• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Sôi động những cuộc săn "đất vàng" tại IPO

Còn nhớ vào năm 2008, phiên đấu giá khu "tam giác vàng" rộng hơn 13.000m2 tại Trần Hưng Đạo - Phạm Ngũ Lão - Nguyễn Thái Học (Q.1, Tp.HCM) đã khiến giới truyền thông tốn không ít giấy mực dù đã có đơn vị trúng thầu nhưng sau đó vẫn bất thành vì quy trình đấu thầu lộ diện nhiều sai sót. Thời gian gần đây, việc đấu thầu khu đất này đã được tổ chức lại.

Nhìn từ thực tế tại nhiều cuộc đấu thầu "đất vàng" của khu vực trung tâm Tp.HCM cho đến khu đô thị mới Thủ Thiêm sẽ thấy, "cuộc đua đất vàng" theo đúng quy trình không hề đơn giản mà thường kéo dài, đó là chưa kể việc định giá đất cũng như tiêu chuẩn xét duyệt bên tham gia đấu thầu là điều mà các doanh nghiệp lo ngại, thông thường thì bên mời và bên "đấu" rất khó gặp nhau.

đấu giá đất
Trong tương lai Cảng Nhà Rồng Khánh Hội sẽ trở thành khu phức hợp quy mô. Ảnh: Quý Hòa

Theo như ông Bùi Cao Nhật Quân - Phó TGĐ Novaland thì, việc tham gia đấu giá IPO cổ phần DNNN cũng là cách nhanh nhất để các nhà phát triển bất động sản (BĐS) gia tăng quỹ đất.

Được biết, hiện nay, tập đoàn này đang là đối tác của Sabeco (doanh nghiệp do Nhà nước nắm cổ phần chi phối) phát triển "khu đất vàng" có diện tích trên 6.000m2 tại số 2 - 4 - 6 Hai Bà Trưng (Q.1, Tp.HCM, đối diện với cao ốc Vietcombank Tower đã đi vào hoạt động) thành dự án khu phức hợp khách sạn 6 sao và cao ốc văn phòng cho thuê.

Theo chủ đầu tư, nếu không có gì thay đổi, dự án này sẽ chính thức khởi động trước Tết Nguyên Đán 2016.

Trước đó, hồi tháng 11/2014, Novaland cũng đã đăng ký mua tổng cộng 8,38 triệu cổ phần, tương đương 25,4% vốn điều lệ của Công ty TNHH một thành viên Cảng sông Tp.HCM (thuộc Tổng công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn, Samco) khi DNNN này IPO vào tháng 12/2014.

Ông Quân cũng cho biết, trong chiến lược mở rộng đầu tư về phía Tây Sài Gòn, khu đất rộng 64ha ở Cảng Phú Định tại Q.Bình Tân (thuộc sở hữu của Công ty TNHH MTV Cảng sông Tp.HCM) sẽ được quy hoạch lại, trong đó có phát triển khu phức hợp nhà ở thấp tầng.

Có thể nói, những khu đất cảng tại khu vực nội thành Sài Gòn luôn có sức hút với doanh nghiệp BĐS vì những quỹ đất có vị thế gần sông hiện nay khá hiếm hoi.

Sau khi tiến hành cổ phần hóa vào tháng 6/2015, tại đại hội cổ đông lần thứ nhất thành lập Công ty CP Cảng Sài Gòn (cơ cấu cổ đông với tỷ lệ cổ phần: Tổng công ty Hàng hải Việt Nam 65,45%; cổ phần nhà đầu tư chiến lược 16,51%; cổ phần của các nhà đầu tư khác thông qua đấu giá công khai 16,51%; còn lại là cổ phần của công đoàn và người lao động) vào ngày 28/9 cũng đã chính thức thông qua việc Cảng Nhà Rồng Khánh Hội kể từ giữa năm 2016 sẽ tiến hành cắt giảm dần quy mô khai thác để chuẩn bị di dời và Cảng Sài Gòn. Đồng thời sẽ hợp tác với một tập đoàn lớn trong nước thành lập Công ty TNHH Đầu tư phát triển đô thị Ngọc Viễn Đông (Cảng Sài Gòn nắm 26% vốn điều lệ) để thực hiện triển khai dự án chuyển đổi công năng khu Cảng Nhà Rồng Khánh Hội.

Được biết, quy mô dự án chuyển đổi công năng là 32,1 ha với chiều dài bờ sông 1.800m, dân số dự kiến là 11.650 người, cung ứng tổng cộng 3.000 căn hộ, văn phòng, trung tâm thương mại, biệt thự ven sông, ga hành khách tàu biển, trường học, đồng thời xây dựng hệ thống giao thông thuận tiện.

Dự án khu phức hợp này dự kiến có tổng mức đầu tư lên tới trên 11.000 tỷ đồng và Công ty Ngọc Viễn Đông sẽ bắt đầu chào bán sản phẩm từ năm 2018, mang lại cổ tức cho cổ đông đạt trên 10%/năm.

Ở một diễn biến khác, tại phiên IPO tổ chức vào ngày 23/11 vừa qua của Công ty TNHH một thành viên In Trần Phú, có gần 11 triệu cổ phần của doanh nghiệp này đã được 17 nhà đầu tư (3 nhà đầu tư tổ chức và 14 nhà đầu tư cá nhân) mua hết sạch chỉ trong buổi sáng.

Được biết, sau CPH, cổ đông nhà nước sở hữu 20% vốn điều lệ tại Công ty In Trần Phú và đáng chú ý là cổ đông chiến lược Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Phú Cường nắm tới 38,69% cổ phần. Ngoài doanh thu ổn định từ ngành in, hiện Công ty In Trần Phú còn sở hữu và quản lý nhiều "khu đất vàng" tại trung tâm Tp.HCM, trong đó có những khu đất vô cùng giá trị như 71 - 73 - 75 Hai Bà Trưng và số 6 Thi Sách, Q.1.

Cùng với những doanh nghiệp kể trên, đợt IPO được không ít nhà đầu tư trong và ngoài nước mong đợi là Tổng công ty Du lịch Sài Gòn, ngoài thành công trong mảng lữ hành, đơn vị này còn đang nắm giữ hàng chục khu nghỉ dưỡng, lưu trú tại trung tâm Sài Gòn và nhiều điểm du lịch khác trong cả nước.

Nhận định về sức hút của các "khu đất vàng" khi DNNN tiến hành các phiên IPO, ông Nguyễn Ngọc Trường Chinh - TGĐ Công ty CP Chứng khoán Sen Vàng cho biết, BĐS có thể làm tăng giá trị doanh nghiệp khi định giá, còn việc "tài sản" này có phải là yếu tố tiên quyết để nhà đầu tư quyết định tham gia đấu giá hay không thì còn phải xem xét, chẳng hạn như thời gian vừa qua, không ít DNNN cũng tiến hành thoái vốn ngoài ngành (chủ yếu là ngân hàng, BĐS) nhưng việc "thanh lý” tài sản thì không phải chuyện một sớm một chiều.

Hoặc thậm chí qua nhiều phiên IPO diễn ra trước đây, không ít doanh nghiệp có giá bán dưới mệnh giá, nhưng nhà đầu tư vẫn không mặn mà dù họ có quỹ đất đẹp vì khi tham gia đấu giá, nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư tổ chức có tiềm lực tài chính quan tâm nhiều đến hiệu quả hoạt động và bộ máy quản trị của doanh nghiệp chứ không chỉ nhìn vào quỹ đất.

Điều này được phản ánh qua trường hợp Công ty CP Cảng Sài Gòn và Cảng sông Tp.HCM, song song với quỹ đất thì hai doanh nghiệp này còn sở hữu một bên là hệ thống cảng sông, một bên là cảng biển có năng lực bốc dỡ lớn nhất nhì khu vực phía Nam.

  • 0
  • By Admin
  • 07/12/2015
  • 17