Sở hữu chung, lợi ích riêng tại các khu TĐC
Diện tích chung tại Khu đô thị Trung Hòa Nhân Chính bị chiếm dụng làm bãi gửi xe. |
Khu tái định cư 7,2ha Vĩnh Phúc (quận Ba Đình) được đưa vào sử dụng từ năm 1998 với hơn 20 khối nhà chung cư là nơi ở mới của các hộ dân diện GPMB mở đường Giang Văn Minh, Ngũ Xã, Cầu Giấy… Mặc dù có đến hàng nghìn hộ dân đang sinh sống, thế nhưng từ khi đưa vào sử dụng đến nay, khu tái định cư này vẫn chưa có chợ dân sinh. Hằng ngày, xung quanh khoảnh sân chơi "kiêm" mặt bể chứa nước của khu dân cư (trước các dãy nhà A, B, C, D) trở thành điểm họp chợ. Nhiều khối nhà "ăn theo" chợ, biến vỉa hè thành nơi kinh doanh hoặc cho thuê kinh doanh. Gầm cầu thang bị chiếm dụng làm nơi chứa đồ, sảnh cầu thang bị lấn chiếm để bán hàng nước, hàng quà…
Diện tích chung của nhiều khu tái định cư bị lấn chiếm tràn lan. (Ảnh chụp tại Khu tái định cư 5,3ha Dịch Vọng và Khu 7,2ha Vĩnh Phúc). Ảnh: Yên Khánh |
Tại khu tái định cư 5,3ha Dịch Vọng (Cầu Giấy), việc lấn chiếm cầu thang, đường dạo… của các tòa nhà để kinh doanh cũng diễn ra tương tự. Trên vỉa hè trước nhà N02, N03, nhiều hàng quán đã "nhảy dù" cắm ô, kê bàn ghế bán hàng nước. Tại tòa nhà 14 tầng N03, khoảng sân rộng trước tiền sảnh trở thành nơi trông giữ ô tô, choán gần hết lối đi. Đặc biệt, nhiều hộ dân ở dãy N13 rất bức xúc trước việc, thời gian qua các hộ dân sống ở mặt đường Trần Đăng Ninh (thuộc tổ 60 phường Dịch Vọng) ngang nhiên chiếm dụng hành lang chung giáp ranh với các khối nhà trong khu tái định cư, gây ảnh hưởng đến lối thoát hiểm.
Thậm chí, chợ xe máy, đồ cũ cũng tràn sang hoạt động, gây lộn xộn, mất an ninh. "Vô địch" về việc chiếm dụng diện tích sử dụng chung, lấn chiếm lối đi, vỉa hè để kinh doanh, trông giữ ô tô… có lẽ thuộc về khu tái định cư Trung Hòa - Nhân Chính do khu vực này có mật độ dân cư đông, lại nằm ở vị trí khá thuận lợi, có nhiều cơ quan, doanh nghiệp… Vỉa hè, đường dạo của hầu hết các khối nhà ở đây đều đã thành bãi đỗ xe ô tô. Bám theo tuyến phố Hoàng Đạo Thúy, rất nhiều hàng nước, quán ăn vặt mọc lên "ken" kín vỉa hè, lối đi giữa các khối nhà N5B, N5D, N6A, N6B... biến khu đô thị mới trở nên lộn xộn, nhếch nhác.
Động chạm đến lợi ích của một nhóm người, vì vậy, nhiều người dân khi tiếp xúc với chúng tôi đều có tâm lý ngại "va chạm", nên đề nghị phóng viên không nêu danh tính trên mặt báo. Trước tình trạng lấn chiếm diện tích chung, nhiều lần chính quyền sở tại đã ra quân giải tỏa, song chỉ một thời gian "đâu lại hoàn đó" là trường hợp xảy ra tại khu tái định cư Nam Trung Yên (Cầu Giấy). Theo quy hoạch, mỗi tòa nhà tại đây có khoảng 1.000m2 diện tích sử dụng chung, gồm sân chơi, cầu thang, đường dạo mà quy chế sử dụng nhà chung cư quy định rõ không ai có quyền sử dụng riêng dưới bất kỳ hình thức nào. Tuy nhiên, trên thực tế, việc vi phạm diễn ra ở hầu khắp các khối nhà B3A, B3B, B3C, B3D, B6A, B11A, B11B, B11C… Từ việc trên tầng, hộ dân kinh doanh ăn uống lấy hành lang làm nơi bán hàng đến dưới mặt đất, một số hộ chiếm sân chơi dựng lều quán, khoan đục tường để căng lều bạt. Thậm chí có trường hợp chiếm dụng cả cửa thoát hiểm để làm kho.
Điều 23 trong Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư ban hành kèm theo Quyết định 08/2008/QĐ-BXD ngày 25/8/2008 của Bộ Xây dựng nêu rõ, những hành vi bị nghiêm cấm trong sử dụng nhà chung cư là cơi nới, chiếm dụng diện tích, không gian thuộc phần sở hữu chung hoặc phần sử dụng chung dưới mọi hình thức. Điều 71 Luật Nhà ở (có hiệu lực từ năm 2006) quy định: nhà chung cư phải có ban quản trị. Ban quản trị nhà chung cư là người đại diện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ sở hữu và những người sử dụng trong quá trình sử dụng nhà chung cư…
Tuy nhiên, ở các khu tái định cư trên địa bàn Hà Nội, hầu hết các chính sách về nhà ở theo luật định đều không được thực hiện nghiêm túc. Các khối nhà tái định cư đều chưa thành lập ban quản trị, hay có thành lập trên danh nghĩa mà không hề có thực quyền. Ngoài ra, tình trạng chất lượng nhà tái định cư xuống cấp, hạ tầng kỹ thuật không bảo đảm, việc quản lý, vận hành của đơn vị khai thác dịch vụ chung cư có nhiều khuất tất…
Xử lý nghiêm các hành vi chiếm dụng diện tích chung để kinh doanh, xóa tình trạng nhếch nhác tại các khu đô thị, nghiên cứu quy hoạch cấp phép trông giữ xe nhằm hạn chế tình trạng Nhà nước thất thu, tiền chảy vào túi của một số đối tượng là những việc làm mà người dân đòi hỏi chính quyền sở tại sớm triển khai, thực hiện.
(Theo HNM)
- 129
- By Admin
- 20/03/2012
- 17