Sở Quy hoạch Kiến trúc e ngại về căn hộ 25m2
Về chủ trương chia nhỏ căn hộ tại các dự án ra thành nhà ở xã hội của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc Nguyễn Văn Hải tỏ ra e ngại điều này.Theo ông Hải, ở đây có vấn đề về cơ chế chính sách. Tiêu chuẩn một dự án chung cư có quy định 1 cầu thang bao nhiêu căn hộ sử dụng, rồi liên quan đến thoát người phòng hỏa, mật độ sinh hoạt chung… Việc điều chỉnh này là tăng dân số nên cần cẩn thận nếu không sẽ phá vỡ hạ tầng xã hội xung quanh vì những dự án đã giải phóng rồi thì hạ tầng xã hội đã tính toán xong từ trước.
Ông Hải cũng cho biết, qua rà soát các dự án còn tồn đọng hiện nay ở Hà Nội, thì một trong những điểm làm tăng tính hấp dẫn của dự án là đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng xã hội. Nếu đầu tư tốt thì sức mua sẽ tăng, việc chia nhỏ căn hộ chỉ là một biện pháp bên cạnh biện pháp này. Hiện nay đa số các dự án nhà ở làm trước, hạ tầng làm sau nên người mua không mặn mà.“Hiện chúng tôi đang rà soát lại toàn bộ quỹ nhà, đặc biệt ở ngoài vành đai 2, vành đai 3 để cân đối lại nhu cầu. Qua việc rà soát, TP.Hà Nội sẽ phối hợp với Bộ Xây dựng phân loại dự án sắp hoàn thành để bơm tiền cho làm nốt; còn những dự án mới làm móng hoặc chưa triển khai thì có cơ chế để chủ đầu tư dừng dự án, không triển khai để không tăng nguồn cung cho thị trường dẫn đến ế thừa. Chúng tôi cũng cam kết việc phát triển quy hoạch sẽ có lộ trình cụ thể, chứ không phải vết dầu loang như trước đây, gây lãng phí. Các quy hoạch phân khu cũng sẽ làm chi tiết và để người dân biết” - ông Hải cho biết.
Cũng theo ông Hải, với những dự án đang làm thủ tục lập hồ sơ quy hoạch tại Sở Quy hoạch Kiến trúc, sở cũng rất phân vân, không cho họ làm tờ khai để cung cấp thêm sản phẩm cho thị trường. “Trước mắt có thể sẽ tạm thời đình lại các sản phẩm này để tiêu thụ nốt những dự án đang tồn đọng hiện nay” - ông Hải nhận định.
Về chủ trương với những dự án đã được bàn giao nhưng phải tạm dừng chờ quy hoạch chung thì Bộ Xây dựng nên có cơ chế chính sách cụ thể, việc chuyển đổi sang mục đích sử dụng khác phải tính toán kỹ vì dự án đã GPMB rồi thì chức năng quy hoạch sử dụng đất phải đúng quy hoạch đã được xác dịnh. Nếu không có chính sách rõ ràng thì thanh tra sẽ vào cuộc mà chủ đầu tư thì thà để đất hoang còn hơn suốt ngày phải làm việc với thanh tra.
Ông Nguyễn Ngọc Thành – Chủ tịch Hiệp hội BĐS Hải Phòng: Trong 4 nhóm giải pháp mà Bộ trưởng đưa ra thì tôi cho rằng giải pháp xử lý trước mắt cho phép điều chỉnh dự án tạm thời là rất quan trọng, là gỡ cho DN thoát khỏi bờ vực phá sản. Ví dụ như chúng tôi đang có một dự án BĐS nhà ở nhưng ở thời điểm hiện nay nếu triển khai cũng không khả thi, nếu được tạm thời chuyển thành nhà hàng hoặc mục đích khác thì mới có cơ giữ được dự án. Vấn đề khó khăn nhất hiện nay, theo tôi là giá thành BĐS vẫn còn quá cao. Chi phí đầu vào quá bất cập, trong chi phí giá thành thì có dự án lãi suất ngân hàng chiếm đến 50%. Tôi xây nhà thu nhập thấp mà cơ cấu lãi suất ngân hàng trong giá thành cũng chiếm đến 20%, như thế thì giá nhà làm sao mà hạ được, chưa nói đến dự án nào không tiếp cận được vốn ngân hàng, phải vay tín dụng đen thì giá còn cao nữa. Về chính sách tín dụng cũng vậy. Không có chủ đầu tư nào không đi vay nhưng dự án đang triển khai, ngân hàng đột ngột không cho vay nữa thì khối nợ của DN với NH đang là “nợ đẹp” lại biến thành “nợ xấu”. Theo tôi, trạng thái bất ổn của thị trường BĐS hiện nay phần nhiều là do thiếu định hướng. Nhà nước phải có quy hoạch tổng thể của đô thị trước chứ không phải do DN đề xuất lên. Ông Đoàn Châu Phong _ Phó TGĐ Vinaconex: Nếu được điều chỉnh dự án thì đây là điều mong đợi của hàng trăm DN. Nhưng để làm được điều này, thành phố cần nhắc rào cản ra, Bộ Xây dựng cần có cơ chế chính sách để chúng tôi điều chỉnh trên cơ sở hạ tầng không bị nén, không phá vỡ dự án ban đầu nhiều. Ngoài ra, theo tôi hiện nay có tình trạng DN không đủ năng lực, tìm mọi cách thoát khỏi cuộc chơi bằng cách bán phá giá, gây tâm lý chờ đợi giảm sâu thêm trong người dân. Tôi cho rằng, Bộ Xây dựng và thành phố cần có chính sách chống bán phá giá để bảo vệ các DN làm ăn trung thực. Về chủ trương đẩy mạnh xây nhà ở xã hội của bộ là chủ trương đúng nhưng với chúng tôi nhà xã hội làm ra rồi nhưng người mua không nộp tiền vì không có tiền. Giá nhà ở xã hội = giá thành + 10% lợi nhuận định mức nhưng Vinaconex chưa có dự án nào cộng quá 5% nhưng nếu các DN phá giá nhà thương mại thì sẽ dẫn đến tâm lý người dân chờ đợi, không mua nhà ở xã hội nữa. Ông Lê Hữu Nghĩa - Tổng Giám đốc Cty Lê Thành (TPHCM): Tôi cho rằng nên dùng đòn bẩy tài chính để tạo đầu ra cho DN BĐS và tạo điều kiện tiếp cận nhà ở cho một bộ phận người dân chưa có nhà. Thay vì Nhà nước bơm 20.000 tỉ đồng cho các DN thì nên cho người dân vay số tiền này. Nếu mỗi người dân được vay 600 triệu để mua căn hộ 1 tỉ đồng thì sẽ giải quyết được 35.000 người dân mua được nhà. Như vậy sẽ giải quyết được nhiều mục tiêu, DN bán được nhà, người không có nhà có điều kiện tiếp cận được nhà ở. Bên cạnh đó, Chính phủ nên miễn giảm thuế VAT, tiền sử dụng đất cho DN bởi nếu DN được miễn 2 loại thuế này sẽ có tác động trực tiếp lên giá thành nhà đất, có thể kéo giảm giá nhà đất xuống 30 - 40%. Thậm chí có thể điều tiết việc thu tiền sử dụng đất cho phù hợp (khoảng 10 -20% theo bảng giá đất do nhà nước quy định cho mỗi định kỳ 5 năm); phát triển mô hình nhà ở bình dân... |
(Theo Lao động)
- 0
- By Admin
- 26/10/2012
- 17