• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Siết việc đào đường: Nhà thầu giãy nảy

Sở GTVT TPHCM vừa ban hành quy định (thông báo 99/TB-SGTVT) chỉ cấp phép thi công các công trình đào đường trên địa bàn TPHCM mỗi lần không quá 100 m trong 2 tháng. Quy định này đã vấp phải sự phản ứng của các đơn vị thi công vì cho rằng có nhiều bất cập và có thể làm chậm tiến độ thi công các dự án.

Ảnh hưởng tiến độ

Đại diện của Tổng Công ty Xây dựng số 1 (CC1), đơn vị thi công gói thầu 12B1, dự án vệ sinh môi trường TP lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè, cho biết quy định này chỉ phát huy tác dụng đối với các nhà thầu chậm, yếu. Còn đối với các nhà thầu có tiến độ thi công nhanh thì vô cùng vướng vì phải mất thời gian lo thủ tục.

Theo số liệu của Ban quản lý dự án vệ sinh môi trường TP lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè, CC1 đang là nhà thầu có tiến độ thi công nhanh nhất TP, bình quân gần 14 m/ngày. Như vậy trong 2 tháng, đơn vị này có thể lắp đặt gần 800 m cống nếu không gặp trở ngại.

Tương tự, nhà thầu Công ty Cổ phần Phát triển Kỹ thuật Xây dựng (TDC) thi công gói thầu 11A2 dự án vệ sinh môi trường TP lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè trên đường Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình) cũng khẳng định họ sẽ lắp đặt xong 450 m cống trong 2 tháng.

Riêng gói thầu 7A, TDC cũng cho một con số “giật mình” là 42 m cống/ngày. Nếu áp dụng quy định mới, cả CC1 và TDC chỉ có thể lắp đặt tối đa 200 m cống trong 2 tháng vì thời gian xin cấp phép đã mất 10 ngày/lần.

Tiến độ thi công bị chậm, chẳng những nhà thầu bị phạt mà thời hạn ngày 31-12-2009 do Ngân hàng Thế giới đặt ra cho dự án vệ sinh môi trường TP lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè cũng khó bảo đảm. Vì đến nay, dự án này mới chỉ đạt gần 30% tiến độ lắp đặt cống.

Công trình ngầm: bài toán nan giải


Có thể nói công trình ngầm đang là vấn đề hóc búa khiến các nhà thầu lẫn Sở GTVT phải đau đầu. Thông báo 99/TB-SGTVT quy định các nhà thầu phải cam kết tự di dời công trình ngầm, nhưng nhiệm vụ này dường như “bất khả thi” bởi ngay cả đơn vị quản lý công trình ngầm như điện lực, cấp nước, chiếu sáng cũng không nắm hết vị trí, số lượng công trình ngầm của mình.

Đơn cử là công văn của Điện lực Gia Định gửi CC1 về cáp ngầm 15 KV trên địa bàn quận Bình Thạnh và Phú Nhuận cảnh báo: “Họa đồ có cập nhật cáp ngầm điện lực cung cấp chỉ mang tính chất tham khảo”.

“Chuyện di dời công trình ngầm phải do chính các đơn vị quản lý thực hiện vì chỉ có họ mới hiểu rõ cách đấu nối. Vả lại, chuyện mời các bên có liên quan xuống giải quyết việc di dời công trình ngầm cũng rất khó khăn, có khi mời, họ cũng chẳng thèm xuống. Vì thế, việc “quăng” trách nhiệm di dời công trình ngầm cho nhà thầu là chuyện cần xem lại!”- đại diện một nhà thầu nói.

Sẽ có cơ chế đặc biệt


Trước phản ứng của các nhà thầu, Phòng Quản lý giao thông Sở GTVT cho rằng chỉ có một số ít nhà thầu thi công nhanh, phần nhiều nhà thầu vẫn trong tình trạng ì ạch! Vả lại, chậm tiến độ là chuyện muôn thuở của các nhà thầu, không thể nói quy định này gây cản trở tiến độ dự án được.

Tuy nhiên, Sở GTVT cho biết để giảm áp lực về chuyện thủ tục xin cấp phép, từ lần thứ 2 trở đi, nhà thầu chỉ cần photocopy bản vẽ vị trí thi công kèm chữ ký của chủ đầu tư và biện pháp phân luồng giao thông để rút ngắn thời gian làm thủ tục. Riêng chuyện vướng công trình ngầm, nhà thầu phải chứng minh được thời gian giải quyết công trình ngầm thì sở sẽ đồng ý cho rào chắn tồn tại nếu thời gian nằm chờ dài.

Sau một tháng thực hiện, Sở GTVT sẽ tổng kết việc áp dụng quy định mới, sau đó sẽ có cơ chế cấp phép đặc biệt cho những nhà thầu thi công nhanh. Trong trường hợp nhà thầu bị phạt tiền do trễ tiến độ, Sở GTVT cũng sẽ đề nghị TP trả lại tiền cho nhà thầu vì đây là trường hợp bất khả kháng.

Theo Người Lao Động

  • 247
  • By Admin
  • 10/10/2008
  • 17