• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Sốt nhà đất ở Trung Quốc

Hiện nay, hàng triệu người Trung Quốc đang quyết liệt theo đuổi giấc mơ có nhà riêng, giống như những gì đã diễn ra ở Mỹ cơn sốt nhà đất cách đây chưa lâu. Để đạt được giấc mơ này, nhiều người Trung Quốc dùng tới tiền tiết kiệm, hoặc thậm chí là đi vay thế chấp với lãi suất cao. Trong khi đó, các công ty phát triển nhà lùng sục tìm đất để làm dự án, các ngân hàng sẵn lòng mở hầu bao cho vay đối tượng khách hàng này. Những gia đình có đủ khả năng tài chính thì sắm ít nhất hai căn nhà, một để ở, một chờ bán lấy lãi.

Tại Thượng Hải, giá căn hộ cao cấp trong 9 tháng đầu năm 2009 đã tăng 54%, lên mức 5.560 USD/m2. Riêng trong tháng 11/2009, giá nhà tại 70 thành phố lớn của Trung Quốc đã tăng 5,7%, trong khi số dự án nhà khởi công trên toàn quốc tăng 194% so với cùng kỳ năm trước.

Trong mắt các nhà phân tích, cơn sốt nhà đất đang diễn ra tại Trung Quốc là một hiện tượng không dễ lý giải. Tại một số khu vực của nước này, nhu cầu nhà cho tầng lớp khá giả hiện đang rất mạnh và khó được đáp ứng kịp. Tại một số khu vực khác, giới đầu cơ tìm cách đẩy giá đất, căn hộ cao cấp và biệt thự tăng cao, bất chấp giá thuê trên thực tế giảm xuống vì thị trường hiếm khách.

Tuy nhiên, điều dễ dàng nhận thấy là “bong bóng” địa ốc ở Trung Quốc đang bị thổi phồng to ở phân khúc thị trường nhà cao cấp, trong khi các dự án nhà giá rẻ cho người có thu nhập thấp và trung bình tại nước này lại rất hiếm. Ở quận Chaoyang của Bắc Kinh, giá căn hộ bình quân hiện nay là trên 3.300 USD/m2, đồng nghĩa với việc, một căn hộ diện tích 90 m2 có giá cao gấp khoảng 80 lần so với thu nhập hàng năm bình quân của công dân thành phố này.

Theo ước tính của công ty quản lý tài sản Pimco, thị trường nhà bình dân chỉ chiếm khoảng 10% doanh số căn hộ ở Trung Quốc. Các công ty phát triển nhà thường tập trung vào các dự án nhà cao cấp để tìm kiếm mức lợi nhuận béo bở hơn.

Vậy cơn sốt đất ở Trung Quốc hình thành như thế nào? Lãi suất thấp, hoạt động tín dụng ngân hàng được khuyến khích, và gói kích thích kinh tế gần 600 tỷ USD của Trung Quốc được xem là những lý do khiến lượng vốn đổ vào thị trường bất động sản nước này trở nên quá dồi dào. Hiện chưa rõ, trong số vốn tín dụng 1.300 tỷ USD mà các ngân hàng Trung Quốc cấp năm ngoái, có bao nhiêu tiền chảy vào thị trường nhà đất.

Thêm vào đó, chính quyền các địa phương của Trung Quốc cũng nhiệt tình hợp tác với các doanh nghiệp bất động sản. Các chuyên gia kinh tế ước tính, khoảng một nửa nguồn thu của chính quyền địa phương tại nước này đến từ việc cấp quyền sử dụng đất cho các dự án. Trong khi đó, với mối lo về sự trở lại của lạm phát, người dân Trung Quốc coi việc mua nhà đất là cách tốt nhất để bảo vệ giá trị khoản tiết kiệm của mình.

Chưa hết, các doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực như hóa chất, sắt thép, dệt may, da giày... cũng thành lập bộ phận đầu tư bất động sản với hy vọng tìm kiếm mức lợi nhuận cao hơn ở ngành chính.

Cơn sốt nhà đất tại Trung Quốc đang làm gia tăng những lo ngại về nguy cơ “xì hơi” của bong bóng bất động sản tại nước này trong thời gian không xa. Phát biểu trên Tân Hoa Xã, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo mới đây nhận định, “giá nhà đất đã tăng quá nhanh”. Ông Ôn Gia Bảo đồng thời cũng cam kết sẽ thúc đẩy các biện pháp ngăn chặn hoạt động “thổi giá” của giới đầu cơ địa ốc.

Hiện Chính phủ Trung Quốc đã nâng thời hạn đánh thuế đối với hoạt động bán lại căn hộ từ mức 3 năm lên 5 năm, đồng thời sắp tới có thể thắt chặt các quy định về cho vay cầm cố nhà. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng đang lên kế hoạch xây nhà ở cho 15 triệu hộ gia đình nghèo.

Hiện Chính phủ Trung Quốc còn chưa đưa ra những biện pháp mạnh hơn để ngăn chặn cơn sốt nhà đất vì nhiều lĩnh vực khác như xây dựng, sắt thép, xi măng, nội thất... có liên quan mật thiết với ngành địa ốc. Chẳng hạn, trong tháng 11, với sự leo thang của giá nhà, doanh số bán lẻ hàng nội thất và vật liệu xây dựng ở Trung Quốc cũng tăng tới 40%.

Điều mà nhiều người lo ngại là Bắc Kinh có thể để “bữa tiệc” trên thị trường nhà đất kéo dài quá lâu, cho tới khi lãi suất bất ngờ được tăng mạnh trở lại để chống lạm phát. Khi đó, các công ty bất động sản sẽ không tìm được các khoản vay lãi suất thấp để quay vòng nợ, người tiêu dùng cũng không vay thế chấp được nhà nữa, danh mục cho vay bất động sản của các ngân hàng sẽ xấu đi, và những công ty phụ thuộc vào nguồn lợi nhuận từ hoạt động đầu tư địa ốc sẽ gặp khó khăn...

Nguồn Business Week
(Dẫn theo Vneconomy)
  • 181
  • By Admin
  • 05/01/2010
  • 17