"Sổ hồng" chung cư: Nộp hồ sơ đã khó, được giải quyết càng khó hơn
Nguyên nhân dẫn đến sự mâu thuẫn này là do cư dân Bemmes CT6 - Xa La đòi nộp giấy tờ hồ sơ xin cấp "sổ hồng" theo đúng quy định mới được Chính phủ ban hành năm 2014, còn Văn phòng Đăng ký Nhà đất Hà Nội yêu cầu nộp giấy tờ theo thủ tục cũ.
Thủ tục xin cấp "sổ hồng" khó từ khâu nộp hồ sơ đến khâu giải quyết
Tuân theo quy định tại Khoản 3 Điều 72, Nghị định 43/2014/NĐ-CP, người dân chung cư Bemmes CT6 - Xa La đem hồ sơ gồm Đơn xin đăng ý làm giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà đất, Hợp đồng mua bán nhà ở, Biên bản bàn giao nhà ở đến nộp cho Văn phòng Đăng ký Nhà đất Hà Nội. Tuy nhiên, Văn phòng Đăng ký Nhà đất lại yêu cầu người dân nộp thêm Biên bản thanh lý hợp đồng, hóa đơn VAT, xác nhận sổ hộ khẩu, xác nhận thay đổi chứng minh nhân dân, xác nhận tình trạng hôn nhân cùng với nhiều văn bản khác và tất cả các tài liệu đều phải là bản gốc. Trong khi đó, theo quy định tại Khoản 2 Điều 11 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT, người dân có thể nộp cả bản sao công chứng và bản sao photo copy.
Trước nguy cơ hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở của mình bị từ chối, các cư dân chung cư Bemmes CT6 Xa La đã in tất cả các văn bản gồm Nghị định 43/2014/NĐ-CP, Thông tư 24/2014/TT-BTNMT và gửi cán bộ thụ lý hồ sơ và phản ứng gay gắt, Văn phòng Đăng ký Nhà đất mới chịu thu nhận hồ sơ
"Cuộc chiến" giành quyền nộp hồ sơ đúng quy định của người dân CT6 phải kéo dài trong suốt gần tháng rưỡi mới có kết quả. Thế nhưng, những bộ hồ sơ này lại bị "ngâm" quá hạn trong khi bộ phận thụ lý hồ sơ không ban hành bất kỳ văn bản nào để thông báo. Khi đem thắc mắc này lên gặp nhân viên Văn phòng Đăng ký Nhà đất thì được trả lời là "làm sổ theo đợt", "chưa có sổ vì chưa làm đúng đợt", "hồ sơ đã gửi sang bên thuế nhưng họ chưa chấp nhận",... Trong khi đó, những người chịu bỏ phí cao làm qua chủ đầu tư thì đã nhận được sổ dù nộp hồ sơ muộn hơn nhiều.
"Sổ hồng" là niềm mong mỏi của hàng chục nghìn hộ dân chung cư tại Hà Nội |
Ngóng đợi được cấp sổ đỏ theo đúng quy định, các hộ dân tại chung cư CT6 vẫn phải tiếp tục theo đến cùng để đòi quyền lợi chính đáng. Trong khi thực tế thì "sổ hồng" vẫn chưa thể đến tay dân do bị thủ tục hành chính cản.
Người dân "tiến thoái lưỡng nan"
Văn phòng Đăng ký Nhà đất Hà Nội sau khi nhận hồ sơ của người dân thì yêu cầu phải cung cấp thêm một số giấy tờ do chủ đầu tư nắm giữ. Theo chị Phạm Thu Hằng, cư dân tòa CT10, KĐT Đại Thanh, chị có đến Sàn Giao dịch Mường Thanh để rút giấy tờ còn thiếu thì nhân viên yêu cầu chị phải tới Chi nhánh Dịch vụ nhà ở và Quản lý KĐT Mường Thanh ở Xa La, Hà Đông để xác nhận trước. Đến nơi, nhân viên đưa chị một mẫu đơn soạn sẵn, yêu cầu chị điền vào mẫu rồi ký. Chị Hằng băn khoăn vì cuối đơn có đoạn "Tôi cam kết không yêu cầu chủ đầu tư làm thủ tục cấp giấy chứng nhận và không khiếu nại gì khác". Nhà chị có diện tích nhỏ hơn quy định được cấp sổ, khi mua chủ đầu tư đã hứa sẽ hỗ trợ làm sổ nên mới yên tâm quyết định mua nhà. Bây giờ nếu chị ký vào đơn này thì chẳng khác gì tự đưa mình vào thế khó, sau này nếu không may chủ đầu tư lấy đơn này ra và "phủi tay" thì chị khó lòng mà đăng ký quyền sở hữu cho căn hộ của mình.
Thêm nữa, người dân đã thanh toán hết tiền cho chủ đầu tư thì những giấy tờ như biên bản thanh lý và hóa đơn VAT, chủ đầu tư phải có trách nhiệm giao cho người mua, không thể có chuyện phải làm đơn và ký cam kết như vậy. Chị Hằng cho biết, chị đã không ký đơn và chưa vội làm "sổ hồng", chờ tình hình xem thế nào.
Một cư dân tại CT8, KĐT Đại Thanh là anh Nam Giang cho biết, căn hộ của gia đình anh đủ tiêu chuẩn làm sổ, tuy nhiên, anh muốn làm cho nhanh nên ký nộp đơn thì được hẹn là 4 ngày sau quay lại lấy đơn có xác nhận của Chi nhánh Dịch vụ nhà ở và Quản lý KĐT Mường Thanh. Khi lấy được đơn, anh đưa sang sàn Mường Thanh và lại được hẹn tiếp 10 ngày sau đến lấy hóa đơn VAT. Tính gộp lại, riêng khoản rút giấy tờ với chủ đầu tư, anh Giang đã mất công đi lại vài lần và mất tới cả nửa tháng trời.
Như vậy, tự làm thủ tục xin cấp "sổ hồng" thì phải tút giấy tờ ra, phải viết đơn cam kết có thể gây bất lợi sau này. Còn nếu giao cho chủ đầu tư làm thì mất khá nhiều tiền, tới hơn 5 triệu đồng, một số tiền cao hơn mức thu phí của nhà nước tới gần 10 lần, trong khi cũng chưa biết chủ đầu tư đã làm nghĩa vụ tài chính để chung cư đủ điều kiện cấp "sổ hồng" hay chưa.
Cần ngăn chặn việc gây khó khăn cho người dân
Các quy định mới được ban hành đều thể hiện thủ tục cấp "sổ đỏ", "sổ hồng" rất dễ dàng, thông thoáng. Tuy nhiên, đơn vị trực tiếp đứng ra làm là Văn phòng Đăng ký Nhà đất vẫn giữ lại rất nhiều rào cản về thủ tục hành chính mà nhà nước đã gỡ bỏ. Hậu quả của tình trạng này là Hà Nội đang có tỷ lệ cấp "sổ hồng" cho nhà chung cư thấp nhất cả nước và nảy sinh những tiêu cực khiến dư luận bức xúc trong thời gian qua. UBND TP. Hà Nội cần giám sát và chỉ đạo sát sao việc thực hiện cấp sổ hồng, sổ đỏ theo đúng các quy định của nhà nước.
Mong muốn của người dân đang sinh sống tại các chung cư vẫn là chủ đầu tư có trách nhiệm đứng ra làm "sổ hồng" cho người dân với mức phí đúng theo quy định của nhà nước.
- 0
- By Admin
- 03/11/2014
- 17