"Sở Xây dựng không bỏ mặc người dân trong việc tranh chấp chung cư"
Sáng nay, sau phần trả lời chất vấn của Phó Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Văn Khôi, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Thế Hùng đã trả lời chất vấn của các đại biểu về những bất cập trong việc quản lý chung cư trên địa bàn thành phố.Mở đầu phần trả lời chất vấn, Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Thế Hùng cho biết, từ năm 2001 đến nay, trên địa bàn thành phố nhiều nhà chung cư cao tầng đã đưa vào sử dụng và được quản lý theo một trong 3 mô hình, trong đó mô hình Chủ đầu tư trực tiếp quản lý là dạng quản lý phổ biến nhất do rất nhiều dự án chung cư chưa hoàn thành bàn giao hạ tầng (hoàn chỉnh thủ tục); do số dân về ở chưa đạt 50%; do chưa thành lập được Ban quản trị… đây cũng là dạng quản lý phức tạp nhất.
Mô hình Ban quản trị quản lý áp dụng cho các dự án là nhà chung cư thương mại, qua khảo sát mô hình quản lý này rất ít, một số nhà chung cư đã thực hiện việc quản lý thì chủ yếu vẫn thông qua chủ đầu tư để ký kết hợp đồng cung cấp dịch vụ.
Mô hình Công ty TNHH một thành viên quản lý và Phát triển nhà quản lý bao gồm các nhà chung cư tái định cư phục vụ di dân GPMB; nhà chính sách ...
Ông Hùng cũng cho biết, tại một số dự án đã phát sinh mâu thuẫn do chưa thống nhất về giá và chất lượng cung cấp các dịch vụ nhà chung cư giữa một số hộ dân sử dụng dịch vụ và chủ đầu tư hoặc đơn vị quản lý nhà chung cư; do tranh chấp quyền quản lý sử dụng tầng hầm hoặc tầng 1 và tầng mái gây ra mất ổn định trật tự, ảnh hưởng tới đời sống, sinh hoạt bình thường của các hộ dân (tại chung cư Keangnam, đường Phạm Hùng, huyện Từ Liêm, khu chung cư Golden Westlake 151 Thụy Khuê, quận Tây Hồ, khu chung cư The Manner, chung cư 93 Lò Đúc, quận Hai Bà Trưng...).
Bên cạnh đó, nhiều dự án nhà chung cư được bàn giao đưa vào sử dụng đã lâu nhưng trong quá trình đầu tư còn thiếu thủ tục dẫn đến chưa hoàn thành được việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà cho người mua nhà.
Nguyên nhân của những tồn tại này, theo ông Hùng, là do các quy định về quản lý, sử dụng nhà chung cư còn thiếu, chồng chéo và nhiều nội dung bất cập, không phù hợp với thực tiễn; nội dung hợp đồng mua bán căn hộ nhà chung cư mang tính áp đặt của chủ đầu tư khi giao bán căn hộ đồng thời người mua nhà chưa dành sự quan tâm thích đáng đến trách nhiệm của mình trong hợp đồng dẫn tới tình trạng tranh chấp khi nhận và sử dụng căn hộ.
Các chung cư mới liên tục được mọc lên tại Hà Nội. |
Một số chủ đầu tư chưa thực hiện trách nhiệm theo quy định như: Chưa hoàn thành thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu nhà cho người mua nhà. Chưa tổ chức hội nghị nhà chung cư để thành lập Ban quản trị, chưa thực hiện công khai minh bạch tài chính đối với các khoản thu phí của các hộ dân và chi phí quản lý của công ty...
Sau khi nêu ra các hạn chế trên, ông Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, để tháo gỡ các khó khăn, bất cập về quản lý sử dụng nhà chung cư, UBND thành phố đã ban hành các văn bản để chấn chỉnh việc này.
"Riêng Sở Xây dựng đã thành lập đoàn kiểm tra, xử lý những vi phạm trong quản lý vận hành nhà chung cư, vi phạm về thực hiện cung cấp dịch vụ nhà chung cư, đồng thời tham mưu đề xuất giải pháp về mô hình quản lý chung cư, phương pháp xác định giá dịch vụ nhà chung cư vv…, báo cáo UBND Thành phố trong quý III/2012", Giám đốc Sở Xây dựng cho biết..
Thành lập các Ban Quản trị chung cư là cần thiết
Trả lời câu hỏi của các đại biểu Bùi Hiền Mai và Nguyễn Hoài Nam về vấn đề cấp bách phải thành lập Ban quản trị chung cư, cũng như giải quyết tranh chấp ở các tòa nhà, ông Nguyễn Thế Hùng cho rằng, việc thành lập Ban Quản trị là cần thiết và hiện nay vẫn đang được thực hiện ở các khu chung cư, tuy nhiên vẫn chưa nhiều.
Về vấn đề tranh chấp giữa chủ đầu tư và người dân trong các khu chung cư, ông Hùng khẳng định, Sở Xây dựng vẫn thể hiện vai trò của mình trong việc thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương, chủ đầu tư và Ban Quản trị các tòa nhà để cùng giải quyết tranh chấp theo hướng giữ ổn định trật tự, tạo điều kiện sinh hoạt tốt nhất cho người dân.Cũng theo ông giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, tại quyết định 08/ QĐ - UB (ngày 28/5/2008) thành phố có ghi rõ những quy chế quản lý nhà chung cư. Tuy nhiên, đây là văn bản đầu tiên trong lĩnh vực quản lý nhà chung cư nên còn nhiều bất cập khi áp dụng vào thực tiễn.
“Sở đang tiếp tục nghiên cứu để tham mưu cho thành phố sao cho trong vòng 2 năm tới sẽ có văn bản về quản lý nhà chung cư với những quy định hợp lý nhất”, ông Giám đốc Sở Xây dựng cho biết.
Trước câu hỏi của các đại biểu Nguyễn Liên Quân và Nguyễn Văn Tài về cấp giấy chứng nhận (GCN) cho các hộ dân ở chung cư, ông Hùng cho rằng, việc này thuộc trách nhiệm và thẩm quyền của Sở Tài nguyên Môi trường và Nhà đất. Còn về vai trò quản lý nhà nước lại thuộc về quận, huyện, chính quyền địa phương.
Tuy nhiên, liên quan tới việc chậm bàn giao căn hộ, dẫn tới người dân chưa thể được cấp giấy chứng nhận thì ông Hùng hứa sẽ tích cực đôn đốc chủ đầu tư phải sớm bàn giao căn hộ (nhất là ở các khu tái định cư) cho nhân dân.
Riêng vấn đề áp dụng giá trần cho phí dịch vụ tại các khu chung cư (câu hỏi của đại biểu Nguyễn Tuấn Thịnh), ông Hùng cho biết, Hà Nội là địa phương đầu tiên đi đầu trong việc áp dụng giá trần cho phí dịch vụ tại khu chung cư nên còn nhiều bất cập với thực tiễn và sẽ vẫn còn được điều chỉnh.
"Tuy nhiên, không thể có mô hình thu phí dịch vụ chung để áp dụng cho tất cả các chung cư ở Hà Nội bởi trên thực tế có 2 dạng nhà chung cư (do Nhà nước đầu tư và do doanh nghiệp đầu tư). Do vậy phải đưa ra mô hình quản lý, cũng như thu phí dịch vụ phù hợp theo dạng "cách đầu tư nào thì có mô hình quản lý đó" nhằm đảm bảo công bằng quyền lợi cho cả chủ đầu tư lẫn người dân trong khu chung cư..", Giám đốc Sở Xây dựng cho biết.
(Theo VnMedia)
- 127
- By Admin
- 13/07/2012
- 17