Sẽ sớm phê duyệt Đồ án quy hoạch chung Hà Nội
Theo đó, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là cơ bản nhất trí với dự thảo quy hoạch chung lần cuối được Bộ Xây dựng báo cáo. Do tầm quan trọng của đồ án quy hoạch, Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng tiến hành rà soát, chỉnh sửa một số điểm được góp ý để báo cáo Bộ Chính trị khoá mới thông qua, trước khi trình Thủ tướng phê duyệt đồ án.Quy hoạch chung Hà Nội dự kiến được trình Chính phủ thông qua trong quý I. Ảnh: Kỳ Anh |
Thống nhất định hướng phát triển không gian và quy hoạch đô thị
Trên cơ sở nhiệm vụ thiết kế đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhìn chung đồ án quy hoạch do Bộ Xây dựng chỉ đạo liên doanh tư vấn hoàn thiện đã đạt được các mục tiêu cơ bản: Xây dựng và phát triển thủ đô Hà Nội trở thành thành phố xanh-văn hiến-văn minh-hiện đại, trên nền tảng phát triển bền vững, là trung tâm hành chính-chính trị quốc gia, đồng thời có tầm ảnh hưởng khu vực. Cấu trúc không gian quy hoạch và kiến trúc đô thị được nghiên cứu phù hợp với đặc thù của thủ đô Hà Nội sau khi mở rộng. Đó là hạn chế việc phát triển loang rộng và thiếu kiểm soát của đô thị trung tâm. Khai thác hệ thống sông hồ để xác định hình ảnh đặc trưng của thành phố Hà Nội là thành phố có nhiều hồ nước, kiểm soát tốt việc thoát nước, tránh ngập úng khi có mưa lớn dài ngày; phòng, chống thiên tai, lũ lụt và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Hệ thống giao thông đô thị tiếp tục xây mới và nâng cấp. Phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ, sử dụng giao thông công cộng là phương tiện chủ yếu để kết nối đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh. Đồ án quy hoạch việc nâng cấp hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đô thị, giảm sự quá tải về dịch vụ y tế, giáo dục, nhà ở, công sở làm việc, các công trình văn hóa, thể dục thể thao, vui chơi giải trí, công viên cây xanh; đặc biệt là tại khu vực nội thành. Dành quỹ đất dự trữ trong quy hoạch để phát triển các công trình hạ tầng xã hội đô thị và xây dựng các trụ sở làm việc.
Theo các định hướng này, Ban Cán sự Đảng Chính phủ thống nhất cao với quy hoạch phân bố không gian đô thị. Trong đó, thủ đô Hà Nội được xây dựng phát triển bền vững theo mô hình chùm đô thị gồm: Đô thị hạt nhân trung tâm kết nối với 5 đô thị vệ tinh và các thị trấn thuộc khu vực nông thôn. Đô thị trung tâm hạt nhân (hay đô thị lõi) sẽ bao gồm cả hai phía tả và hữu sông Hồng, được quy hoạch trở thành trung tâm chính trị, văn hóa, lịch sử, dịch vụ, y tế, đào tạo chất lượng cao của thành phố Hà Nội và cả nước. Dự báo đến năm 2030, dân số đô thị lõi vào khoảng 4-4,6 triệu người. Các đô thị vệ tinh gồm: Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên-Phú Minh và Sóc Sơn, dự báo dân số khoảng 1,3-1,4 triệu người. Các đô thị này sẽ mang những chức năng đặc thù riêng để phát triển và hỗ trợ, chia sẻ với đô thị trung tâm hạt nhân về nhà ở, đào tạo chất lượng cao, công nghiệp, dịch vụ..., giải quyết công ăn việc làm cho người dân đô thị, nông thôn và dân nhập cư.
Các khu đô thị là một trong những mối quan tâm của quy hoạch. Ảnh: GIANG HUY |
Sẽ có cuộc thi thiết kế trục Hồ Tây - Ba Vì
Với đề xuất của Bộ Xây dựng về quy hoạch hạ tầng xã hội, hệ thống cơ quan công sở cấp trung ương như: Các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ vẫn được đặt tại khu vực Ba Đình. Các công sở này cần phải được cải tạo, nâng cấp để đáp ứng nhu cầu làm việc của các cơ quan đầu não của Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ. Theo chỉ đạo của Chính phủ, đối với các cơ quan, công sở cấp trung ương phải di dời khỏi khu vực nội đô sẽ được xây dựng mới tại Mễ Trì - Mỹ Đình hoặc tây hồ Tây, quy mô đáp ứng được yêu cầu làm việc hiện đại, tiện nghi theo mô hình khu tập trung, liên cơ quan cũng được Chính phủ nhất trí thông qua. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu sau khi quy hoạch chung được phê duyệt, thành phố Hà Nội cũng cần phối hợp với các bộ, ngành liên quan khẩn trương lập, điều chỉnh và phê duyệt các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, các chương trình dự án theo các phân kỳ đầu tư xây dựng, đồng thời tổ chức, giám sát việc quản lý thực hiện quy hoạch để quy hoạch được thực hiện nghiêm túc.
Các trục không gian hướng tâm về nội đô Hà Nội cũng là đề tài được dư luận quan tâm thời gian qua, theo đồ án quy hoạch chung, cũng đã hình thành khá rõ nét. Đó sẽ là các tuyến đường Hồ Tây - Ba Vì, trục quốc lộ 32, đại lộ Thăng Long, trục quốc lộ 6, quốc lộ 3, trục quốc lộ 1, trục Nhật Tân-Nội Bài... Đồng thời, với việc cải tạo và xây mới các tuyến đường vành đai như vành đai 1 đoạn Cầu Giấy - Trần Khát Chân dài 10,2km, quy mô 6-8 làn xe. Trong đó, Bộ Xây dựng khẳng định tuyến đường Ba Vì - Hồ Tây sẽ là tuyến giao thông huyết mạch, vừa đóng vai trò là trục giao thông chính, đồng thời là hành lang hạ tầng kỹ thuật chính; hỗ trợ phát triển các vùng phía tây bắc Hà Nội như Hoà Lạc, Sơn Tây, Ba Vì, khu vực nam Vĩnh Phúc, Phú Thọ.
Trên trục sẽ xây dựng một số công trình kiến trúc văn hoá, lịch sử, giải trí tầm cỡ quốc gia và quốc tế, có đài Độc Lập và hệ thống công viên cảnh quan... Vì vậy, sau khi trục này hình thành, Bộ Xây dựng sẽ đứng ra chủ trì cuộc thi tuyển thiết kế kiến trúc để chọn được phương án thiết kế tối ưu cho tuyến đường. Dự kiến, quy hoạch chung Hà Nội sẽ được trình Chính phủ thông qua trong khoảng quý I năm nay.
(Theo Lao Động)
- 0
- By Admin
- 22/01/2011
- 17