Sở hữu nhà có thời hạn: Hay nhưng khó thực hiện
Xung quanh đề xuất sở hữu nhà chung cư có thời hạn của Bộ Xây dựng có nhiều ý kiến khác nhau. Hầu hết đều cho rằng chủ trương này nếu thực hiện được thì rất hay nhưng còn nhiều vấn đề rất lớn cần phải tính đến nếu muốn đưa đề xuất này vào luật.Sợ làm ra không ai mua
“Lâu nay người dân đã quen với việc bỏ tiền ra mua căn hộ chung cư nghĩa là có quyền sở hữu vĩnh viễn, nếu tôi chết đi thì con cháu tôi ở đó. Có an cư mới lạc nghiệp. Đưa ra thời hạn sở hữu nhà, tôi thấy cuộc sống của người dân trong nhà chung cư không yên ổn và đầy phức tạp” - ông Lê Anh Tú ở chung cư Thành Công, Ba Đình, Hà Nội, bày tỏ khi được hỏi ý kiến về đề xuất của Bộ Xây dựng.
Không chỉ người dân e ngại, ngay các chủ đầu tư dự án bất động sản cũng có nhiều băn khoăn về đề xuất này. Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành, cho rằng đề xuất này mâu thuẫn với chủ trương khuyến khích, ưu tiên phát triển nhà chung cư của Nhà nước. Bởi người dân nghe nói sở hữu có thời hạn thì họ sẽ ngần ngại khi mua, thay vào đó cố gắng dành thêm chút ít đi mua đất để được sở hữu lâu dài, vĩnh viễn. Nhà đầu tư cũng băn khoăn khi đầu tư kinh doanh loại hình này khi giá cả, thị trường bị ảnh hưởng.
Trong ảnh: Chung cư Cổ Nhuế - Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm, Hà Nội.Ảnh: HOÀNG VÂN |
Theo ông Lê Chí Hiếu, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Phát triển nhà Thủ Đức (TP.HCM), sở hữu nhà chung cư có thời hạn là một chính sách mà nhiều nước phát triển đã làm từ lâu và nó rất cần thiết cho việc phát triển các đô thị lớn. “Tuy nhiên, ở nước ta, chính sách này hoàn toàn mới mẻ nên chắc chắn sẽ tác động khá lớn đến tâm lý của người mua nhà cũng như chủ đầu tư. Do chưa quen với việc sở hữu có thời hạn căn hộ của mình nên sẽ hình thành rào cản tâm lý khi người dân quyết định mua bán, giao dịch căn hộ” - ông Hiếu nói.
Nhà nước chịu thiệt thì may ra…
Ông Đực cho rằng đề xuất của Bộ Xây dựng chứa đựng sự bất hợp lý khó chấp nhận. “Tại sao đất nền, nhà phố cũng đóng tiền sử dụng đất 10 đồng mà sở hữu vĩnh viễn, trong khi chung cư cũng đóng 10 đồng lại còn phải đầu tư hạ tầng đủ thứ mà lại sở hữu chỉ có thời hạn? Hiện nay doanh nghiệp vừa phải thỏa thuận để mua đất của người dân, sau đó lại đóng tiền sử dụng đất theo giá thị trường cho Nhà nước. Thế nhưng theo đề xuất của Bộ Xây dựng, quyền sử dụng đất vẫn thuộc Nhà nước, vài chục năm sau phải trả lại cho Nhà nước thì thấy vô lý quá” - ông Đực chỉ rõ.
200 khối nhà chung cư cũ trên cả nước đã xuống cấp rất nghiêm trọng, tập trung chủ yếu ở Tp.HCM, Hà Nội và một số TP khác như Hải Phòng, Nam Định, Vinh, Việt Trì… |
Tuy nhiên, theo ông Đực, chủ trương này sẽ được sự ủng hộ của người mua lẫn chủ đầu tư nếu phía Nhà nước chịu hy sinh bớt quyền lợi của mình. “Chẳng hạn không thu tiền sử dụng đất, Nhà nước lãnh trách nhiệm đầu tư cơ sở hạ tầng, miễn thuế… Khi đó giá thành chung cư sẽ giảm và người dân sẽ chấp nhận ngay dù chỉ sở hữu có thời hạn. Còn phía doanh nghiệp cũng có “đất sống”. Nhà nước muốn khuyến khích mô hình nào đó thì cũng phải có chủ trương chính sách nuôi nó” - ông Đực nói.
Đồng quan điểm, ông Lê Chí Hiếu cho rằng Nhà nước nên nghiên cứu kỹ và quy định rõ các điều kiện pháp lý để cả chủ đầu tư cũng như người dân dễ dàng thực hiện. “Đây là vấn đề có liên quan đến việc thay đổi thói quen đã có từ bao đời nay của người Việt nên cần phải có thời gian và lộ trình phù hợp để thích nghi. Về phía doanh nghiệp, nếu luật quy định rõ ràng, cụ thể thì tôi nghĩ cũng chẳng khó khăn khi thỏa thuận với người dân thực hiện những điều kiện quy định trong hợp đồng” - ông Hiếu khẳng định.
Luật có thể thay đổi Chủ trương này là tốt, chống lại tình trạng đầu cơ, xóa dần suy nghĩ nhà chung cư là một tài sản đắt giá hơn là nhà ở đúng nghĩa. Quy định này cũng phù hợp với Luật Đất đai về quyền sử dụng đất. Luật của ta quy định “thời hạn sử dụng đất ở ổn định, lâu dài”. Khái niệm này gần như vĩnh viễn nhưng thật ra vẫn có giới hạn, nó cũng chỉ là “quyền sử dụng” chứ không phải là “quyền sở hữu”. Còn luật dân sự, Luật Nhà ở thì có thể thay đổi, như thế không phải là vấn đề không thể giải quyết. Khi chủ trương này được thực hiện, nhà chung cư chắc chắn sẽ giảm giá, phù hợp với số đông. Còn về quyền lợi công bằng cho chủ đầu tư, chắc chắn Nhà nước phải tính toán đến. Chẳng hạn, đổi thành “cho thuê đất”, thu tiền hằng năm chứ không phải là “giao đất” rồi thu một lần nữa. Tổng số tiền cũng bằng nhau nhưng chia nhỏ nhiều lần và nộp một lần là rất khác nhau. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải giải quyết ra sao với những trường hợp đã mua nhà chung cư? Đó là vấn đề cần lưu tâm và đưa vào quy định pháp luật. Luật sư HUỲNH VĂN NÔNG, Công ty Luật SH Law Không làm được!Chúng tôi đã nhận được văn bản của Bộ Xây dựng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu việc quy định đất xây nhà chung cư cũng có thời hạn để phù hợp với đề xuất sở hữu nhà chung cư có thời hạn của bộ này. Tuy nhiên, tôi thấy ở ta sở hữu nhà chung cư có thời hạn là không thể thực hiện được. Nếu bán nhà sở hữu có thời hạn thì không ai mua. Quan điểm cho rằng quy định thời hạn sở hữu để dễ dàng cho việc cải tạo chung cư cũ cũng cần tính đến thực tế. Việc xây mới lại chung cư cũ đã thấy khó từ cách đây 5-7 năm. Thời điểm đó, chung cư do Nhà nước xây cho cán bộ thuê vẫn còn nhiều. Nhà vẫn thuộc sở hữu Nhà nước, ở đó chỉ là người thuê nhà, thế nhưng Nhà nước có lấy lại được để xây mới không? Rất khó! Từ thực tế đó có thể hình dung là nếu đề xuất này được thực hiện thì 50 năm sau, nó cũng lại giống như tình trạng nhà của Nhà nước đã cho thuê trong thời gian qua. Nhà của Nhà nước nhưng Nhà nước cũng không thu hồi lại được để xây mới, nói gì đến nhà đã bán cho người dân, dù là bán có thời hạn. Ông ĐÀO CHUNG CHÍNH, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường. |
(Theo TPHCM)
- 118
- By Admin
- 25/01/2011
- 17