• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Sự đồng điệu với phong cách Monsoon

Nhưng nhịp thở nghệ thuật rộn ràng ấy lại là không gian của một nhà hàng, được chính chủ nhân tự tay thể hiện theo phong cách không phải của doanh nhân, mà là của một người nghệ sĩ.

Sự đồng điệu với phong cách Monsoon | ảnh 1
Khu quầy bar với phong cách nội thất đương đại.

Người nghệ sĩ của không gian Monsson mà tôi muốn nhắc đến chính là Naya Ehrlich-Adam, tôi không thích gọi cô là doanh nhân, dù rằng giới du lịch, khách sạn của một số quốc gia vùng Đông Nam Á đã khá quen thuộc với vai trò cô là nhà điều hành có tiếng trong ngành lữ hành, khách sạn, nhà hàng, hiện đang sở hữu thương hiệu nhà hàng Monsoon ở hai quốc gia Myanmar và Việt Nam. Chưa bao giờ tự nhận mình là nghệ sĩ, nhưng những gì mà Naya thể hiện với Monsoon – nơi cô xem đó là ngôi nhà của mình – lại cho thấy ở đó một không gian mang đầy hơi thở của nghệ thuật đương đại. Naya chia sẻ với KT&ĐS về ngôi nhà của mình.

Ngôi nhà Monsoon

Sự đồng điệu với phong cách Monsoon | ảnh 2
Ghế ăn kiểu truyền thống Việt Nam bên một tác phẩm nhiếp ảnh.
“Tôi sinh ra và lớn lên ở Bangkok, Thái Lan, sống và làm việc ở nhiều quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á. Khi quyết định kinh doanh nhà hàng ở Yangon, Myanmar, tôi trăn trở trong chuyện đặt tên, ban đầu tôi nghĩ đến tên Gạo, bởi các quốc gia Đông Nam Á hầu hết đều ăn Gạo, nhưng nghe nó có vẻ đơn điệu quá. Và vào thời điểm gió mùa năm 2004, tôi nghĩ mình nên đặt tên nhà hàng mình là Monsoon, nếu dịch ra tiếng Thái có nghĩa là Morasum (mùa mưa), còn có nghĩa khác là “trở ngại”. Mùa mưa đem lại nguồn nước, cho vạn vật sinh sôi, và với vai trò là doanh nhân, tôi chắc chắn sẽ gặp những trở ngại nhưng tôi tin vào khả năng của mình, có khó khăn, vất vả, trở ngại thì mới có thành công. Nhà hàng Monsoon ở Yangon hoạt động đến nay đã tám năm, cũng vào thời điểm gió mùa (9.2011), sau hơn ba năm sống ở Việt Nam, tôi quyết định mở Monsoon thứ hai, và tự tay thiết kế, sắp đặt một không gian đặc biệt, là nơi hoà trộn các phong cách nghệ thuật, ẩm thực có nguồn gốc từ năm quốc gia gồm: Thái Lan, Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar.

Mất ba tháng ròng đi tìm một mặt bằng hợp lý ở trung tâm quận 1, khi tìm được mặt bằng rồi, tôi mới bắt đầu nghĩ về phong cách trang trí. Bạn thử tưởng tượng, nếu hình thành một không gian ẩm thực mang một phong cách, cổ điển hoặc hiện đại, hoặc gắn với nét văn hoá chuyên biệt nào đó, ở TP.HCM đã có rất nhiều nhà hàng như thế. Tôi cần phải tìm ra sự độc đáo cho “ngôi nhà” của mình. Tôi rất thích nghệ thuật đương đại, nhưng nếu chỉ áp dụng vào không gian Monsoon bằng trang trí hiện đại, điều đó thật dễ, nhưng sẽ mang lại cảm giác lạnh lùng và dễ đơn điệu với thực khách. Cuối cùng tôi quyết định phối hợp giữa cũ và mới của n quốc gia nơi tôi từng sống để hình thành một không gian của ẩm thực, và của nghệ thuật sắp đặt. Điều này là một thách thức mà tôi rất muốn trải nghiệm khả năng của mình, sau bốn tháng kinh doanh, tôi đã nhận được nhiều phản hồi tốt.

Tôi là một người yêu thích sự tương phản, nếu sự sắp đặt trong nội thất của Monsoon mang chất trẻ trung, tinh nghịch, năng động, thể nghiệm, thì ẩm thực lại mang đậm tính truyền thống, nguyên bản. Quá trình làm việc ở năm quốc gia đã giúp tôi có kinh nghiệm để tổng hoà năm phong vị ẩm thực vào một địa điểm. Chuyên ngành của tôi là quản trị nhà hàng khách sạn, do vậy khi chọn và đào tạo nhân viên bếp ăn, tôi tham gia cùng họ vào việc trang trí, sắp đặt sao cho món ăn không chỉ ngon và giữ được mùi vị nguyên bản, mà còn phải đẹp cả về hình thức”.

Naya cho biết thêm về sự tích hợp nét trẻ trung, năng động vào không gian Monsoon: “TP.HCM là một đô thị phát triển rất nhanh, và tôi muốn vận dụng yếu tố đó vào không gian của mình, đó là sự tiếp nhận cái mới nhưng không loại bỏ mà dung hoà cái cũ. Nó cũng như con người của tôi vậy, tám năm trước đây, tôi là người rất yêu thích sự cổ điển, truyền thống. Nhưng bây giờ tôi thích thay đổi mình, làm quen với nghệ thuật đương đại, thể nghiệm, thể hiện không gian của mình theo ý thích nhưng không quá xa cách với suy nghĩ đương thời. Trong đó phải có sự tương phản giữa cũ và mới, truyền thống, cổ điển nhưng vui nhộn và lạ mắt”.

Nơi ẩm thực và nghệ thuật thăng hoa

Sự đồng điệu với phong cách Monsoon | ảnh 3
Chiếc bình truyền thống Myanma với tủ sơn mài Việt Nam.

Một quầy bar sang trọng, một chiếc ghế treo hiện đại bên kệ những cuốn sách sưu tầm xuất xứ từ năm quốc gia, các mảng tường nơi là hình ảnh cố đô Luang Phrabang, nơi là bức ảnh tượng Phật trầm mặc ở Bagan, hay đôi môi đầy bí ẩn của nụ cười Bayon… mỗi mảng tường là một sự khác biệt, một nét văn hoá rất riêng của một quốc gia mà nhìn vào người xem biết ngay nguồn gốc xuất xứ của nó. Không gian Monsoon dễ khiến người ta liên tưởng đến một bảo tàng nhỏ trưng bày các tác phẩm nghệ thuật đương đại hơn là một nhà hàng ăn giữa lòng thành phố.

Sự đồng điệu với phong cách Monsoon | ảnh 4

Sự đồng điệu với phong cách Monsoon | ảnh 5
Điểm nhấn của quán là chiếc “Long sàn” Việt Nam kết hợp với gối tay bọc lụa Campuchia. Lầu 1 với bộ bàn ăn gỗ phong cách nhiệt đới và tượng Phật.

Naya chia sẻ: “Tôi tốn rất nhiều thời gian vào ngôi nhà này, cứ mỗi ngày, nhìn từng góc nhà, tôi lại nảy sinh một ý tưởng để hoàn thiện nó. Khi mua một chiếc tủ sơn mài Việt Nam, phần nóc tủ cần một thứ gì đó để đặt lên, vậy là tôi nghĩ đến những hiện vật đồ gỗ mỹ nghệ từ Myanmar, thế là lên đường sang Myanmar sưu tầm để bày lên đó. Chắc hẳn, nếu khách hàng của tôi là người Myanmar, nhìn vào góc trang trí ấy, họ sẽ thấy một nét rất quen, nhưng cũng rất lạ từ cái tủ Việt. Và như thế, họ sẽ có thêm cái để nhìn, để nhớ và suy nghĩ. Tôi cố gắng dành nhiều thời gian cho việc sắp đặt, trang trí và hoàn thiện ở mỗi góc nhỏ của Monsoon, và nó sẽ luôn thay đổi theo cảm hứng chứ không cố định ở một phong cách trưng bày”.

Sự đồng điệu với phong cách Monsoon | ảnh 6

Sự đồng điệu với phong cách Monsoon | ảnh 7

Sự đồng điệu với phong cách Monsoon | ảnh 8Sự đồng điệu với phong cách Monsoon | ảnh 9
Các góc decor khác của nhà hàng.

Góc trang trí mà Naya ưng ý nhất ở phần tầng trệt, nơi bày chiếc giường kiểu cổ điển của Việt Nam xưa, dân sưu tầm đồ cổ thường gọi là “long sàn” hay “giường công chúa” bởi vẻ nữ tính của thiết kế và những chi tiết trang trí chạm trổ khá cầu kỳ. Làm nền cho chiếc giường là mảng tường với những dòng chữ ghi lại câu chuyện hình thành của Monsoon, một hình ảnh tương phản đầy chất nghệ. Naya hào hứng kể: “Nếu suy nghĩ như một doanh nhân, tôi đã không để chiếc giường ở vị trí đó vì tôi có thể thay thế bằng ba bàn ăn, cũng đem lại một nguồn thu đáng kể, nhưng cái tôi muốn là tạo ra một không gian nghệ thuật. Trên chiếc giường là bộ gối tay được bọc lụa Campuchia, đem lại tổng thể một điểm nhấn đẹp cho những thực khách xung quanh, làm mềm đi những nét hiện đại của các mảng trang trí khác bao quanh nó”.

Năm phong cách trang trí, năm loại hiện vật sưu tầm từ năm quốc gia, năm phong vị ẩm thực, sự khác nhau về địa lý, văn hoá của những thành tố ấy tưởng chừng như không dễ gì có thể dung hoà, kết nối được. Nhưng ở Monsoon, tất cả khác biệt ấy tôn nhau lên, nâng đỡ, bổ sung cho nhau để tạo thành một không gian đồng điệu đầy thú vị nhờ những gạch nối của nghệ thuật đương đại, ứng dụng sự tương phản, dù rằng với chủ nhân, không gian ấy vẫn chưa hoàn thiện, nhưng cũng đủ để khẳng định nét đặc biệt, sự độc đáo, bên phong vị ẩm thực đa dạng, mà những thực khách sành điệu với ẩm thực và nghệ thuật, chỉ có thể tìm được ở Monsoon.

(Theo SGTT)

  • 276
  • By Admin
  • 05/09/2012
  • 17