Siết tín dụng BĐS: Chủ đầu tư lo ngại, môi giới bình tâm
Doanh nghiệp đầu tư địa ốc lo ngại
Năm 2015, hoạt động cho vay BĐS được nới lỏng, lãi suất cho vay được giữ ổn định giúp thị trường BĐS bùng nổ thanh khoản. Tuy nhiên, bước sang năm 2016, việc siết cho vay BĐS và dấu hiệu tăng lãi suất ngày càng rõ ràng, khiến nhiều doanh nghiệp lo ngại điều đó sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới thị trường địa ốc.
Trong thông báo gửi đến các thành viên về việc đóng góp ý kiến để sửa đổi Thông tư 36 ban hành ngày 20/11/2014 của Ngân hàng Nhà nước mới đây, Hiệp hội BĐS Tp.HCM (HoRea) nhận định, thực tế thị trường BĐS nội địa vốn phụ thuộc rất nhiều vào dòng vốn ngân hàng.
Đến cả huy động vốn từ người mua nhà, nguồn vốn này cũng có liên quan tới ngân hàng vì khách hàng hiện nay phần lớn vẫn phải vay vốn ngân hàng. Vì vậy, việc hạn chế nguồn cung tín dụng trung, dài hạn vào BĐS theo HoRea sẽ tác động tiêu cực đến thị trường BĐS không chỉ trong năm nay mà còn ở các năm tiếp theo.
Khi trao đổi với phóng viên, Chủ tịch HĐQT GPInvest Nguyễn Quốc Hiệp lo ngại, thị trường BĐS năm nay sẽ khó khăn hơn, không chỉ vì lãi suất cho vay hiện đang tăng mà hoạt động cho vay BĐS cũng sẽ bị siết chặt hơn. Theo ông Hiệp, những động thái này sẽ tác động rõ nét nhất tới thị trường địa ốc trong 2 quý cuối năm 2016.
Vị đại diện doanh nghiệp này cho biết, lo ngại thị trường sẽ chịu tác động tiêu cực từ chính sách trên nên GPInvest sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác bán hàng trong 6 tháng đầu năm nay nhằm tận dụng thời điểm thị trường BĐS vẫn đang diễn biến tích cực.
Trong khi chủ đầu tư lo ngại việc siết tín dụng BĐS sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường thì môi giới bình tâm vì cho rằng chính sách này không tác động nhiều tới thanh khoản. Ảnh minh họa |
Tương tự, một đại diện doanh nghiệp khác là Chủ tịch HĐQT CTCP Reenco Sông Hồng Nguyễn Thế Điệp nhận định, sau 1 năm bùng nổ cho vay BĐS, năm nay, rủi ro đối với ngân hàng đã xuất hiện. Do đó, các ngân hàng sẽ thận trọng hơn trong hoạt động cho vay BĐS. Thay vì cho vay vốn dàn trải, các ngân hàng sẽ sàng lọc rất kỹ chủ đầu tư và hạn chế cho vay đối với từng khách hàng.
Theo ông Điệp, Ngân hàng Nhà nước dự kiến sửa đổi Thông tư 36 sau 1 năm thực hiện là những dấu hiệu đầu tiên của việc ngân hàng sẽ siết chặt hơn hoạt động cho vay BĐS. Đó là những dấu hiệu khó khăn ban đầu của thị trường BĐS trong năm 2016.
Nhà phân phối vẫn bình tâm
Khi nhiều doanh nghiệp BĐS lo ngại về ảnh hưởng tiêu cực của việc siết tín dụng BĐS, một số doanh nghiệp môi giới lại cho đó là việc đương nhiên và thị trường sẽ không chịu nhiều tác động từ chính sách này.
Khi trao đổi với phóng viên, Tổng giám đốc Công ty CP Đất Xanh Miền Bắc Vũ Cương Quyết đánh giá, việc siết tín dụng BĐS là giải pháp thận trọng song lại có lợi cho thị trường về mặt lâu dài.
Thời gian vừa qua, giá BĐS đã tăng rất nhanh. Ở nhiều khu vực, giá bán đã vượt qua giá vào thời kỳ đỉnh của cơn sốt đất, khiến việc cho vay BĐS xuất hiện những rủi ro. Vì vậy, việc siết tín dụng BĐS nếu có chỉ là động thái khiến thị trường này đi vào quỹ đạo ổn định hơn.
Theo ông Quyết, việc siết tín dụng BĐS sẽ ít nhiều tác tới đến thanh khoản thị trường. Song, nhu cầu mua nhà để ở hiện tại vẫn chiếm đa số nên thị trường chỉ chững lại mà không đi xuống.
Trong khi đó, một đại diện đơn vị phân phối khác là Phó chủ tịch HĐQT CenGroup Phạm Thanh Hưng lại lạc quan hơn khi cho rằng, việc siết tín dụng BĐS chỉ là “nghiệp vụ” sau khi các ngân hàng đã mở hết “room” cho vay BĐS.
Cũng theo ông Hưng, việc siết tín dụng sẽ hạn chế nhóm đối tượng là các nhà đầu tư. Song, trên thực tế thị trường BĐS trong 2 năm qua, nhóm đối tượng chi phối lại là khách hàng có nhu cầu thực. Trong nhóm này, đa số mua nhà đất bằng vốn tự có nên việc siết cho vay BĐS sẽ không tác động quá tiêu cực tới thị trường.
- 0
- By Admin
- 25/02/2016
- 17