• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Sẽ thu hồi đất "vàng" để cỏ mọc

Thông tin này được ông Nguyễn Mạnh Hiển, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết trong cuộc trao đổi với báo chí bên lề hội nghị tổng kết năm của ngành ngày 28-12.

Đất vàng để cỏ mọc thì phải thu hồi

- Thời gian qua, tình trạng biến đất lúa thành các loại đất khác xảy ra tràn lan ở nhiều tỉnh, thành khắp cả nước. Nguyên nhân do đâu, thưa ông?

+ Việc chuyển đổi trái phép mục đích sử dụng đất một phần là do người dân chạy theo lợi ích trước mắt. Chẳng hạn hôm nay thấy cây cảnh được giá thì chuyển đất trồng lúa thành trồng cây cảnh, ngày mai thấy trồng loại cây khác được giá hơn thì lại chuyển sang trồng loại cây đó, hoàn toàn mang tính tự phát.

Cạnh đó, một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề này. Nhiều khi họ cứ nghĩ rằng để người dân chuyển đổi mục đích sử dụng đất, phát triển kinh tế được là tốt mà không nhìn rộng ra lợi ích của cả quốc gia. Lấy đất lúa nhiều sẽ đe dọa đến an ninh lương thực. Lấy nhiều đất rừng thì ảnh hưởng nhiều đến môi trường.

Việc lấy đất lúa để phát triển kinh tế là cần thiết vì muốn phát triển phải có dự án, phải có khu công nghiệp... nhưng không vì thế mà làm tràn lan. Do đó, vừa rồi Thủ tướng đã có chỉ đạo chỉ được mở thêm khu công nghiệp mới khi mà khu công nghiệp cũ đã được lấp đầy trên 60%, còn không thì phải dừng lại.

Với những địa phương nào làm trái quy định thì chúng tôi chỉ đạo để cho họ tự điều chỉnh, sau đó chúng tôi sẽ can thiệp trực tiếp. Sắp tới, với các khu đất đã được cấp phép, được quy hoạch nếu chủ đầu tư không hiệu quả hay làm trái quy định, không thực hiện cam kết thì chắc chắn chúng tôi sẽ thu hồi.

Hiện Bộ chúng tôi chỉ tập trung làm một số điểm, thành phố và một số tổ chức kinh tế lớn để có kết quả. Đối với diện tích đất bỏ hoang thì chúng tôi kiến nghị thu hồi ngay, còn diện tích đất nào liên quan dến tài sản, nhà xưởng thì phải cho họ thời gian tính toán lại, điều chỉnh lại rồi sau đó mới đến các bước tiếp theo trước khi thu hồi.

Cũng có ý kiến cho rằng, nếu nghị định quản lý đất lúa được thông qua sẽ tạo nên sự bất công bằng và ít nhiều sẽ gây khó cho các nhà đầu tư bất động sản?

Đây thực ra mới chỉ là dự thảo. Theo tôi thì chúng ta vẫn phải tiếp tục trao đổi theo hướng vừa giữ được đất lúa, vừa phải đáp ứng được phát triển kinh tế. Nếu chỉ giữ đất lúa không mà không đáp ứng được phát triển kinh tế thì chính sách cũng không có ý nghĩa.

Chúng ta giải quyết chính sách cho nông dân nhưng trên thực tế, nhiều chính sách phát triển kinh tế chưa đáp ứng được. Do đó, việc tìm ra một giải pháp hài hòa là cần thiết. Hiện có không ít địa phương có diện tích đất lúa khá lớn thì họ vẫn cần phải phát triển được kinh tế.

Ruộng lúa long an. ảnh: Skydoor.net

Sai phạm nhiều, xử chẳng bao nhiêu

- Nhưng chính quyền nhiều khi lại là người chủ động phá bỏ đất lúa, đất rừng mà không phải là người dân hay doanh nghiệp?

7.000 ha đất lúa (số tròn) đã bị giảm đi trung bình mỗi năm. Trong đó có điển hình là các tỉnh: Tây Ninh trên 14.000 ha, Sóc Trăng gần 14.000 ha, Đồng Nai gần 12.000 ha, Bình Dương trên 9.000 ha, Tiền Giang trên 8.000 ha. Một trong những nguyên nhân làm giảm đất lúa là dùng đất lúa làm đô thị, khu dân cư nông thôn hoặc đất sản xuất kinh doanh…
+ Trong một số trường hợp việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất là cần thiết, đáp ứng phát triển kinh tế. Tuy nhiên, việc chuyển đổi đó phải có sự kiểm soát, nghĩa là theo quy hoạch và được phép của cơ quan nhà nước.

Muốn phát triển kinh tế thì phải phát triển khu công nghiệp (KCN) nhưng không vì thế mà chúng ta làm tràn lan, rồi bỏ hoang đất. Vì vậy, vừa qua Thủ tướng đã có chỉ đạo: Các địa phương chỉ được mở KCN mới khi đã lấp đầy 60% KCN cũ. Với việc mở các KCN một cách ồ ạt như trong thời gian vừa qua, các địa phương phải tự rà soát, sau đó trung ương mới “ra tay”.

- Hiện sai phạm trong sử dụng đất công như sử dụng không đúng mục đích, lãng phí, bỏ hoang… được phát hiện nhiều nhưng xử lý không được bao nhiêu. Vì sao vậy, thưa ông?

+ Khi có chủ trương thu hồi một khu đất thì phải xem hiện trạng trên đất đó, có tài sản trên đất hay không… Xử lý như thế nào phải xem xét trên nhiều góc độ. Vừa rồi có đề xuất thu hồi một số đất bỏ hoang nhưng với đất đã có nhà xưởng, công trình thì phải gia hạn cho đơn vị vi phạm có sáu tháng để sắp xếp, điều chỉnh việc sử dụng đất cho phù hợp quy hoạch. Nếu không điều chỉnh được thì sẽ thu hồi. Còn việc có bồi thường cho đất này hay không, bồi thường như thế nào thì phải xem xét từng trường hợp cụ thể. Hiện Bộ mới chỉ tập trung thanh tra, xử lý ở một số TP lớn, một số tổ chức kinh tế, một số điểm.

- Xin cảm ơn ông.

Một trong những nội dung của dự thảo Nghị định quản lý đất lúa do Bộ Nông nghiệp và Nông thôn xây dựng chưa nhận được sự đồng tình của lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường là còn có sự thiếu công bằng trong việc đền bù khi thu hồi đất lúa để xây dựng các dự án khu đô thị, công nghiệp hay các dự án xã hội khác nếu dự thảo được thông qua. Chính vì vậy, cần phải có sự xem xét, phân tích lại những quy định của dự thảo để đảm bảo tính khả thi khi được áp dụng vào thực tiễn.

Ông có thể nói rõ hơn những điểm mà ông cho là bất hợp lý của nghị định?

Tôi cũng đã xem kỹ dự thảo nghị định đó. Rõ ràng là có những điểm bất hợp lý. Chẳng hạn như quy định về đấu giá đất để thu 70% cho nông dân, còn 30 nộp ngân sách là không hợp lý. Hiện chúng ta vẫn đang thực hiện cơ chế đấu giá đất đối với rất nhiều diện tích đất trên cả nước và có những điều khoản đi kèm phù hợp.

Thế nhưng trong dự thảo này lại bắt buộc số tiền đấu giá đó phải đưa cho nông dân 70%. Vậy thử hỏi, nếu đối với một số dự án không đấu giá thì nhà nước xử lý kiểu gì, người dân ở đó được bao nhiêu. Nếu chờ ngân sách bỏ ra đền bù cho nông dân thì cũng rất khó.

Việc bồi thường cho người dân phải công bằng, phải theo chính sách bồi thường chung. Kinh nghiệm các nước không phải đưa ra  giải pháp đấu giá cao là có thể hạn chế đầu tư vào diện tích đất nào đó. Quan trọng là khi nhà đầu tư muốn lấy đất thì phải bỏ tiền ra để địa phương đó có tiền khai hoang ở nơi khác bù vào diện tích đó, chứ không phải cứ đưa ra chính sách bất hợp lý để giữ lại.

Tôi cho rằng, chúng ta phải nên thực hiện theo hướng đó. Một trong những giải pháp đó là có thể để nhà đầu tư bóc lớp đất mặt tại khu đất lúa đó chuyển sang vùng đất xấu để nông dân tiếp tục cải tạo, sản xuất. Chúng ta không nên đơn thuần nâng giá lên bởi sau này còn liên quan đến nhiều dự án sau này.

Bộ chúng tôi cũng đã có góp ý chính thức với dự thảo này là cần phải công bằng hơn trong chính sách bồi thường, còn diện tích đất lúa cần giữ bao nhiêu là trên cơ sở quy hoạch và cần có những giải pháp để tăng diện tích bù đắp khi chuyển đổi mục đích.

Lâu nay chúng ta vẫn cứ nghĩ khu công nghiệp phải bám đường quốc lộ hay lên gần núi mà quên rằng, những dự án đó hoàn toàn có thể lựa chọn nhiều khu vực khác thay thế, ngay cả khu vực đất bãi bồi vẫn có thể cải tạo để sử dụng.

(Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển trao đổi với VnEconomy)

(Theo PLTPHCM,Vneconomy)

  • 0
  • By Admin
  • 29/12/2010
  • 17