"Sốt" bất động sản phía tây Hà Nội: Thật hay giả?
Giao dịch sôi động...
Giá đất ở khu vực Khu công nghệ cao Hòa Lạc và Dự án Linh Sơn gần đó đang giao dịch khá sôi động.
Ông Hoàng Phương - nhà đầu tư bất động sản đại diện cho một quỹ đầu tư Canada đặt tại Hà Nội cho biết: “Ngày 15/3, tôi ưng ba lô đất tại các địa điểm trên, đặc biệt là lô đất có vị trí mặt đường giá 13 triệu đồng/m2. Sang ngày hôm sau hỏi lại thì cả ba mảnh đã có người đặt cọc tiền và trả giá cao hơn."
Ông Phương cho biết, các mảnh đất ông đã mua trước đó cũng tại khu vực này chỉ cần rao bán là có khách ngay.
Có lẽ việc các dự án khu vực Khu công nghệ cao Hòa Lạc phải đẩy nhanh tiến độ hoàn thành vào dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội đã làm giá đất khu vực xung quanh nóng lên, ông Phương nhận xét.
Ông Trần Đức Nhân, một nhà đầu tư bất động sản đóng văn phòng tại phố Tăng Bạt Hổ, cho biết văn phòng ông đang cho nhân viên đi lùng mua các lô đất dự án thuộc phía tây Hà Nội, đặc biệt là các dự án có vị trí thuận lợi về hạ tầng giao thông, có các dự án đô thị xung quanh đã và đang triển khai mạnh.
Tiềm năng nhất là các vùng đất ngoại thành Hà Nội, nơi có các dự án lớn đang triển khai như Nam An Khánh, Bắc An Khánh, Gelixemco... và các đô thị khu vực các huyện phía Tây Hà Nội.
Văn phòng của ông Nhân đẩy mạnh mua đất nền vào thời điểm này để chuẩn bị đón đầu nhu cầu mới - cầu từ thị trường chứng khoán sang. Ông đã làm như vậy trong 3 năm lại đây và đợt nào cũng thắng lợi.
Ông Nhân cho biết thêm, cứ sau một đợt thị trường chứng khoán tăng mạnh, thị trường bất động sản lại ấm lên theo.
Thật hay làm giá?
Ông Nguyễn Sơn Trung, Giám đốc Công ty bất động sản Đất Nam Đô tại đường Láng Hạ, thừa nhận khả năng bất động sản sẽ ấm lên trong một hai tháng tới.
Nhưng ông Trung cho rằng, đợt ấm tới đây chỉ là ấm giả tạo do giới đầu cơ “làm giá,” vì khi tín dụng còn khan và kinh tế vĩ mô thực sự chưa khởi sắc chắc chắn, thì thị trường bất động sản chưa thể ấm lại. Nếu bất động sản có ấm lại thì cũng chỉ trong thời gian ngắn, do một số nhà đầu tư có lãi từ chứng khoán chuyển sang.
Giống như năm 2009, bất động sản chỉ ấm được một đợt vào tháng 6 (trước đó thị trường chứng khoán tăng điểm từ tháng Hai đến tháng Sáu), rồi lâm vào ảm đạm khi cầu thật không có.
Người có nhu cầu thật không nên sốt ruột và mua vào giai đoạn thị trường bất động sản ấm, nên chọn lúc ảm đạm mới mua vào, giai đoạn đó giá vừa hợp lý lại có điều kiện lựa chọn vị trí tốt, ông Trung khuyến nghị.
Theo ông Trương Hồ Hải Minh, Phó Giám đốc Sàn bất động sản Hanoi Home, hiện giá đất vẫn còn quá cao. Dự báo, Hà Nội sẽ có khoảng 10.000 căn hộ chung cư được tung ra bán trong giai đoạn 2010-2012 nên không thể có chuyện giá chung cư sẽ sốt.
Về “nghiệp vụ” lướt sóng của giới đầu cơ, khi nguồn cung ở phân khúc nào đó còn dồi dào và sức cầu không mặn mà thì giới đầu cơ sẽ không dám “lướt sóng” vì sẽ bị đọng vốn, kẹt hàng. Còn hiện tượng bất động sản phía Tây manh nha tín hiệu ấm lên chỉ là phân khúc đất nền trong các dự án. Sản phẩm mà giới đầu cơ mua cũng không phải là nơi đã hoàn chỉnh hạ tầng vì như vậy vốn phải đầu tư quá cao.
Xu hướng đầu cơ hiện nay của giới buôn bất động sản nhằm vào những dự án bắt đầu triển khai, góp khoảng 30% vốn ban đầu với chủ đầu tư triển khai dự án rồi rao bán tại các văn phòng môi giới để chốt lời, hoặc tìm đất gần dự án, giá từ 8 triệu đến hơn 10 triệu/m2 để "lướt."
Theo ông Trần Đức Nhân, năm 2009, giới đầu cơ ôm chung cư bị kẹt khá nhiều nên đang phải chịu áp lực trả lãi ngân hàng khá lớn. Cách “thoát hiểm” duy nhất của họ là tranh thủ thời cơ thị trường chứng khoán nóng, tạo thanh khoản và khuấy cho thị trường bất động sản sôi động rồi tranh thủ thoát hàng.
"Chỉ khi kinh tế vĩ mô đi vào ổn định, việc vay tiền từ hệ thống tín dụng trở lại dễ dàng như giai đoạn 2007 thì thị trường bất động sản mới có cơ ấm thật sự. Còn với bối cảnh từ giới đầu tư, đầu cơ đến người có nhu cầu đang phải thắt lưng buộc bụng thì các hiện tượng bất động sản tăng giá ở đâu đó sẽ chỉ là hiện tượng lướt sóng của giới đầu cơ”, ông Nhân cho biết.
- 0
- By Admin
- 23/03/2010
- 17