'Soi' sức khỏe Xuân Mai - chủ đầu tư nhiều dự án BĐS tại Hà Nội
Tuy nhiên, giai đoạn từ nửa cuối năm 2014 tới hết năm 2015, khi thị trường địa ốc bắt đầu 'nhúc nhắc' trở lại thì Công ty Xuân Mai vẫn tồn tại một số điểm yếu trong hoạt động đầu tư kinh doanh bất động sản lẫn tài chính nội tại.
Nét mờ bất động sản
Năm vừa qua được đánh giá là năm Xuân Mai phải tiếp tục gồng mình thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp (lộ trình 3 năm từ 2014-2016) với khá nhiều biến chuyển.
HĐQT Công ty Xuân Mai đánh giá, sau một năm tái cấu trúc, với sự 'hỗ trợ tài chính mạnh mẽ từ các tổ chức tín dụng', tài chính của Xuân Mai đã được khơi thông. Ngoài ra, trong thời gian từ năm 2014-2015, Xuân Mai cũng đã đầu tư mua lại một số dự án để tự tạo tiền đề tích lũy. Tới tháng 4/2015, Xuân Mai cho ra đời công ty CP Đầu tư và Kinh doanh bất động sản Xuân Mai với mục đích khép kín chuỗi đầu tư – xây dựng – tổ chức bán hàng – quản lý.
Kết thúc năm 2015, bên cạnh tham vọng trở thành một 'đầu tàu' về đầu tư kinh doanh bất động sản và tổng thầu EPC mạnh trong xây dựng dân dụng – công nghiệp, chỉ tiêu doanh thu lợi nhuận của doanh nghiệp này vẫn mang sắc màu u ám.
Chẳng hạn, lần lượt giá trị sản lượng và doanh thu của công ty mẹ cũng như việc hợp nhất các đơn vị thành viên (7 công ty) đều cơ bản vượt kế hoạch. Tuy nhiên, theo tài liệu ĐHCĐ 2016, đơn vị vẫn còn hàng loạt dự án chưa triển khai hoặc điều chỉnh quy mô (dẫn tới sản lượng thấp), đơn cử như: dự án di dân phố cổ Him Lam; dự án Lê Văn Thiêm, Paragon; VOV; dự án HH2 Dương Nội, Nút giao thông Long Biên…
Đặc biệt, trong báo cáo của HĐQT công ty Xuân Mai cũng nêu rõ: 'Các dự án do Xuân Mai làm chủ đầu tư đến thời điểm hiện nay đều triển khai chậm so với kế hoạch đề ra…Công tác kinh doanh bất động sản cũng không đạt kỳ vọng do việc hoàn thành thủ tục pháp lý bị chậm…'. Được biết, trong danh mục các dự án đầu tư bất động sản đáng chú ý của công ty này có nhắc tới dự án Xuân Mai Riverside tại Thanh Bình, Hà Nội.
Cũng theo báo cáo, hết năm 2015, tổng vốn chủ sở hữu của công ty mẹ là 391 tỷ đồng trong khi tổng vốn đầu tư vào công ty con (7 công ty), công ty liên kết, đầu tư tài chính khác, đầu tư vào các dự án liên kết là 478,234 tỷ đồng (tương đương 159,44% vốn điều lệ) và chiếm tới 122,32% tổng vốn chủ sở hữu.
Hoạt động đầu tư kinh doanh bất động sản lẫn tài chính nội tại của công ty Xuân Mai vẫn còn không ít điểm yếu |
Đầu tư dàn trải và nặng gánh?
Có thể kể tới một số hạng mục đầu tư nổi bật của công ty Xuân Mai ở nội dung này như: tăng tỷ lệ vốn góp (lên tới với 86,54% vốn điều lệ) vào công ty CP Tư vấn thiết kế Xuân Mai; thành lập công ty CP Đầu tư & Kinh doanh bất động sản Xuân Mai (với 98,84% vốn điều lệ); mua 9,7 triệu CP của ngân hàng BIDV (đang nắm giữ trong công ty CP Điện Việt Lào) với giá chuyển nhượng là 11.000 đồng/CP.
Về các khoản phải thu, công ty Xuân Mai ghi nhận khoản tiền gần 30 tỷ đồng hiện đang bị 'treo' ở hai công ty liên kết là Công ty CP Bê tông Xuân Mai Miền Nam và Công ty CP Xuân Mai Đà Nẵng).
Liên quan đến các hạng mục phải thu của khách hàng ngắn hạn, xuất hiện Công ty CP Xây dựng & Thương mại VT (gần 90,64 tỷ đồng – phát sinh trong năm 2015). Trước đó, theo trao đổi với một vài cá nhân tự xưng là thuộc Đất Xanh Miền Bắc (quảng bá bán hàng cho dự án Paragon Tower), công ty VT đã ủy quyền pháp lý cho Xuân Mai tham gia đầu tư dự án và đứng tên hợp đồng mua bán căn hộ.
Tuy nhiên cho đến nay, mặc cho các quảng cáo rầm rộ về nhận đặt chỗ giữ suất (thậm chí cả tiến độ thanh toán) trên chợ trực tuyến, vẫn chưa thấy có thông tin chính thức mở bán dự án Paragon Tower. Điều này khiến không ít người phải đặt dấu hỏi về thời điểm triển khai dự án lẫn nguyên nhân nào khiến dự án vốn được cho là rất 'đắc địa' tại phía Tây Thủ đô đến giờ vẫn chưa thể tỏa sáng?
Một số khoản phải thu khác dài hạn của Xuân Mai còn cho thấy doanh nghiệp đang có mối quan hệ hợp tác góp vốn với khá nhiều doanh nghiệp từ Nam ra Bắc, như: Công ty TNHH Thương mại Nam Hoàn Vũ Phong Phú (vốn góp 37,75 tỷ đồng); Công ty CP Sông Đà 1.01 (góp vốn đầu tư xây dựng dự án nhà ở Hemisco khoảng 9 tỷ đồng); Tổng công ty Phát triển phát thanh truyền hình thông tin (thực hiện dự án văn phòng, trung tâm thương mại và nhà ở tại Mễ Trì với vốn góp xấp xỉ 119,55 tỷ đồng)…
Đặc biệt, 'sức khỏe' tài chính của công ty Xuân Mai tỏ ra ngày càng phụ thuộc vào các khoản vay và nợ thuê tài chính. Đơ cử, cuối năm 2015, riêng ngắn hạn, Xuân Mai đã phải è cổ trả khoản vay tròm trèm 1.263,513 tỷ đồng (ở các ngân hàng BIDV, VietinBank, Vietcombank và LienVietPostBank) – so với thời điểm đầu năm thì con số này chỉ là 695,166 tỷ đồng. Trong các khoản vay ngắn hạn, còn ghi nhận việc Xuân Mai sử dụng các quyền phát sinh từ dự án để làm đảm bảo với phía ngân hàng lẫn phục vụ xây dựng chính dự án đó.
Điển hình là khoản vay tại LienVietPostBank – chi nhánh Hà Nội với hạn mức tín dụng là 500 tỷ đồng để phục vụ cho việc đầu tư xây dựng dự án CT2 khu hành chính mới Hà Đông. Theo đó, hợp đồng tín dụng có thời hạn là 36 tháng, lãi suất thả nổi, cònkhoản vay được đảm bảo bằng các quyền phát sinh từ dự án CT2 nêu trên…
- 0
- By Admin
- 07/04/2016
- 17