"Soi" lợi nhuận năm 2014 của một số doanh nghiệp BĐS
Cụ thể, thị trường BĐS hồi phục đã giúp lợi nhuận của nhóm doanh nghiệp này tăng đến 156,7% đạt mức 1.130,7 tỷ đồng. Trong đó, đơn vị có kết quả kinh doanh "vượt trội" nhất là Khang Điền. Nếu năm 2013 doanh nghiệp này báo lỗ 176 tỷ đồng thì năm 2014 số lãi là 105 tỷ đồng. Đứng thứ 2 là Phát Đạt với mức lợi nhuận trước thuế "trong mơ" khi tăng đến gần 13 lần. Còn Nam Long, Đất Xanh và Thủ Đức House cũng thuộc top những doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận cao trong nhóm thống kê này.
Thống kê lợi nhuận trước thuế của 10 doanh nghiệp BĐS khu vực Đông Nam Bộ
Tuy nhiên, nếu xét về độ lớn thì Becamex IJC lại là doanh nghiệp dẫn đầu lợi nhuận năm 2014 với 278 tỷ đồng; tiếp theo là Đất Xanh với 266,4 tỷ đồng; Nam Long, Khang Điền và Xây dựng Bình Chánh là 3 công ty có lợi nhuận cao tiếp theo trong nhóm.
Về tài sản, tính đến ngày 31/12/2014 tổng tài sản của 10 doanh nghiệp trên cũng tăng khoảng 12% so với hồi đầu năm, đạt mức 34.551 tỷ đồng (hơn 1,6 tỷ USD). Đặc biệt, số dư tiền và tương đương tiền tăng đến khoảng 160%, trong khi nợ vay chỉ tăng 9,8% so với đầu năm. Trong đó, Becamex, Phát Đạt và DIG (Tổng công ty phát triển xây dựng) là 3 doanh nghiệp có tổng tài sản lớn nhất. 9/10 doanh nghiệp khảo sát có tổng tài sản trên nghìn tỷ, riêng C21 có tài sản khá khiêm tốn khoảng 628 tỷ đồng.
Bảng thống kê tổng tài sản của 10 doanh nghiệp BĐS khu vực Đông Nam Bộ
Về số dư tiền mặt và các khoản tương đương tiền, tại ngày kết thúc của năm 2014, tổng số dư tiền mặt và các khoản tương đương tiền của 10 doanh nghiệp khảo sát đạt hơn 2.516 tỷ đồng, đã tăng 160% so với hồi đầu năm. Trong đó, Đất Xanh dẫn đầu cả nhóm về số dư tiền và là doanh nghiệp có sự thay đổi số dư tiền lớn nhất trong nhóm, cụ thể đã tăng 9,7 lần so với đầu năm 2014.
Thống kê số dư tiền và các khoản tương đương tiền của 10 doanh nghiệp BĐS
DIG, Khang Điền và Nam Long là 3 doanh nghiệp tiếp theo có trữ lượng tiền lớn vào thời điểm ngày 31/12/2014. Mặc dù Becamex là doanh nghiệp có tổng tài sản lớn nhất và lợi nhuận tạo ra trong năm 2014 lớn nhất nhưng số dư tiền tại ngày cuối cùng năm 2014 lại ở mức trung bình của nhóm, đạt 112,8 tỷ đồng và giảm mạnh (khoảng 50%) so với hồi đầu năm.
Về hàng tồn kho, bao gồm giá trị quỹ đất đã được bồi thường và chi phí san lấp mặt bằng, các chi phí đầu tư cho các dự án BĐS đang triển khai: Tại ngày cuối cùng năm 2014, lượng hàng tồn kho của 10 doanh nghiệp thống kê cũng tăng 16,2% so với đầu năm 2014, tương đương 20.514 tỷ đồng (gần 1 tỷ USD).
Thống kê số dư hàng tồn kho
Trong nhóm này, Phát Đạt là công ty có hàng tồn kho lớn nhất với 5.410 tỷ đồng, tăng 4,7% so với đầu năm 2014. C21 là công ty cuối bảng về hàng tồn kho với 230 tỷ đồng, giảm 18,6% so với hồi đầu năm.
Xét về nợ vay ngắn hạn, tại thời điểm cuối 2014, số dư nợ vay ngân hàng ngắn hạn của 10 công ty này đã tăng 9,8% so với đầu năm, ở mức khoảng 2.856 tỷ đồng. Trong đó, C21 không có nợ vay ngân hàng (cả ngắn hạn và dài hạn), trong khi đó Đất Xanh vay ngắn hạn ngân hàng 1 tỷ đồng. 4/8 doanh nghiệp khảo sát có số dư nợ vay ngắn hạn giảm. Nam Long là doanh nghiệp có mức giảm nợ vay ngắn hạn mạnh nhất trong nhóm với gần 68%. Tính đến cuối năm 2014, nợ vay ngắn hạn của Nam Long chỉ còn gần 164 tỷ đồng.
Thống kê số dư vay ngân hàng ngắn hạn
Trên đây là những số liệu thống kê sơ bộ về 10 doanh nghiệp BĐS tại phân khúc trung bình khá dựa theo Báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2013 và Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2014.
Rõ ràng, sự hồi phục của trường bất động sản hồi phục đã giúp các đơn vị hoạt động trong ngành này giảm được gánh nặng nợ, cải thiện dòng tiền... Dự báo, phân khúc BĐS trung bình khá sẽ tiếp tục phát triển mạnh trong năm 2015 do nhu cầu thực của người dân. Đương nhiên, các doanh nghiệp trên cũng sẽ tiếp tục có một năm kinh doanh bận rộn với sự cạnh tranh mạnh mẽ hơn.
- 0
- By Admin
- 02/03/2015
- 17