• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Siết tín dụng cho vay BĐS: Nhà đầu tư bị "o ép"?

Nhiều đơn vị do không tìm được nguồn vốn phải tìm cách bán đổ, bán tháo dự án, chuyển nhượng cho đơn vị khác hoặc dừng triển khai dự án…

Doanh nghiệp điêu đứng

Từ hiệu ứng của chính sách thắt chặt tiền tệ của Chính phủ, cộng với mức lãi suất cho vay hiện tại gần 30%, các ngân hàng trở nên dè dặt, không muốn hoặc không thể cho vay. Hệ quả là các chủ sở hữu BĐS và chủ đầu tư các dự án đang đứng trước nguy cơ bị "o ép" quá mức về tiến độ thực hiện dự án.

Theo Ngân hàng Nhà Nước (NHNN), hiện còn khoảng 20 ngân hàng dư nợ phi sản xuất cao hơn 22% trong khi thời hạn đang đến gần. Nhiều đơn vị đã kiến nghị với NHNN xem xét lại tiêu chí phân biệt tín dụng sản xuất và phi sản xuất trong đó có tín dụng BĐS.

Một số ngân hàng cho rằng, tín dụng BĐS được coi là lĩnh vực phi sản xuất, nhưng thực tế trong hoạt động BĐS, các khoản vay cũng nhằm phục vụ sản xuất như: xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng nhà xưởng sản xuất kinh doanh, cho vay để phát triển các khu công nghiệp, tạo lập nhà xưởng, lắp đặt máy móc thiết bị, cho vay để xây dựng cơ quan, văn phòng, chợ búa, trung tâm thương mại hay cho vay cá nhân để xây dựng và sửa chữa nhà ở... cũng rất cần thiết nhằm phục vụ đời sống, an sinh xã hội và các khoản vay này đang được khuyến khích thực hiện.

Khi ngân hàng siết chặt cho vay sẽ tác động tới kế hoạch triển khai dự án của các chủ đầu tư, thậm chí phải dừng thi công, gây lãng phí, giảm nguồn cung cho thị trường. Có thể thấy rất nhiều dự án bị chậm trễ do thiếu vốn, trong khi đó một vài chủ đầu tư khác đang đứng trước nguy cơ mất giấy phép đầu tư.

Trong khi không tìm được nguồn vốn, doanh nghiêp không có mối quan hệ tốt với các ngân hàng thì khó khăn lại càng nhân lên. Chắc chắn nhiều doanh nghiệp sẽ phải chậm tiến độ dự án, vi phạm hợp đồng với khách hàng, hoặc sẽ có nhiều doanh nghiệp phải “bán tống bán tháo” dự án của mình vì không có đủ vốn để triển khai tiếp. Thậm chí họ phải tính toán lại lại tiến độ triển khai, bán hàng, kể cả việc giãn, dừng dự án hoặc chuyển nhượng cho đơn vị khác.

“Vốn không có, bán không được nên các chủ đầu tư buộc phải để dự án đình trệ và thị trường theo đó sẽ rơi vào khó khăn. Để giải quyết tốt việc kinh doanh thì xu hướng sát nhập, mua bán, chuyển nhượng dự án là chuyện tất yếu trên thị trường”, một nhà đầu tư nhận định.

Nguồn vốn cho cả đầu vào lẫn đầu ra trên thị trường BĐS vẫn được cho là dựa quá nhiều vào ngân hàng. Với thông điệp thu hẹp tín dụng đối với lĩnh vực phi sản xuất thì việc cả chủ đầu tư lẫn khách hàng trong lĩnh vực địa ốc điêu đứng là điều sẽ nhanh chóng xảy ra.

Khách hàng cũng chịu trận

Nếu sắp tới, lãi suất tiếp tục tăng cao, chủ trương thu hẹp tín dụng BĐS được các ngân hàng triển khai thì không chỉ doanh nghiệp đầu tư bị làm khó mà khách hàng cũng gặp không ít khó khăn nếu phải vay mượn nhiều để mua bán BĐS.

Đầu tư kinh doanh BĐS đặc thù là cần có vốn hoặc có thể xoay vòng vốn nhanh để tiếp tục đầu tư. Do đó, xét về trung và dài hạn, việc thắt chặt tín dụng sẽ dẫn đến tình trạng khả năng “lướt sóng” của thị trường không còn cao, có lợi cho người có nhu cầu mua thực nhưng lại không lợi cho nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Nếu coi thị trường BĐS là lĩnh vực phi sản xuất và ngừng cho vay toàn bộ hoạt động của lĩnh vực này một cách không chọn lọc và thiếu linh hoạt, sẽ không chỉ gây tổn thất cho doanh nghiệp, bất ổn cho hệ thống tài chính ngân hàng mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới các cá nhân, đơn vị đang và sẽ tham gia vào thị trường này.

Trường hợp nếu dự án bị chậm tiến độ và ảnh hưởng tới tính thanh khoản của thị trường thì hàng hóa sẽ phải dừng lại ở dạng bán thành phẩm, không giao được cho khách hàng. Nếu không tiếp tục được nhồi vốn, mọi thứ sẽ lửng lơ, dự án không được hoàn thiện và không có sản phẩm để bán.

Không những thế, xây dựng và BĐS cũng là nơi tiêu thụ, là đầu ra của các ngành sản xuất như xi măng, sắt thép, gạch ngói, thiết bị vệ sinh... Các ngành này không chỉ góp phần tăng trưởng kinh tế mà còn giải quyết một phần lớn việc làm cho người lao động.

(Theo Tamnhin.net)

  • 0
  • By Admin
  • 21/06/2011
  • 17