• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Sổ đỏ ghi tên cả dòng họ?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 220 Bộ luật dân sự năm 2005 về sở hữu chung của cộng đồng: “Sở hữu chung của cộng đồng là sở hữu của dòng họ, thôn, ấp, làng, bản, buôn, sóc, cộng đồng tôn giáo và các cộng đồng dân cư khác đối với tài sản được hình thành theo tập quán, tài sản do các thành viên của cộng đồng cùng nhau đóng góp, quyên góp, được tặng cho chung hoặc từ các nguồn khác phù hợp với quy định của pháp luật nhằm mục đích thoả mãn lợi ích chung hợp pháp của cả cộng đồng”.

Điều luật trên cũng quy định: Tài sản chung của cộng đồng là tài sản chung hợp nhất; các thành viên của cộng đồng cùng quản lý, sử dụng, định đoạt tài sản chung theo thoả thuận hoặc theo tập quán, vì lợi ích của cộng đồng nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.

Liên quan việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho đất thuộc sở hữu chung của cộng đồng dân cư, Luật Đất đai hiện hành cũng quy định: Đối với đất thì giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sẽ được cấp cho cả cộng đồng dân cư và trao cho người đại diện hợp pháp của cộng đồng dân cư đó (Khoản 3 Điều 48 Luật đất đai năm 2003). Đồng thời, đất thuộc sở hữu chung của cộng đồng dân cư thì “không được chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, tặng cho quyền sử dụng đất; không được thế chấp, bảo lãnh, góp vốn bằng quyền sử dụng đất”. (Khoản 2 Điều 117 Luật đất đai năm 2003).

Như vậy, trong trường hợp dòng họ bạn muốn mua đất để xây từ đường cho cả dòng họ thì mảnh đất để xây từ đường sẽ là tài sản thuộc sở hữu chung của cả dòng họ, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sẽ được cấp cho cộng đồng dòng họ (chứ không cấp riêng cho một cá nhân nào) và trao cho người quản lý từ đường (người đại diện cho cả dòng họ) nắm giữ.

Trường hợp việc mua đất để xây từ đường chỉ phục vụ cho riêng gia đình bạn thì các thành viên trong gia đình có thể thỏa thuận mảnh đất này là tài sản chung của cả gia đình. Khi đó, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sẽ được cấp cho hộ gia đình, các thành viên có quyền ngang nhau đối với mảnh đất đó. Nếu một thành viên muốn định đoạt phần sở hữu của mình trong mảnh đất đó phải được sự đồng ý của các thành viên còn lại.

Tóm lại, đất để xây từ đường thuộc sở hữu chung của cả dòng họ sẽ bảo đảm tính ổn định và tránh được những tranh chấp phát sinh. Do vậy, bạn và gia đình nên cân nhắc, bàn bạc kỹ lưỡng trước khi tiến hành thực hiện.

Luật sư, Thạc sĩ Phạm Thanh Bình
Công ty Luật Hồng Hà, Hà Nội

(Theo VnExpress)

 


  • 227
  • By Admin
  • 26/11/2010
  • 17