• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Sở hữu chung cư có thời hạn: Hạn chế đầu cơ?

Ưu và nhược

Bạn đọc Hồ Tiến Vũ nêu quan điểm: Quyết định của Bộ Xây dựng về sở hữu chung cư có thời hạn là một quyết định có ưu điểm về nhiều mặt và cũng gây không ít băn khoăn cho người dân.

Tránh đầu cơ do giá trị tiền mặt mua chung cư ở thời điểm ban đầu giảm dần theo thời gian kéo theo giá trị nhà chung cư giảm; tạo thời hạn sửa chữa và bảo trì chung cư.

Tuy nhiên, nếu nói người lao động được hưởng lợi thì cũng chưa hẳn: Thứ nhất, vì quan niệm “an cư lạc nghiệp” của người dân ở nước ta, chẳng ai muốn bỏ ra một số tiền lớn để mua một căn hộ mà 50 năm sau con cháu họ không thể bán lại và xem đó như của hồi môn; thứ hai, nếu nhìn nhận thẳng vấn đề thì giải pháp này so với việc người lao động đi thuê nhà có gì khác nhau hay không? Phải chăng khác nhau chỉ ở 2 chữ “mua” và “thuê”?

Theo ý kiến cá nhân tôi, Bộ Xây dựng nên quy định thời hạn 50 năm để sửa chữa, bảo trì chung cư thì hợp lý hơn, việc tránh đầu cơ cần căn cứ theo mức thu nhập bình quân đầu người, địa điểm công tác, ưu tiên cho những người có thu nhập thấp, có địa điểm công tác, làm việc gần địa bàn khu chung cư nhất. Nhưng hiện nay mức thu nhập bình quân đầu người của mỗi hộ gia đình có nắm rõ hoặc ước tính được hay không thì vẫn còn là một dấu chấm hỏi lớn.

Để giảm giá?

Lý do chính khiến giá chung cư hiện tại cao vô lý là do những yếu tố tác động đến thị trường như: Vấn đề minh bạch hóa, chính sách chống đầu cơ, thuế tài sản... Làm tốt những điều này sẽ tạo một thị trường nhà đất lành mạnh và khi đó đương nhiên giá sẽ trở nên hợp lý, bền vững: Người có nhu cầu mua được nhà, doanh nghiệp kinh doanh có lãi. Nếu nói là đề xuất này để giảm giá theo nghĩa đen thuần túy thì tôi cho rằng sẽ không thành công vì yếu tố tâm lý, chung cư sẽ mất đi phần lớn khách hàng.

Để tạo điều kiện cải tạo chung cư cũ ư? Vậy thì chỉ cần quy định thời hạn bảo dưỡng, xây mới lại, với điều kiện người đang sở hữu vẫn còn quyền đối với chung cư cải tạo mới (có thể chia sẻ một phần chi phí xây dựng, sửa chữa mới).

Để chống đầu cơ ư? Nhưng người ta đâu chỉ đầu cơ chung cư? Với đề xuất mới họ sẽ đầu cơ đất. Hơn nữa, một khi đầu cơ, chẳng ai ôm quá 1-2 năm cả, vậy xét về tỉ lệ thời gian thì điều đó không có ý nghĩa gì trong việc giảm giá của căn hộ.

Nhưng có lẽ, cái sai về pháp lý là đáng quan ngại hơn cả. Về nguyên tắc, chỉ có đất hiện tại là không tồn tại khái niệm sở hữu mà chỉ có quyền sử dụng, ở thời điểm hiện tại tôi đồng ý quan điểm này, nhưng còn nhà chung cư thì không nhất thiết như vậy vì đơn giản nó được xây trên nền đất không có quyền sở hữu vĩnh viễn và người dân còn quyền sở hữu về mặt tài sản với căn hộ của họ. Không thể chấp nhận được cách nói sau một thời hạn thì trả lại và trắng tay.

Nếu chính sách này được ban hành, chung cư sẽ rớt giá thê thảm. Ngược lại, tâm lý chỉ mua đất xây nhà cá nhân sẽ dẫn đến không tận dụng hiệu quả đất đai... Khi đó, “vương miện” cho giá đất cao nhất thế giới chắc chắn không thể có nơi nào khác ngoài thị trường Việt Nam. Đó là ý kiến của bạn đọc Lê Trung.

Hệ lụy

Nên khuyến khích xây dựng chung cư và khuyến khích người dân mua chung cư để ở, sinh sống trong các chung cư mới. Chung cư vừa văn minh, an ninh, thoáng mát, tiện các dịch vụ và điều quan trọng là đỡ tốn quỹ đất, vốn không sản sinh ra được.

Nhìn những cánh đồng tươi tốt sắp bị san lấp thành các lô biệt thự, liền kề ai mà không xót. Đáng tiếc, nhiều khi các lô ấy đến 10 năm vẫn chỉ là đất nền cho cỏ mọc, biệt thự và nhà xây thô phơi sương phơi nắng.

Đề xuất của Bộ Xây dựng chỉ cấp quyền sở hữu 50 năm cho chung cư là một vấn đề rất lớn, về luật pháp, liên quan đến nhiều luật khác, hẳn phải đưa ra Quốc hội xem xét. Về tác động xã hội cũng rất lớn, vì liên quan đến lợi ích của số dân rất đông hiện đang sống và sẽ sống trong các chung cư. Những người đang có quyền sở hữu lâu dài bây giờ bị chuyển thành sở hữu 50 năm thì có phù hợp luật pháp không? Những chung cư sắp giao nhận, khi mua người dân được cam kết có quyền sở hữu lâu dài thì bây giờ làm thủ tục cấp sổ đỏ lại cấp sở hữu 50 năm, dĩ nhiên gây bức xúc và có hợp luật không?

Về hiệu quả mong muốn của đề xuất này là việc phá dỡ các chung cư hết hạn sử dụng sẽ dễ dàng hơn thì e rằng cũng không đạt. Vấn đề cơ bản vẫn là phải giải quyết chỗ ở khác cho người dân khi phá dỡ. Hệ lụy của đề xuất này thì xã hội sẽ hứng chịu ngay: Chung cư sẽ kém hấp dẫn, người dân sẽ thích lao vào đất, cầu về chung cư giảm, xây dựng chung cư mới cũng sẽ khó bán, cung về nhà ở giảm, giá đất nhảy vọt. Ai cũng mong có một miếng đất thì rồi không hiểu sau này lấy đâu ra đất. Giá đất cũng tham gia chiếm đến 80% giá xây dựng chung cư, nên cũng chẳng hy vọng về lâu dài giá chung cư hạ.

Sau khi phân tích những hệ lụy, bạn đọc Minh Ngọc kiến nghị: Bộ Xây dựng cần cân nhắc kỹ trước khi đưa ra những cú sốc cho thị trường và xã hội như đề xuất này.    

(Theo Lao Động)

  • 0
  • By Admin
  • 12/02/2011
  • 17