Singapore tìm cách bán giải pháp đô thị
Các nhà quy hoạch Singapore luôn tìm cách giữ những đặc thù văn hóa, khoảng xanh
trong tầm phát triển đô thị - Ảnh: Thanh Liêm
Hội nghị thượng đỉnh các thành phố lớn thế giới (WCS) đã khai mạc tại Singapore ngày 28-6, với sự tham dự của lãnh đạo nhiều đô thị khu vực châu Á - Thái Bình Dương, các chuyên gia về quy hoạch và quản lý thành phố trên thế giới. Đây là một điểm nhấn quan trọng trong những nỗ lực xuất khẩu các giải pháp quy hoạch đô thị ở đảo quốc này ra toàn cầu.trong tầm phát triển đô thị - Ảnh: Thanh Liêm
Bài học tự thân
“So với khi còn nhỏ, tôi thấy thành phố giờ nhiều cây xanh hơn, sạch sẽ hơn, thêm nhiều công viên mới bên cạnh các tòa nhà chọc trời ngày càng cao” - Daphne Lye, một nhân viên truyền thông trẻ tuổi, bộc bạch.
Cảm nhận của Daphne được xác nhận bằng những con số ấn tượng về đô thị xanh, theo số liệu của Bộ Công thương Singapore: 2.041 công viên và khu giải trí công cộng tính đến năm 2009, tỉ lệ tái chế rác là 56%, vượt xa cả Mỹ (28%) hay Anh (34,5%), tỉ lệ thất thoát nước sinh hoạt và sản xuất chỉ khoảng 4,5%...
“Cuộc sống dễ chịu hơn, xe cộ đông đúc hơn nhưng giao thông vẫn được bảo đảm” - cô Lin Lixin, giám đốc phát triển hạ tầng và môi trường thuộc Ban các giải pháp đô thị, Cục Phát triển kinh tế Singapore (IE), khẳng định.
Cô Lixin cho biết đến nay 90,1% người dân Singapore đã có nhà ở, tỉ lệ thất nghiệp, ngay trong thời buổi khủng hoảng kinh tế năm 2008, chỉ ở mức 2,2%. Các giải pháp và mục tiêu phát triển đô thị bền vững được chính phủ hoạch định chi tiết, theo hướng dài hạn và luôn thực hiện bằng được.
Một ví dụ về tầm nhìn của chính quyền, theo lời giám đốc điều hành IE, ông Chong Lit Cheong, là sân bay quốc tế Changi: “Trạm đầu tiên chúng tôi xây dựng là trạm E, nhiều người hỏi tại sao lại là E chứ không phải là A. Thật ra, chúng tôi đã quy hoạch toàn bộ sân bay cho nhiều năm sau và tiến trình xây dựng được điều chỉnh tùy theo thực tế. Trạm A chỉ mới hoàn tất cách đây hai năm, dù sân bay này được xây từ những năm 1980”.
Cũng với tầm nhìn đó, Chính phủ Singapore đặt ra nhiều mục tiêu tham vọng cho 20 năm nữa: xây dựng một thành phố xanh, tiết kiệm 35% năng lượng sử dụng so với năm 2005, tăng tỉ lệ tái chế lên 70% và giảm lượng nước sinh hoạt tiêu thụ xuống còn 140 lít/người/ngày.
Tất nhiên, như mọi đô thị lớn khác, Singapore cũng có vấn đề của mình, nhưng thách thức với đảo quốc này có lẽ là độc nhất vô nhị: đô thị không thể mở rộng được nữa vì giới hạn về biên giới. Để có chỗ cho dân số 5 triệu người, chính quyền đã tiến hành những kế hoạch lấn biển hết sức quy mô.
Cô Lixin cho biết diện tích Singapore khi tuyên bố độc lập chỉ bằng 80% so với hiện nay (600km2 vào năm 1966 và hơn 700km2 hiện giờ).
Xuất khẩu công nghệ quản lý đô thị
Thống kê trong báo cáo “Emerging markets infrastructure: just get started” (kết cấu hạ tầng ở các thị trường mới nổi: chỉ mới bắt đầu) của Ngân hàng Morgan Stanley công bố tháng 1-2008 dự báo trong giai đoạn 2008-2017, các nước châu Á sẽ chi khoảng 21.700 tỉ USD cho kết cấu hạ tầng, chiếm 61% nhóm thị trường mới nổi bao gồm châu Á, châu Phi, Trung Đông, Mỹ Latin và Đông Âu. Trong đó chỉ riêng Trung Quốc sẽ bỏ ra 8.900 tỉ USD, còn Ấn Độ là 2.700 tỉ USD.
Những doanh nghiệp nhanh nhạy của Singapore đã đón bắt nhu cầu đó để bắt đầu chiến dịch xuất khẩu công nghệ xây dựng, phát triển và quản lý đô thị.
Trong danh sách của IE tại buổi họp báo giới thiệu WCS có tới 50 công ty có quy mô toàn cầu của Singapore đã và đang tham gia chiến dịch xuất khẩu tư duy quản lý đô thị, từ những lĩnh vực tổng quát như thiết kế, quy hoạch đô thị, vận tải công cộng, môi trường và xử lý nước đến những ngành chức năng ở các đô thị như chăm sóc y tế, giáo dục, bán lẻ... và thậm chí cả các dịch vụ bổ trợ, như thể với một tập hợp thích hợp các công ty từ Singapore, nếu đầu tư đúng đắn, các chính phủ có thể xây nên một thành phố mới hoàn toàn.
Tuy nhiên, Lixin cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của nguyên tắc “linh hoạt” trong các sản phẩm xuất khẩu. “Các công ty của chúng tôi áp dụng mô hình cụ thể cho những thành phố cụ thể”.
Singapore không “bán trọn gói” những giải pháp đô thị của mình. “Mỗi đô thị sẽ cần những cách xử lý khác nhau và mô hình Singapore chỉ là để học hỏi chứ không phải làm theo giống hệt” - Lixin phân tích.
Cô cũng kể ra một số dự án tiêu biểu của Singapore ở nước ngoài đã thành công và được coi là mô hình kiểu mẫu: các khu công nghiệp Việt Nam - Singapore của Tập đoàn Sempcorp, thành phố sinh thái Thiên Tân (Trung Quốc), khu phức hợp công nghệ sinh thái Nam Kinh (Trung Quốc), hệ thống vận tải công cộng ở sân bay quốc tế Damman (Saudi Arabia), hòn đảo nhân tạo hình cây cọ nổi tiếng Palm Jumeirah ở Dubai hay khu dân cư 136ha ở thành phố Tây An (Trung Quốc)...
Theo Tuổi Trẻ
- 179
- By Admin
- 29/06/2010
- 17