Sửa Luật Nhà ở: Đừng để quyền của công dân bị hạn chế bởi văn bản dưới luật
Ông thấy Luật Nhà ở sửa đổi lần này còn điểm nào chưa hợp lý?
ông Trần Ngọc Vinh, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hải Phòng |
- Thứ nhất, Dự thảo Luật quy định rằng, nhà ở là công trình xây dựng với mục đích để ở và sử dụng vào các mục đích khác mà pháp luật không cấm của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân. Nhà ở quy định tại luật này bao gồm nhà ở riêng lẻ và nhà ở chung cư. Trong khi đó, Hiến pháp 2013 đã quy định quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng. Do đó, tôi cho rằng cần làm rõ quy định sử dụng vào những mục đích khác trong luật là những mục đích gì? và cần phải quy định rõ đầy đủ mục đích sử dụng khác ở ngay trong luật. Bởi lẽ, nếu không làm rõ được quy định, sử dụng vào mục đích khác mà pháp luật không cấm sẽ có thể dẫn đến quyền của chủ sở hữu bị hạn chế, khi có quy định cấm của văn bản dưới luật.
Thứ hai, về những hành vi bị cấm trong phát triển, quản lý, sử dụng nhà ở tôi cho rằng thiếu tính khả thi. Vì trên thực tế, việc sử dụng nhà ở của hộ gia đình, cá nhân ở nước ta đều kết hợp giữa mục đích ở với hoạt động kinh doanh nhỏ để phát triển kinh tế gia đình. Do vậy, quy định như trong luật sẽ không khả thi và chưa hợp lý. Theo quy định nếu các hộ gia đình không tuân thủ các quy định của pháp luật về điều kiện kinh doanh và không được sự cho phép của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định thì đương nhiên không được phép kinh doanh nên không cần phải cấm. Ngoài ra, với các loại hình kinh doanh vật liệu cháy nổ, kinh doanh các dịch vụ gây ô nhiễm môi trường, tiếng ồn cũng là loại kinh doanh có điều kiện nên phải tuân thủ các điều kiện. Vì vậy, quy định cấm ở đây là thừa. Theo tôi chỉ cần quy định ngắn gọn cấm các hình thức kinh doanh trái phép hoặc bị cấm tại nhà ở và chung cư là đủ.
Thời gian qua, dư luận xã hội cũng như cử tri có nhiều ý kiến về vấn đề sử dụng nhà công vụ. Nhưng Luật Nhà ở sửa đổi lần này vẫn quy định theo hướng phát triển nhà ở công vụ. Cá nhân ông thấy sao?
- Đúng là trong thời gian qua, việc quản lý, sử dụng nhà công vụ còn nhiều bất cập dẫn đến tình trạng sử dụng nhà công vụ không đúng đối tượng, sai mục đích hoặc nhiều người không đủ tiêu chuẩn vẫn được ở nhà công vụ. Chính điều này đã gây dư luận không tốt trong xã hội. Nhiều cử tri cũng cho rằng chính sách này không đảm bảo công bằng xã hội. Tôi thấy hình như luật hiện nay đang có xu hướng hướng tới phục vụ cho một số ít đối tượng chứ không nhằm vào đối tượng phổ thông. Vậy tại sao chúng ta không tiếp cận vấn đề phát triển nhà công vụ nhằm hướng tới mọi đối tượng thực hiện công vụ, thay vì chỉ phục vụ một số đối tượng nhất định.
Cần quy định chặt chẽ trong Luật để thị trường nhà đất phát triển lành mạnh |
Theo tôi chúng ta không cần phải duy trì một cơ quan quản lý về nhà ở công vụ. Như thế sẽ tiết kiệm chi phí, vừa chấm dứt tình trạng biến tướng nhà công vụ chuyển thành nhà ở cá nhân. Nhưng có điều còn quan trọng hơn đó là dự thảo luật quy định về nghĩa vụ của người thuê nhà công vụ là còn thiếu. Nếu xảy ra trường hợp họ thế chấp hoặc thừa kế thì sẽ thế nào? giải quyết ra sao? Vì vậy, tôi cho rằng, phải quy định không chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, thế chấp, bảo lãnh cho bên thứ ba vay vốn hoặc cho mượn, cho thuê nhà ở. Có như thế mới chặt chẽ, tránh xảy ra những sai sót đáng tiếc như trong thời gian qua, khiến bức xúc trong cử tri cũng như nhân dân.
Dự thảo luật quy định cả hai đối tượng là chủ đầu tư và người mua cùng có quyền thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai. Như vậy có ổn không thưa ông?
- Vấn đề này cần phải được nghiên cứu một cách thấu đáo. Bởi lẽ xuất phát từ tình hình thực tiễn quản lý nhà ở hiện nay quy định như vậy rất dễ dẫn đến tình trạng cả hai đối tượng cùng thế chấp một nhà ở trong dự án xây dựng. Vì người mua khó có thể biết được chủ đầu tư đã giải chấp đối với nhà ở mà chủ đầu tư đã bán? Còn ở góc độ quản lý, khi nhà ở còn nằm trên giấy thì Nhà nước cũng không biết được lịch sử của căn nhà, không biết được chủ đầu tư bán cho bao nhiêu người? Cho nên theo tôi vấn đề này cần phải xem xét lại.
Trong Luật Nhà ở sửa đổi lần này có một điểm mới theo hướng mở, đó là cho phép tổ chức, cá nhân người nước ngoài được mua nhà tại Việt Nam. Nhưng bên cạnh đó, có nhiều ý kiến cho rằng phải có những điều kiện kèm theo chứ không phải mở hoàn toàn?
- Quan điểm cá nhân tôi là đồng tình với quy định của dự thảo luật là cho phép các cá nhân nước ngoài được nhập cảnh vào Việt Nam, nếu có nhu cầu đều có quyền mua và sở hữu nhà ở. Nhưng để đảm bảo quốc phòng, an ninh quốc gia, đồng thời hạn chế các trường hợp lợi dụng chính sách của nhà nước về nhà ở gây lũng loạn thị trường bất động sản, cũng như tăng cường công tác quản lý nhà nước về nhà ở, thì chúng ta cũng cần nghiên cứu bổ sung quy định về đảm bảo điều kiện chặt chẽ hơn đối với người nước ngoài sở hữu tại Việt Nam. Ví dụ như cho cá nhân người nước ngoài được phép cư trú tại Việt Nam từ 3 tháng trở lên mới được sở hữu nhà; hay không cho phép họ mua cả chung cư, hoặc mua một số lượng lớn tập trung vào khu vực nhất định, nếu không e sẽ trở thành "vùng nước ngoài”.
Trân trọng cảm ơn ông!.
- 0
- By Admin
- 23/06/2014
- 17