Sốt giá nhà, Quốc hội Australia rà soát Luật đầu tư BĐS
Nữ nghị sĩ Kelly O'Dwyer sẽ chủ trì Ủy ban Kinh tế Nhà Quốc hội Liên bang để điều tra việc các gia đình trẻ đang bị “gạt ra ngoài” thị trường nhà ở do đầu tư nước ngoài. Ủy ban này sẽ tổ chức các phiên điều trần công khai tại “các điểm nóng BĐS” nhằm kiểm tra tình hình thực tế.
Trong 7 năm qua, người Trung Quốc đã chi ra 24 tỉ đôla Úc (khoảng 21,8 tỉ USD) để mua nhà và dự kiến đến 2020, con số này sẽ lên đến 44 tỉ AUD. Theo một số nghiên cứu, các nhà đầu tư Trung Quốc đang mua vào 12% nhà mới xây tại Australia và tỉ lệ tại các thành phố lớn còn cao hơn: 14% tại Sydney và 18% tại Melbourne. Hơn nữa, người ta tin rằng một số tòa chung cư tại 2 thành phố này còn thuộc quyền sở hữu 100% trong tay người Trung Quốc.
Bà O'Dwyer cho biết: “Ủy ban sẽ nghiên cứu về khuôn khổ đầu tư nước ngoài hiện nay để đánh giá mối liên hệ của nó với việc tăng giá BĐS... Giấc mơ Úc lớn lao là sở hữu ngôi nhà của chính mình và chúng tôi biết rằng đó là điều khó khăn đối với một gia đình có cả hai nguồn thu nhập và nhiều năm tiết kiệm cùng khoản thế chấp lớn”. Bà bổ sung rằng vai trò của đầu tư nước ngoài vào BĐS là thúc đẩy cổ phiếu nhà ở và tạo công ăn việc làm cho ngành xây dựng Úc. Vì thế cuộc điều tra sẽ xác định liệu những mục tiêu trên vẫn đang được nhắm đến hay không.
Phe đối lập cũng hỗ trợ sáng kiến của chính phủ và hoan nghênh cuộc điều tra. Ông Bill Shorten, lãnh đạo đảng Lao động cho biết: “Mặc dù chúng tôi ủng hộ cuộc điều tra nhưng đầu tư nước ngoài không phải là vấn đề duy nhất. Chúng ta phải đảm bảo rằng những công dân Úc bình thường cũng có tiền ký quỹ, đảm bảo rằng đất đai được cấp phép và có cơ sở hạ tầng đầy đủ”.
Theo Ban Đầu tư Nước ngoài vào Australia (FIRB), trong năm tài chính vừa qua, đầu tư Trung Quốc vào BĐS dân cư và thương mại Úc tăng 42%. Tổng vốn đầu tư từ người mua TQ đạt 5,9 tỉ AUD so với 4,9 tỉ AUD từ người Canada và 4,4 tỉ AUD từ người Mỹ. FIRB đã cấp phép cho 11.668 ngôi nhà bán cho người nước ngoài, tăng 19% so với năm trước.
Mọi công dân không cư trú đều cần giấy phép này trước khi mua nhà tại Australia. Những người này chỉ được mua nhà mới xây, chưa ở lần nào. Nếu FIRB nhận thấy cổ phiếu nhà ở của Úc tăng lên, tức là việc người nước ngoài mua nhà không gây ra tình trạng thiếu hụt nhà ở cho công dân Úc thì cơ quan này có thể hạn chế chỉ cho người nước ngoài mua nhà mới xây. Việc đăng ký tạm trú nhằm mục đích mua nhà không phải là lựa chọn hữu hiệu để có được giấy phép của FIRB bởi công dân tạm trú phải bán BĐS nếu họ rời Australia.
Nhung T (Lược dịch)
- 166
- By Admin
- 27/03/2014
- 17