Sửa Luật Đất đai: Thu hồi đất, phải bồi thường cả sinh kế
Sáng nay (21/10), Quốc hội khóa XIII nước Cộng hòa XHCN Việt Nam khai mạc trọng thể kỳ họp thứ 6 tại Thủ đô Hà Nội. Theo chương trình, tại kỳ họp này (từ ngày 21/10 đến ngày 30/11), Quốc hội sẽ xem xét để thông qua Luật Đất đai sửa đổi. Trong dự thảo Luật Đất đai sửa đổi lần này, về chính sách thù hồi đất và bồi thường hỗ trợ tái định cư, vẫn có nhiều ý kiến cho rằng, cần tiếp tục có nhiều điều chỉnh cho sát thực tiễn hơn.
Đất đai không chỉ là tài sản...
Theo Liên minh Đất đai (LANDA), Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi gần như chưa có điều chỉnh phù hợp về chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Các điều khoản liên quan trong Dự thảo chỉ được xây dựng trên cơ sở Luật hiện hành và luật hóa một số điều của các nghị định hiện hành. Điều này chắc chắn là dự báo cho những bức xúc đất đai trong xã hội tiếp tục gia tăng. Vì thế, LANDA kiến nghị rằng, “việc đổi mới công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là một nhiệm vụ hàng đầu trong xây dựng Luật Đất đai sửa đổi”.
Luật Đất đai sửa đổi cần quy định bồi thường thu hồi đất gồm cả tài sản và sinh kế cho người bị thu hồi đất |
Trên tinh thần đó, Liên minh Đất đai đề nghị rằng, bồi thường về đất không chỉ với tư cách là tài sản mà còn là tài nguyên và tư liệu sản xuất. Ông Nguyễn Đức Thịnh, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Cộng đồng Nông thôn (điều phối viên của LANDA), phân tích: Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi vẫn giữ nguyên tắc khi Nhà nước lấy đất thì bồi thường bằng đất cùng loại, nếu không có đất cùng loại thì bồi thường bằng tiền với giá trị tương đương. Cách tiếp cận này xuất phát từ quan niệm đơn giản coi đất đai chỉ đơn thuần là tài sản, có thể được trả thay bằng tiền bồi thường để mua được một thửa đất tương đương.
Trên thực tế, ông Thịnh cho rằng, ngoài ý nghĩa là tài sản, đất đai còn là tài nguyên thiên nhiên, là tư liệu sản xuất và nguồn sống của con người. Như vậy, khi đất là tài nguyên thiên nhiên mà nhà đầu tư lấy đất là làm mất tài nguyên thì phải bồi thường cho Nhà nước tiền để khôi phục tài nguyên đó.
Với cơ chế này, theo ông Thịnh, sẽ hạn chế được tình trạng sử dụng đất lúa, đất rừng tự nhiên vào thực hiện các dự án đầu tư. Đặc biệt, “khi đất đai nông nghiệp là tư liệu sản xuất nông nghiệp của nông dân hoặc đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp là tư liệu sản xuất phi nông nghiệp, nhà đầu tư muốn có đất thì ngoài việc bồi thường giá trị như một tài sản còn phải bồi thường về thu nhập, sinh kế cho người mất đất”- ông Thịnh nhấn mạnh.
Nếu nhà đầu tư lấy đất mà chỉ trả người mất đất một khoản hỗ trợ trong thời gian nhất định, ông Thịnh cho rằng, đó là phó mặc việc tìm sinh kế mới cho người mất đất tự lo. Vì thế, nhà đầu tư cần phải được yêu cầu cùng bàn bạc với người mất đất về cơ hội tìm sinh kế mới cho họ. Cần có quy định sao cho càng để lâu, chi phí bồi thường càng lớn, để bắt buộc nhà đầu tư không thể trì hoãn.
Phải bồi thường cả sinh kế
Đồng quan điểm đất đai không chỉ là tài sản mà còn là sinh kế, tư liệu sản xuất, ông Phạm Quang Tú, Phó Viện trưởng Viện Tư vấn Phát triển (CODE) đề nghị: Luật Đất đai sửa đổi phải quy định, khi thu hồi đất, phải có thỏa thuận với cộng đồng, cần tối thiểu 70% người dân đồng ý, trong đó cần 50% sự đồng thuận của cộng đồng, còn 20% là thỏa thuận với cá nhân. Điều này nhằm đảm bảo cả quyền của cộng đồng và quyền của cá nhân trong việc chưng mua, thu hồi đất.
GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường: “Việt Nam nên vận dụng cơ chế “góp đất” thay vì việc Nhà nước thu hồi đất hoặc các bên mặc cả với nhau để thu hồi đất. Áp dụng cơ chế góp đất sẽ đổi mới cơ chế cứng nhắc đang thực hiện là Nhà nước thu hồi đất. Cơ chế mới này có thể áp dụng tốt cho việc phát triển đô thị, phát triển giao thông, thủy điện, khai thác mỏ.... Cơ chế góp đất được nhiều nước như Hàn Quốc, Nhật, Indonesia, Thái Lan, Nepan... đã và đang áp dụng hiệu quả”. |
Ông Tú phân tích: “Thời gian qua, doanh nghiệp tham gia vào dự án, khi thực hiện thu hồi đất đai, tái định cư chỉ chằm chằm tìm cách để người dân ký nhận vào thu hồi tái định cư xong là xong. Sau đó, họ bỏ đi, mặc bà con sống, ít quan tâm đến sinh kế ra sao. Vì thực tế về tái định cư, đặc biệt là liên quan đến các dự án thủy lợi, thủy điện, cho thấy, gần như người dân gặp rất nhiều khó khăn sau khi tái định cư”.
Do đó, bên cạnh việc bồi thường về tài sản, ông Tú đề nghị Luật cần quy định “yêu cầu nhà đầu tư đảm bảo đưa ra phương án để cùng người dân có sinh kế mới có thể đảm bảo cuộc sống của họ, ít nhất là bằng cuộc sống trước khi tái định cư”. Bởi vì, theo nghiên cứu của ông Tú, người dân nhận tiền bồi thường tái định cư thường chỉ một thời gian sau là tiêu hết tiền. Thậm chí, có tình trạng sử dụng tiền không đúng mục đích, phát sinh tệ nạn xã hội. “Lỗi này không phải của người dân mà của người thu hồi đất, trao lại tái định cư cho dân nhưng không hướng dẫn, hỗ trợ dân sử dụng tiền cho hiệu quả. Cho nên, cùng với bồi thường, phải có phương án cùng người dân phục hồi sinh kế. Điều này phải được quy định nó nằm trong gói bồi thường hỗ trợ tái định cư”- ông Tú nhấn mạnh.
Vì thế, ông Tú đề nghị: “nếu còn nhiều vấn đề vướng mắc về đất đai nêu trên chưa được giải quyết trong Luật Đất sửa đổi, đề nghị chưa nên thông qua. Dù chúng ta rất nóng lòng có một Luật Đất đai sửa đổi mới để giải quyết các vấn đề tồn tại về đất đai trong thực tiễn, nhưng thà đợi thêm để giải quyết rốt ráo còn hơn lại làm thêm một Luật Đất đai mà không giải quyết được những vấn đề tồn tại hiện nay”.
- 214
- By Admin
- 21/10/2013
- 17