Sóc Trăng: Đất trung tâm, bồi thường với giá đất 5 năm trước
Gần đây, người dân ở trung tâm thị trấn Vĩnh Châu, huyện Vĩnh Châu (Sóc Trăng) rất bất bình khi nhận được quyết định cưỡng chế di dời tài sản mở rộng đường 30/4 nằm cạnh chợ và UBND huyện Vĩnh Châu nhưng chính quyền địa phương chưa giải quyết thấu tình đạt lý những yêu cầu chính đáng của dân.Theo hồ sơ, năm 2008 UBND tỉnh Sóc Trăng ban hành quyết định 566 phê duyệt dự án tổng thể về công trình mở rộng, nâng cấp đường 30/4, con đường lớn nhất ở thị trấn Vĩnh Châu. Theo quyết định này thì người dân được cấp đất nền tái định cư nằm trên đường Lê Lợi nằm đối diện với bờ kè sông Vĩnh Châu với diện tích một hộ được 100 m2, đóng tiền sử dụng đất chỉ 100.000 đồng/m2 bao gồm tiền san lấp mặt bằng đến có nền xây dựng đường.
Chủ trương an cư tại nơi ở mới dù không tương đồng lắm với vị trí đất vàng bị giải tỏa ở tuyến đường trung tâm nhưng cũng làm dân hài lòng. Tuy nhiên, khi dự án được UBND huyện Vĩnh Châu triển khai, ra quyết định thu hồi đất vào năm 2010 thì lại làm trái với chủ trương của Luật Đất đai năm 2003 và Nghị định 69 của Chính phủ năm 2009, đẩy dân vào đường cùng vì giá đất bồi thường lấy theo giá của 5 năm trước, khu vực tái định cư rơi vào ba vị trí xa trung tâm chợ Vĩnh Châu, trong đó có một khu nằm xa tít ngoài cánh đồng lúa trên đường ra biển. Không chỉ vậy, nếu như Quyết định 566 của UBND tỉnh Sóc Trăng quy định mức giá đất mà dân phải đóng chỉ 100.000 đồng/m2 thì UBND huyện Vĩnh Châu lại thu đến 3 triệu đồng/m2.
Khu tái định cư ở Vĩnh Châu. |
Ông Lâm Ái Hữu, nhà số 63 đường 30/4, thị trấn Vĩnh Châu có 127 m2 đất thổ cư ở vị trí đẹp trên trục đường lớn nhất Vĩnh Châu. Năm 2001 chính quyền địa phương đã lấy 54 m2 đất để mở rộng mặt đường có chiều ngang 6 m lên gấp đôi nhưng không bồi thường cho gia đình đồng nào. Ngày 18/5/2010, UBND huyện Vĩnh Châu tiếp tục ra quyết định thu hồi thêm 73 m2 nhưng lại áp dụng giá đất từ năm 2005 chỉ có trên 3,4 triệu đồng/m2 và nhân với hệ số 1,2 do nằm ngay góc đường hai mặt tiền của đường 30/4 và Lê Lợi.
Việc thực hiện dự án quá trái khoáy đã làm dân bất bình. Ông Hữu bức xúc: “Nhà tôi có vị trí kinh doanh đặc biệt tiếp giáp hai mặt tiền chính ở chợ Vĩnh Châu nhưng Nhà nước thu hồi đất với giá quá thấp, trong khi UBND huyện Vĩnh Châu vừa bán thửa đất trên 300 m2 ở đường Trưng Nghị cho Ngân hàng Sài Gòn công thương với giá lên đến 30 triệu đồng/m2 để xây trụ sở.
Theo ông Hữu, gia đình ông bị mất đất xem như mất đi cần câu cơm vì không buôn bán được, huyện lại yêu cầu mua đất tái định cư với giá 3 triệu đồng/m2 xem như trắng tay. Hiện người dân bị giải tỏa hầu hết có nhà ở nằm tại vị trí hai mặt tiền đường ngay trung tâm chợ nên mong muốn không cần Nhà nước bồi thường đất mà thực hiện phương án “đất đổi đất” vì dọc theo đường 30/4 và đường Lê Lợi còn rất nhiều khu đất trống do huyện quản lý.
Thửa đất công gần nhà ông Hữu. |
Đối với ông Quách Nguyên, có thửa đất nằm trong dự án mở rộng đường 30/4 nhưng tiếp giáp thêm một mặt tiền đường Nguyễn Huệ bị giải tỏa trắng cũng mất đi cần câu cơm do mấy chục năm qua gia đình ông sinh sống bám vào quán cà phê với quán cơm nhỏ trước nhà. Nay, đưa ông vào vị trí xa trung tâm chợ, phải mua đất tái định cư giá 3 triệu đồng/m2 nên ông mời Công ty Thông tin và Thẩm định giá miền nam xuống định giá, xác định đất của ông có giá 14 triệu đồng/m2 để yêu cầu huyện bồi thường theo mức giá này nhưng không được chấp nhận.
Cùng cảnh ngộ với người dân Vĩnh Châu bị mất đi “đất vàng”, bà Nguyễn Thị Duyên bị lấy hết 29,6 m2 đất nên chưa biết phải tính sao vì số tiền bồi hoàn mang ra mua đất mới để ở là không đủ. Đó là chưa kể mất đi công ăn việc làm vì không thể buôn bán như trước đây, nên bà làm đơn khiếu nại nhưng bị Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Châu Cang Văn Hồng bác đơn với lý do “đã làm đúng chủ trương, quyết định của tỉnh” (?).
Mất đi “đất vàng”, mất công ăn việc làm bởi những người dân này bao đời nay bám vào vị trí mặt đường kinh doanh mua bán, giờ lại bị đẩy vào những nơi tái định cư khó kinh doanh xem như đập vỡ “nồi cơm” của dân. Mong mỏi lớn nhất của người dân mất đất là Nhà nước nên xem xét bố trí nơi ở, áp giá đền bù sao cho hợp lý, đảm bảo cuộc sống ở nơi ở mới không quá chênh lệch từ 10 xuống chỉ còn 1 với 2, nhằm tạo được công ăn việc làm mới. Tuy vậy, nhân dân đều bị bác đơn.
Hiện người dân Vĩnh Châu dã nộp đơn đến Tòa án nhân dân huyện Vĩnh Châu đề nghị xem xét giải quyết, hủy bỏ quyết định thu hồi đất, đền bù, tái định cư không phù hợp của UBND huyện Vĩnh Châu.
Cũng chính vì có những bất công, vì khiếu nại của nhân dân, mà quyết định cưỡng chế ký ngày 1/9, hạn chót phải di dời vào 15/9 chưa thực hiện được.
Thiết nghĩ, đây là việc cần giải quyết sớm để dự án và an dân đều cùng được thực hiện.
(Theo DVT)
- 0
- By Admin
- 11/10/2011
- 17