nam.
Nhiều đại biểu ủng hộ hướng mở rộng này, nhưng đề nghị cần quy định chặt chẽ điều kiện được mua nhà. “Để đảm bảo an ninh quốc gia, tránh trường hợp lợi dụng chính sách này gây lũng đoạn thị trường bất động sản thì nên có có thêm một số quy định, điều kiện khác. Chẳng hạn như là phải cư trú từ 3 tháng trở lên mới được sở hữu nhà” – đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) nói.
Đại biểu này cũng đề nghị không nên cho phép mua cả chung cư hay mua số lượng lớn nhà ở tập trung vào một khu vực. Ngoài ra, cũng có ý kiến đại biểu đề nghị cân nhắc xem mở rộng quá liệu có dẫn đến tình trạng cạnh tranh nhà ở với với những đối tượng thực sự có nhu cầu nhà ở trong nước?
Về thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai, đây là nhu cầu thực tiễn của chủ sở hữu nhà, song với quy định tại Dự thảo thì cả chủ đầu tư và và người mua các căn hộ đều có quyền thế chấp. Do đó, có đại biểu đề nghị nghiên cứu thêm và cân nhắc quy định vì thực tiễn hiện này có nhiều tranh chấp phát sinh từ việc thế chấp nhiều lần.
Quy định như vậy dễ dẫn đến cả chủ đầu tư và người mua đều thế chấp nhà, căn hộ. Bởi dù luật quy định chủ đầu tư phải thực hiện giải chấp mới được bán, nhưng người mua không thể biết đã giải chấp chưa. Hơn nữa, khi căn nhà còn nằm trên giấy thì nhà nước cũng thể biết.
Đại biểu Đinh Thị Mai Lan (Cao Bằng) đề nghị đơn giản hóa thủ tục khi cấp giấy tờ sở hữu nhà ở. Dự thảo quy định với nhà ở đã qua giao dịch nhiều lần nhưng chưa có giấy tờ sở hữu thì người xin cấp giấy tờ sở hữu phải xuất trình hộ khẩu và CMND của người sở hữu đầu tiên. Đây là quy định rất khó cho người mua cuối, đề nghị nên quy định đơn giản, chỉ yêu cầu người xin cấp giấy tờ sở hữu xuất tình các giấy tờ giao dịch trước đó và giấy tờ nhân thân của họ là đủ.
Liên quan đến nhà công vụ, nhiều đại biểu cho rằng, tình trạng quản lý, sử dụng nhà công vục hiện còn nhiều bất cập. Nhiều trường hợp sử dụng nhà không đúng đối tượng, sai mục đích, không đủ tiêu chuẩn tạo dư luận không tốt.
Có ý kiến cho rằng, chính sách này không đảm bảo công bằng xã hội. Nhà công vụ thực chất là bao cấp nhà giá rẻ cho một số đối tượng trong khi nhiều công chức trẻ khó khăn, ở vùng sâu vùng xa chưa có nhà ở thì không được sử dụng nhà công vụ.
Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng, nhà công vụ phải hướng tới phục vụ mọi đối tượng. Trường hợp nếu ngân sách chưa đủ tài chính để đảm bảo thì đối tượng sử dụng nhà ở công vụ thì chỉ nên là các lãnh đạo cấp cao, cần bảo vệ an ninh còn lại khoán đưa vào tiền lương để họ tự lo nhà ở. Như vậy, ngân sách không tốn tiền, giá trị đất cho nhà công vụ có thể dùng vào việc khác và không phải duy trì một cơ quan quản lý nhà công vụ, tránh những biến tướng nhà công vụ thành nhà riêng.
Ngoài ra, có ý kiến đề nghị làm rõ thêm nghĩa vụ của người sử dụng nhà công vụ, dự thảo chưa quy định về trường hợp người sử dụng nhà công vụ thế chấp, thừa kế. Nên quy định thêm là không được thừa kế, thế chấp.
Theo đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên), người có nhà ở hợp pháp có quyền sở hữu với nhà ở, nhưng đại biểu còn băn khoăn nếu là người thuê, người sử dụng nhà công vụ, nhà được ủy quyền để sử dụng nhà… Đây là có nhà ở hợp pháp, nhưng liệu có quyền sở hữu hay không? Vì vậy, nên quy định công dân có quyền sở hữu nhà ở theo quy định pháp luật.
Còn quy định, khi được giao đất tái định cư thì người dân được tự xây nhà ở theo quy định pháp luật nếu có. Theo đại biểu, không thể quy định nếu có, mà phải là được quy định.
Cũng trong sáng nay, Quốc hội đã bỏ phiếu thông qua Luật Đầu tư công. Luật được thông qua đã được chỉnh sửa một số nội dung theo góp ý của đại biểu. Ví dụ, về công khai, minh bạch trong hoạt động đầu tư, Luật đã được chỉnh sửa theo hướng quy định rõ trình tự, các nội dung phải thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động đầu tư công. Làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải thực hiện việc công khai các nội dung đầu tư công theo quy định của pháp luật.
Đánh giá hiệu quả đầu tư là một yêu cầu rất quan trọng đối với các chương trình, dự án đầu tư công. Mỗi chương trình, dự án do các mục tiêu khác nhau nên việc đánh giá hiệu quả các chương trình, dự án sẽ khác nhau. Luật đã bổ sung yêu cầu tính toán cụ thể hiệu quả đầu tư về kinh tế - xã hội của chương trình, dự án.
Xem video liên quan:
- 125
- By Admin
- 18/06/2014
- 17