Số lượng nhà ở xã hội mới đáp ứng gần 7% nhu cầu
Hiện nay, tốc độ đô thị hóa nhanh khiến dân số thành thị tăng chóng mặt (trong vòng 10 năm, tăng hơn 8 triệu người). Vì thế, khu vực thành thị, nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp ngày càng cấp thiết. Nhưng, số nhà ở được xây dựng hiện mới đáp ứng gần 7% nhu cầu.
Bên cạnh đó, còn rất nhiều hạn chế, bất cập đã được đoàn giám sát đề nghị cần khắc phục, trong đó có việc tạo thêm vốn, mặt bằng để xây dựng nhà ở xã hội, đồng thời, hạ lãi suất gói 30.000 tỷ đồng, để doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn.
Báo cáo giám sát của Quốc hội cho thấy, tình trạng người dân thiếu nhà ở, phải ở tạm, ở nhờ, sống trong những căn nhà tạm bợ ven kênh rạch, “xóm liều” còn tồn tại ở phần lớn các đô thị lớn như Hà Nội, Tp.HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng...
Nhu cầu nhà ở xã hội hiện nay cho người thu nhập thấp tại khu vực đô thị trên cả nước khoảng 282.000 căn hộ với 11,28 triệu m2. Từ nay đến năm 2020, tổng nhu cầu cần khoảng 432.000 căn hộ với 17,28 triệu m2...
Trên cả nước, thực tế phát triển nhà ở xã hội rất chậm, khác xa với nhu cầu hiện tại. Theo đoàn giám sát, sau khi áp dụng các chính sách khuyến khích, ưu đãi các nhà đầu tư, cả nước đến nay mới hoàn thành 38 dự án, tương đương khoảng 19.680 căn hộ với tổng mức đầu tư khoảng 6.810 tỷ đồng và mới chỉ chiếm 6,9% nhu cầu.
Đồng thời, hiện có 91 dự án đang được triển khai, tổng mức đầu tư khoảng 28.500 tỷ đồng, quy mô khoảng 55.830 căn hộ, tính cả một số dự án chuyển đổi từ nhà ở thương mại. Trong đó, Tp.HCM mới hoàn thành 4 dự án với 379 căn hộ; Hà Nội đã hoàn thành 9 dự án và đưa vào sử dụng 4.948 căn hộ.
Hiện nay, vẫn còn nhiều địa phương có nhu cầu nhà ở xã hội rất lớn, tuy nhiên, mới chỉ được phê duyệt quy hoạch hoặc đang triển khai thực hiện... Như vậy, việc đầu tư xây dựng nhà ở loại này tiến hành rất chậm và chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Bên cạnh đó, việc thu hút các thành phần kinh tế đầu tư nhà ở xã hội còn rất hạn chế và số doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này chưa nhiều.
Thời gian tới, nhà ở cho người thu nhập thấp vẫn là nhu cầu bức thiết |
Thực trạng này là do trong thời gian dài, chính sách, cơ chế đầu tư phát triển nhà ở chưa được quan tâm đúng mức. Các địa phương chưa quan tâm đến việc trích lập nguồn vốn từ việc bán, cho thuê mua, cho thuê nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước nên nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực này cũng khó khăn. Đồng thời, các địa phương chưa quan tâm đến việc các dự án phát triển nhà ở trên địa bàn cần trích 30-50% tiền sử dụng đất...
Bên cạnh đó, còn những vướng mắc về chính sách, cơ chế như Luật Nhà ở năm 2005 không cho phép chuyển nhượng nhà ở xã hội làm các nhà đầu tư e ngại. Trong khi đó, điều kiện để tham gia phát triển nhà thương mại lại khá đơn giản (chỉ cần có vốn pháp định từ 6 tỷ đồng trở lên, đăng ký kinh doanh nhà ở, vốn chủ sở hữu từ 15% đến 20% tổng vốn đầu tư), lợi nhuận thu về cao hơn, nhanh hơn và dễ huy động vốn của người mua nên các doanh nghiệp thường tập trung nhiều vào khu vực này.
Hướng đầu tư này gây hậu quả là dư thừa nhà ở trung cấp, cao cấp nhưng lại thiếu nhà ở xã hội, chủ trương giải quyết nhà ở cho người thu nhập thấp không thực hiện được, tác động trực tiếp đến sự phát triển lành mạnh của thị trường bất động sản và là một trong những nguyên nhân dẫn đến nợ xấu của ngân hàng.
Người tiêu dùng gặp khó khăn, bất cập về việc tiếp cận nguồn vốn vay từ gói tín dụng 30.000 tỷ để phát triển nhà ở như trong điều kiện vay, thủ tục còn rườm rà, thời hạn hỗ trợ còn ngắn, lãi suất cao... khiến gói vay này không phát huy tác dụng.
Ngoài ra, hạn chế về nhà ở xã hội là nỗi lo về chất lượng và tiêu chuẩn thiết kế chưa phù hợp; các quy định liên quan đến việc quản lý, vận hành nhà ở còn chưa tốt; chất lượng chưa được đảm bảo; các điều kiện hạ tầng kỹ thuật phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân còn rất bất cập... làm xuất hiện tình trạng một số dự án nhà ở xã hội đã hoàn thành, tuy nhiên, không thu hút được người dân đến ở, lãng phí nguồn lực.
Đoàn giám sát Nhà nước đã đưa ra các giải pháp giải quyết những tồn tại này. Cụ thể, cần dành nguồn vốn từ trái phiếu Chính phủ, ngân sách, phát hành công trái để đầu tư xây dựng loại hình nhà ở này; thu hút các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt, cần quy định trách nhiệm giải quyết nhà ở cho người lao động, công nhân đối với các tổ chức sử dụng lao động.
Đồng thời, trong việc hỗ trợ, tạo điều kiện đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, cần quy định cụ thể trách nhiệm của các địa phương; cân nhắc quy định về Quỹ phát triển nhà ở xã hội để tạo thêm các kênh huy động vốn. Bên cạnh đó, đoàn giám sát đã kiến nghị tái cấp vốn cho các Ngân hàng thương mại, hạ lãi suất, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cá nhân người thu nhập thấp có điều kiện tiếp cận nguồn vốn từ gói tín dụng 30.000 tỷ đồng để đầu tư phát triển nhà ở xã hội và người thu nhập thấp có điều kiện thuê mua, mua nhà ở.
- 0
- By Admin
- 14/11/2014
- 17